Hàng ngoại chiếm thương hiệu Việt
Giám đốc điều hành Công ty TNHH Liên kết thương mại toàn cầu Nguyễn Ngọc Luận chia sẻ kỷ niệm thương hiệu cà phê Meet More bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm đoạt. Điều này chỉ được phát hiện khi công ty đăng ký bản quyền tại Hàn Quốc nhưng bị nhà chức trách nước sở tại từ chối.
“Để lấy lại thương hiệu, doanh nghiệp đã phải nộp đơn xác định nguồn gốc cà phê, thương hiệu là của chúng tôi. Chính phủ Hàn Quốc nhận đơn và đơn vị đã yêu cầu đối tác tự rút đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, thương hiệu”, ông Nguyễn Ngọc Luận nói.
Thực tế, không chỉ cà phê Meet More bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm thương hiệu mà nhiều mặt hàng Việt Nam cũng lâm vào tình cảnh này. Vừa qua, sản phẩm gạo ST25 đã đạt giải Nhất cuộc thi Gạo ngon Thế giới năm 2019, rồi giải Nhì năm 2020 nhưng hiện thương hiệu gạo đã bị doanh nghiệp khác đăng ký bảo hộ ở Mỹ. Điều này khiến doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu gạo ST25.
Thương hiệu quốc gia phải được bảo hộ nhưng Việt Nam đang thiếu những cơ quan ở quốc tế để giúp các doanh nghiệp đăng ký thương hiệu. Chúng ta không thể đổ lỗi cho doanh nghiệp khi để mất thương hiệu vào tay doanh nghiệp nước ngoài mà phải bảo vệ họ. Trước đó, cafe Trung Nguyên từng bị nước ngoài chiếm thương hiệu, rồi sau đó là nước mắm Phú Quốc… nhưng gần như cơ quan quản lý không có động thái bảo vệ doanh nghiệp. Thời gian tới cần tập trung vào vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu.
Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN ) Trần Lê Hồng
Theo Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Cảnh Cường, gạo Việt tiêu thụ tại thị trường nước Anh nhưng không được gắn nhãn mác xuất xứ từ Việt Nam mà còn gắn những thương hiệu Anh quốc như Longdan, Golden Lotus, Buffalo (của Longdan Supermarket), Green Dragon (của Westmill UK) và Red Ant (của MediFood).
Nguyên nhân là do doanh nghiệp xuất khẩu chưa làm thương hiệu nên không được người tiêu dùng sở tại biết đến. Ngoài ra đơn vị phân phối sở tại cho rằng thương hiệu riêng của họ có hiệu quả marketing hơn thương hiệu của nhà xuất khẩu.
Đồng tình với ý kiến này, Chuyên gia thương hiệu Vũ Xuân Trường (Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu & Cạnh tranh) nêu rõ, số lượng đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài rất thấp. Cụ thể, tại thị trường EU và Mỹ chỉ có chưa đầy 200 sản phẩm xe cộ, chén bát… của các doanh nghiệp tên tuổi như Vinfast, Minh Long đăng ký bảo hộ thương hiệu.
Bộ Công Thương vừa công bố kết quả khảo sát doanh nghiệp xây dựng thương hiệu Việt, theo đó, chỉ 20% doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu nhưng cũng chỉ chú trọng đăng ký tại Việt Nam, chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài. Kết quả khảo sát này cho thấy có đến 80% doanh nghiệp không quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, dẫn tới tình trạng sản phẩm Việt Nam dù có chất lượng cao nhưng vẫn chưa tìm được vị trí xứng đáng ở thị trường nội địa và quốc tế.
Cần giải pháp cụ thể
Lý giải nguyên nhân khiến một bộ phận doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, trong cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam có đến 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên tiềm lực tài chính hạn chế, “lực bất tòng tâm” khi xây dựng thương hiệu.
“Để khắc phục bất cập này, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Cụ thể, có giải pháp tổng thể tuyên truyền, hỗ trợ thông tin, pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa về vấn đề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu/thương hiệu. Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ nguồn lực tài chính - nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ sức xây dựng được thương hiệu cho riêng mình” - ông Quốc Anh kiến nghị.
Để giải quyết những bất cập này, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho hay, từ năm 2014 đến nay Bộ Công Thương tổ chức bình chọn sản phẩm Thương hiệu quốc gia. Qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng, quảng bá thương hiệu.
Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tăng cường hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức vai trò thương hiệu, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị sản phẩm, thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài ra đẩy mạnh giám sát việc xâm hại bản quyền nhãn hiệu của Việt Nam, hỗ trợ kỹ thuật thông qua việc cung cấp các khoá đào tạo tập huấn, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại một số thị trường xuất khẩu trọng điểm.
“Với thị trường quốc tế, Cục Xúc tiến thương mại đẩy mạnh phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký sở hữu trí tuệ cho một số sản phẩm chủ lực tại khu vực Bắc Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản. Đây là hành động thiết thực giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam” - ông Vũ Bá Phú nêu ví dụ.
Bên cạnh sự hỗ trợ xây dựng thương hiệu từ cơ quan quản lý, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu & Cạnh tranh (BCSI) Võ Trí Thành cho biết, bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực, quyết tâm xây dựng và phát triển mạnh mẽ thương hiệu quốc gia nói chung, thương hiệu doanh nghiệp nói riêng. Ngoài ra, cần đầu tư cho nghiên cứu thị trường, qua đó tạo ra sản phẩm phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng, xây dựng các quy chuẩn cho sản phẩm nhằm bảo đảm tính minh bạch của quy trình sản xuất, từ đó tạo tấm “giấy thông hành” cần thiết cho hàng hóa nông sản.
“Với những thương hiệu mới tham gia thị trường quốc tế thường gặp khó khăn về kinh phí quảng bá, doanh nghiệp nên đẩy mạnh liên kết với các thương hiệu đã có tên tuổi từ đó tận dụng sự hỗ trợ về vốn, công nghệ, kỹ thuật để nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của mình” - ông Võ Trí Thành tư vấn.
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI