Tiki mua lại trang bán vé trực TicketBox

Tiki mua lại trang bán vé trực TicketBox

Công ty cổ phần Tiki - chủ sở hữu sàn thương mại điện tử cùng tên, hôm nay (20.8) đã công bố mua lại nền tảng đặt vé trực tuyến TicketBox.


Ngày 20/08/2019 sàn TMĐT Tiki chính thức công bố mua lại Ticketbox - nền tảng quản lý và phân phối vé sự kiện trực tuyến, tiếp tục lấn sân vào mảng giải trí sau khi đầu tư 100 dự án quảng cáo vào hàng loạt MV của sao Việt như Chipu, Min, Erik..., trước đó.

Nắm được đà tăng trưởng "khủng" của việc mua vé qua mạng, Tiki mua lại Ticketbox để hoàn thiện hệ sinh thái “all in one” (tất cả trong một). Cụ thể ngành bán vé sự kiện tại Việt Nam dự kiến đạt 40 triệu USD trong năm 2019 (tăng 50% so với năm ngoái), còn vé xem phim cũng được kỳ vọng đạt đến 160 triệu USD vào cuối năm nay.

Trước đó, Tiki cũng đã đầu tư vào dự án Tiki đi cùng sao Việt, đồng hành cùng 100 MV trong năm 2019. Về các mục tiêu phát triển trong thời gian sắp tới, đến tháng 11.2019, Ticketbox sẽ mở rộng cung cấp vé xem phim với tính năng chọn ghế ngồi từ các cụm rạp trên cả nước. Từ nay đến tháng 11.2020, Ticketbox dự kiến sẽ mang đến cho khán giả hơn 5.000 sự kiện. Và dự kiến con số này sẽ tăng từ 2-3 lần mỗi năm.

Tiki đang là nền tảng thương mại phổ biến thứ hai tại Việt Nam, sau Shopee của Sea Limited. Theo Tiki, các nhà đầu tư Việt Nam đang nắm 51,33% cổ phần công ty, theo sau là cổ đông Trung Quốc (21,47%), Singapore (11,08%), Hàn Quốc (7,71%), Hồng Kông (4,69%) và Nhật Bản (3,72%).

Năm 2016, VNG Corporation từng đầu tư 17 triệu USD vào Tiki để đổi lấy 38% cổ phần. Tuy nhiên, cổ phần của VNG đã giảm xuống 24,4% vào tháng 6 năm nay. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp từng cho thấy JD.com đã "bơm" 44 triệu USD vào Tiki để nắm 25,6% cổ phần. Mặc dù vậy, Tiki phủ nhận và nói rằng đây là số liệu chưa được cập nhật. Họ khẳng định JD.com chưa từng là cổ đông lớn nhất.

Trong khi đó, Ticketbox thành lập năm 2013, là nền tảng bán vé trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam. Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Tiki, sau sáp nhập Ticketbox vẫn hoạt động độc lập, Tiki hỗ trợ về con người và nguồn vốn.

Theo CEO Tiki, việc mua lại này mở ra bước tiếp theo trong hành trình hoàn thiện hệ sinh thái thương mại điện tử của đơn vị này. Và đây cũng là thương vụ đầu tiên của sàn TMĐT Tiki.

“Trên thế giới, M&A trong lĩnh vực công nghệ xảy ra thường xuyên, đó là hoạt động không thể thiếu trong hệ sinh thái của khởi nghiệp. Còn Việt Nam, sáp nhập ở lĩnh vực này chưa nhiều. Cuối cùng sáp nhập là một hoạt động thừa nhận của một startup. Khi sáp nhập các founder, đội ngũ công ty khởi nghiệp mới thành công. Bản thân Tiki luôn trong trạng thái tìm kiếm, đồng hành và đầu tư phát triển cùng startup, đặc biệt các startup trong lĩnh vực kinh tế số, TMĐT, Logictis. Còn việc đầu tư, sáp nhập được hay không còn tùy duyên chứ không phải muốn là được”, ông Sơn nhấn mạnh.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang