Viện trưởng BCSI được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Chủ tịch VNCPEC

Viện trưởng BCSI được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Chủ tịch VNCPEC

Ngày 6/5, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ cử TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh làm Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam (VNCPEC) nhiệm kỳ 2020-2021.


VNCPEC là thành viên trong mạng lưới 23 Ủy ban thành viên của Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC). Đây là cơ chế hợp tác, phối hợp chính sách quan trọng hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương, tập trung vào việc nghiên cứu, đề xuất chính sách hợp tác và liên kết kinh tế khu vực.

PECC cũng là một trong ba quan sát viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục chuyển biến nhanh chóng, khó lường, nhất là sau những tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19, PECC có vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc xác định những định hướng hợp tác và liên kết kinh tế khu vực.

Tham dự buổi lễ có Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Chánh Văn phòng Bộ Đặng Hoàng Giang; Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Phạm Quang Hiệu; lãnh đạo Vụ Hợp tác kinh tế đa phương và các đơn vị liên quan.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại Giao Bùi Thanh Sơn đã trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại ông Võ Trí Thành, Chuyên gia cao cấp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tiếp tục giữ chức Chủ tịch VNCPEC. Bên cạnh đó, bổ nhiệm lại Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch VNCPEC. Và ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV), Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cũng được bổ nhiệm lại, tiếp tục giữ chức Ủy viên VNCPEC.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định việc Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cử các những chuyên gia hàng đầu về hội nhập quốc tế, đối ngoại đa phương, kinh tế, tài chính, tham gia một cơ chế hợp tác quan trọng của khu vực thể hiện sự tin tưởng, tín nhiệm của Thủ tướng Chính phủ đối với năng lực, uy tín và tâm huyết của các chuyên gia.

Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị các thành viên VNCPEC tiếp tục đóng góp thúc đẩy hoạt động của VNCPEC, đóng góp vào các hoạt động chung của PECC, APEC và các cơ chế liên kết khu vực, qua đó, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam, triển khai Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.

Ông Võ Trí Thành, Chủ tịch VNCPEC thay mặt các thành viên đã bày tỏ vinh dự khi được Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, tín nhiệm và khẳng định VNCPEC sẽ tiếp tục đóng góp thúc đẩy sự tham gia của Việt Nam tại PECC và các cơ chế hợp tác khu vực.

Ngay sau buổi lễ, VNCPEC và Bộ Ngoại giao đã tiến hành cuộc họp đầu tiên của Ủy ban trong nhiệm kỳ mới. Các thành viên VNCPEC nhất trí tiếp tục đẩy mạnh tham gia nghiên cứu, đóng góp duy trì đà hợp tác và liên kết kinh tế tại châu Á-Thái Bình Dương, nhất là trong bối cảnh thế giới và khu vực đang chịu tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19.

Ủy ban VNCPEC cần tiếp tục đóng góp tích cực trong quá trình nghiên cứu, xây dựng chính sách phục hồi kinh tế, hợp tác và liên kết kinh tế khu vực cả trước mắt và dài hạn, thúc đẩy hợp tác đa phương, liên kết, kết nối kinh tế, kinh tế số và chuyển đổi số, xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020 và kế hoạch triển khai Tầm nhìn…

Các thành viên cũng nhất trí VNCPEC cần tiếp tục phát huy thành công của Năm APEC 2017, đóng góp tích cực hơn nữa nâng tầm tham gia của Việt Nam tại PECC, APEC và các cơ chế liên kết kinh tế khu vực.

Trong thời gian qua, triển khai Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, VNCPEC đã tham gia tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng cho các hoạt động chung của PECC, APEC, ASEAN và các cơ chế khu vực.

VNCPEC đã tham gia nghiên cứu, đề xuất nhiều sáng kiến, ý tưởng trong quá trình trao đổi, xây dựng chính sách của PECC về liên kết kinh tế tại châu Á-Thái Bình Dương. VNCPEC cũng tích cực tham gia nghiên cứu, đóng góp xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020.

Tiến sĩ Võ Trí Thành đã có nhiều đóng góp trong Nhóm đặc trách của PECC về xây dựng Tầm nhìn APEC. Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga đã đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Nhóm Tầm nhìn APEC (AVG) giai đoạn 2018-2019, qua đó tiếp tục thúc đẩy triển khai sáng kiến của Việt Nam, phát huy vai trò và vị thế của nước ta sau thành công của Năm APEC 2017. Tiến sĩ Cấn Văn Lực là thành viên tích cực của Nhóm hợp tác của PECC về kết nối khu vực châu Á -Thái Bình Dương.

Các thành viên VNCPEC cũng tích cực tham gia công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các trường đại học… về những vấn đề mới trong liên kết kinh tế quốc tế và triển khai hội nhập quốc tế của Việt Nam, từ đó giúp nâng cao sự tham gia, đồng hành của doanh nghiệp, người dân trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện của đất nước.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang