Thương hiệu xanh: Xu hướng tất yếu của kinh tế bền vững

Thương hiệu xanh: Xu hướng tất yếu của kinh tế bền vững

Thương hiệu xanh không chỉ là xu hướng tất yếu của nền kinh tế mà còn là lợi thế cạnh tranh dài hạn, tạo ra giá trị kinh tế và môi trường bền vững.

Nguồn:Công Thương

Xu hướng tất yếu của sản phẩm xanh

Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng đến mô hình phát triển bền vững, các thương hiệu xanh ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động đến môi trường, đồng thời tạo ra giá trị kinh tế bền vững. Chuyển đổi xanh không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn trở thành lợi thế cạnh tranh, giúp doanh nghiệp đứng vững trước những biến động của thị trường.

Trong xu hướng tiêu dùng xanh, các sản phẩm thân thiện với môi trường được ưu tiên lựa chọn và được coi như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm chất lượng cao. Ảnh: Tuệ Mỹ

Trong xu hướng tiêu dùng xanh, các sản phẩm thân thiện với môi trường được ưu tiên lựa chọn và được coi như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm chất lượng cao. Ảnh: Tuệ Mỹ

Sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường đang dần chiếm lĩnh thị trường khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề môi trường và sức khỏe. Khảo sát gần đây của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho thấy 59% người tiêu dùng ưu tiên sản phẩm xanh, trong đó 44% sẵn sàng trả thêm chi phí để ủng hộ tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, trên thực tế, yếu tố giá cả vẫn là rào cản lớn khi quyết định mua sắm.

Một số ngành hàng có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực sản phẩm xanh là nông sản hữu cơ, thời trang bền vững, bao bì sinh học và thực phẩm chế biến theo công nghệ sạch. Chẳng hạn năm 2024, ngành dừa đã bắt đầu triển khai kế hoạch bán tín chỉ carbon từ 50.000 ha dừa để tăng thêm thu nhập cho nông dân. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn khuyến khích các phương thức canh tác bền vững, giảm phát thải carbon trong chuỗi sản xuất.

Thương hiệu xanh và bài toán chi phí

Mặc dù xu hướng tiêu dùng xanh đang gia tăng, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc định giá sản phẩm do chi phí đầu tư vào quy trình sản xuất xanh khá cao. Một trong những thách thức lớn nhất là chi phí sản xuất bao bì thân thiện với môi trường. Theo các chuyên gia trong ngành thực phẩm, việc sử dụng bao bì tái chế, ống hút giấy hay các vật liệu có thể phân hủy sinh học đều có giá thành cao hơn so với vật liệu nhựa truyền thống. Nếu tính đúng, tính đủ chi phí vào giá bán, doanh nghiệp có thể mất thị phần ngay lập tức.

Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại và truyền thông của Công ty Nestlé Việt Nam, cho biết: “Chuyển đổi xanh không phải là bài toán đơn giản, mà là một chiến lược dài hạn. Chúng tôi phải tối ưu hóa cả chuỗi giá trị, từ nguồn nguyên liệu bền vững, quy trình sản xuất tiết kiệm năng lượng, đến vận chuyển và tiêu dùng cuối cùng. Đây không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn cần sự đồng hành của người tiêu dùng và chính sách hỗ trợ từ Nhà nước”.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất xanh đã có cách tiếp cận linh hoạt hơn. Các chuyên gia nhận định, nếu doanh nghiệp chỉ tập trung vào sản xuất xanh mà không tính đến bài toán giá cả, sản phẩm sẽ rất khó tiếp cận thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã tính khấu hao nhà máy dựa trên tổng công suất thay vì số lượng sản xuất thực tế để giảm giá thành sản phẩm. Nhờ vậy, giá sản phẩm cạnh tranh hơn, giúp mở rộng thị trường và nâng cao nhận thức tiêu dùng xanh.

Chuyển đổi xanh: Lợi thế cạnh tranh dài hạn

Bất chấp những khó khăn ban đầu, nhiều doanh nghiệp vẫn kiên trì theo đuổi chiến lược sản xuất xanh vì nhận thấy đây là hướng đi tất yếu trong dài hạn. Theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh: “Chuyển đổi xanh không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế thương hiệu mà còn gia tăng cơ hội xuất khẩu, đặc biệt là khi nhiều thị trường quốc tế đã áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về sản phẩm bền vững”.

Các doanh nghiệp dệt may cũng đang đẩy mạnh phát triển các dòng sản phẩm thời trang xanh, sử dụng nguyên liệu từ sợi tre, bã cà phê, bột gỗ để giảm tác động đến môi trường. Bà Phạm Lan, Giám đốc chuỗi cung ứng Canifa Việt Nam nhận định: “Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển thời trang bền vững. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là thay đổi thói quen tiêu dùng. Người tiêu dùng vẫn ưu tiên giá rẻ hơn là tính bền vững. Chúng tôi đang tập trung vào việc giáo dục thị trường, giúp khách hàng hiểu rõ lợi ích của sản phẩm xanh không chỉ với môi trường mà còn với chính sức khỏe của họ”.

Hợp lực chính sách và truyền thông: Đòn bẩy thúc đẩy thương hiệu xanh

Để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh, các chuyên gia cho rằng cần có chính sách hỗ trợ rõ ràng hơn từ phía Nhà nước. Hiện nay, dù đã có nhiều chính sách về giảm thuế, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xanh, nhưng khâu thực thi vẫn còn nhiều bất cập. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: “Việt Nam cần có các chương trình hỗ trợ thực tế hơn, chẳng hạn như ưu đãi về vốn vay, giảm thuế nhập khẩu cho công nghệ xanh, hay các chính sách khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm xanh thông qua ưu đãi giá”.

Bên cạnh đó, vai trò của cộng đồng và truyền thông cũng rất quan trọng trong việc lan tỏa thói quen tiêu dùng bền vững. Doanh nghiệp có thể đưa ra nhiều sáng kiến về sản phẩm xanh, nhưng nếu người tiêu dùng không thay đổi nhận thức thì sẽ rất khó tạo ra tác động lớn. Nhiều doanh nghiệp hiện nay có xu hướng tập trung vào các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức về tiêu dùng xanh, khuyến khích khách hàng lựa chọn các sản phẩm có chứng nhận bền vững.

Sản phẩm xanh và thương hiệu xanh không chỉ là một xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu trong nền kinh tế hiện đại. Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, nhưng các doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn đều đang kiên trì theo đuổi chiến lược này để vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng. Để quá trình chuyển đổi xanh diễn ra nhanh và hiệu quả hơn, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước và sự ủng hộ của người tiêu dùng. Chỉ khi có sự đồng hành của tất cả các bên, kinh tế xanh mới thực sự phát huy hết tiềm năng và mang lại lợi ích lâu dài cho xã hội.

Công Thương
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang