Thế giới di động bị giảm 50% giá trị từ khi Covid-19 bùng phát

Thế giới di động bị giảm 50% giá trị từ khi Covid-19 bùng phát

Doanh số cửa hàng hiện hữu của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh sẽ chịu tác động xấu trong quý 2 năm nay và cho đến khi COVID-19 tại Việt Nam được kiểm soát, đặc biệt là ở Hà Nội và Tp.HCM - hai thị trường lớn nhất, chiếm hơn 20% số lượng cửa hàng của MWG.


Là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất do tác động từ sự bùng phát của dịch Covid-19, nhưng các cổ phiếu chủ chốt ngành hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet hay ACV lại không phải là nhóm giảm mạnh nhất.

Dữ liệu theo dõi biến động của nhóm cổ phiếu bluechips từ khi dịch Covid-19 tác động lên thị trường cho thấy 2 đại diện ngành bán lẻ là Thế giới Di động (MWG) và PNJ đang là 2 cổ phiếu giảm mạnh nhất với mức giảm lần lượt là 50% và 47%.

Những phiên gần đây, MWG bị tác động mạnh bởi thông tin công ty sẽ tạm đóng cửa các siêu thị Điện Máy Xanh và Thế giới Di động tại các vùng dịch COVID-19. Trong giai đoạn trước đó, cả MWG và PNJ vốn đã bị ảnh hưởng khi nhà đầu tư lo ngại nhu cầu đối với các sản phẩm không thiết yếu mà 2 công ty này đang dẫn đầu thị trường (nữ trang, điện thoại, điện tử...) sẽ suy yếu.

Về ảnh hưởng của dịch COVID-19, theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), doanh thu điện thoại thông minh của Thế Giới Di Động chắc chắn đang bị ảnh hưởng. Số liệu của Strateg Analytics cho biết, doanh số bán điện thoại thông minh toàn cầu chỉ đạt 61,8 triệu chiếc vào tháng 2 năm nay, giảm mạnh 38% so với 99,2 triệu chiếc vào tháng 2 năm 2019. Dịch COVID-19 đã gây ra gián đoạn trong chuỗi cung ứng điện thoại toàn cầu (chủ yếu ở Trung Quốc) từ tháng 1 năm nay cũng như khiến người dân hạn chế đến các cửa hàng để mua sắm điện thoại thông minh.

Đối với Việt Nam, trong khi các nhà máy ở Trung Quốc đang bắt đầu hoạt động trở lại và hàng tồn kho của Thế Giới Di Động vẫn đủ để bán cho đến ít nhất tháng 6 tới, nguồn cung có thể không phải là vấn đề mà là sức cầu. Mọi người đang tránh xa những nơi công cộng để tránh lây nhiễm và điện thoại thông minh - một loại hàng không thiết yếu sẽ không phải là ưu tiên trong giai đoạn này.

Cùng với đó, tăng trưởng doanh số cửa hàng hiện hữu (SSSG) tại Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh sẽ chịu tác động tiêu cực trong quý 2 năm nay và cho đến khi COVID-19 tại Việt Nam được kiểm soát, đặc biệt là ở Hà Nội và Tp.HCM - hai thị trường lớn nhất, chiếm hơn 20% số lượng cửa hàng của MWG.

Mặc dù kênh online sẽ bù đắp một phần tổn thất doanh số tại cửa hàng, nhưng khách hàng ở các thành phố lớn có thể tìm thấy các lựa chọn thay thế tại các trang web thương mại điện tử khác với giá có thể rẻ hơn, trong khi lợi thế tại kênh online của Thế Giới Di Động từ mạng lưới cửa hàng rộng khắp chỉ rõ rệt nhất ở những địa phương mà các website thương mại điện tử khó tiếp cận.

Hơn nữa, Công ty cũng sẽ mất đi cơ hội tăng doanh số bán TV vì giải bóng đá EURO được dời lại đến năm 2021. Ngoài ra, mảng online của Thế Giới Di Động cung đang sa sút thời gian gần đây, doanh thu đã giảm 3 tháng liên tiếp.

Mặt khác, phương thức bán chéo - yếu tố được đánh giá ​​sẽ giúp tăng lợi nhuận đáng kể cho các chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh - cũng sẽ bị ảnh hưởng mạnh do cuộc khủng hoảng virus làm giảm lưu lượng khách đến các cửa hàng.

Ngược lại, chuỗi Bách Hóa Xanh sẽ là cứu cánh cho MWG thoát khỏi tình trạng tăng trưởng doanh thu âm trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Doanh số FMCG có thể tăng mạnh trong tháng 3 do người dân dự trữ nhiều hơn vì sợ thiếu hụt nhu yếu phẩm nhưng đây có thể chỉ là hiệu ứng nhất thời hơn là xúc tác cho doanh thu FMCG của Bách Hóa Xanh trong năm nay, VDSC cho hay.

Qua khảo sát tại một số cửa hàng Bách Hóa Xanh, đơn vị này ghi nhận không có sự khác biệt đáng kể về lưu lượng khách trước và trong giai đoạn virus bùng phát đối với các cửa hàng lớn nằm gần các chợ truyền thống.

Trong khi đó, lưu lượng khách ở các cửa hàng quy mô vừa nằm trên các con đường lớn hiện thấp hơn so với trước đây. Điều đó không hoàn toàn phản ánh doanh thu trên mỗi cửa hàng vì giá trị đơn hàng trung bình không được tính đến.

Bên cạnh bản chất là chuỗi bán lẻ hàng thiết yếu, yếu tố đa dạng hóa về địa lý của Bách Hóa Xanh cũng tăng cường "sức đề kháng virus" của chuỗi này vì dịch bệnh chủ yếu gây ảnh hưởng mạnh ở các thành phố lớn, đặc biệt là Tp.HCM.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 60% cửa hàng Bách Hóa Xanh nằm ngoài Tp.HCM, theo đó VDSC cho rằng tác động đến doanh số trung bình/cửa hàng sẽ không nhiều. Tăng trưởng doanh thu của Bách Hóa Xanh vẫn sẽ đạt hơn 100% trong năm 2020 nhờ đóng góp từ các cửa hàng mới (mở vào năm ngoái và năm nay).

Trở lại đầu trang