Từ đầu năm 2020 đến nay, ngành hàng không trong nước và thế giới bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhờ nguồn tài chính tích lũy, Vietjet đã vào cuộc từ rất sớm để cùng Việt Nam và thế giới chống dịch. Trong thời gian từ 21/1 đến 31/3/2020, hãng đã thực hiện hàng nghìn chuyến bay, giải cứu hàng trăm nghìn hành khách khỏi những vùng bị ảnh hưởng của dịch; vận chuyển hàng nghìn tấn hàng hóa thiết yếu, trang thiết bị y tế phòng chống dịch. Tất cả hành khách, phi hành đoàn, phương tiện, tàu bay đều an toàn tuyệt đối.
Ngay trong tháng 4 này, khi cả nước dồn sức tổng lực để ngăn chặn đại dịch, lãnh đạo Vietjet Cargo cho biết Vietjet duy trì đều đặn 6-10 chuyến bay/ngày vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế phòng chống dịch… giữa TP HCM và Hà Nội với sản lượng hàng chục tấn mỗi chuyến. Hãng cũng mở đường bay vận chuyển hàng hóa giữa Cần Thơ và Cam Ranh, đồng thời vận hành những chuyến bay vận chuyển hàng hóa đi Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Đông Nam Á. Hãng sẽ đạt mức vận chuyển hàng hóa hàng trăm tấn mỗi ngày trong thời gian dịch diễn ra.
Vietjet cũng đã bắt đầu công tác tự phục vụ mặt đất tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Các hoạt động phục vụ mặt đất vốn lâu nay là độc quyền của các công ty dịch vụ tại các cảng hàng không, việc tự phục vụ sẽ giúp Vietjet chủ động trong các hoạt động khai thác, nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt góp phần giảm chi phí và tăng doanh thu phụ trợ tại sân bay (ancillary)...
Hoạt động tích cực trên bàn đàm phán
Song song với hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa, các chuyên gia đàm phán của Vietjet cũng đang làm việc tích cực để thỏa thuận cắt giảm 30-70% giá, phí dịch vụ, gia hạn thời hạn thanh toán với các nhà cung cấp trọng yếu, các định chế tài chính tàu bay quốc tế, các ngân hàng trong và ngoài nước.
Tính đến nay, Vietjet đã đạt được thỏa thuận giãn thời gian thanh toán 75%-80% số tàu bay với các Tổ chức tài chính tàu bay quốc tế, các khoản tín dụng từ Ngân hàng HSBC, Citi Bank, World Bank… và các ngân hàng lớn trong nước từ 3 tháng đến 12 tháng.
Việc hỗ trợ này đã giúp Vietjet tăng thêm nguồn lực tài chính để tập trung vào các giải pháp tăng cường chất lượng dịch vụ, hoàn thiện dịch vụ, mở rộng mảng kinh doanh vận chuyển hàng hoá, tăng cường và phát triển các giải pháp thương mại điện tử trên nền tảng công nghệ thông tin như Mobile app, ví điện tử và tiếp tục xây dựng hệ thống quản trị chi phí.
Đại diện Vietjet khẳng định hãng tin tưởng vào sự hợp tác và hỗ trợ của các ngân hàng trong việc triển khai Thông tư 01 của Ngân hàng nhà nước, sẽ hỗ trợ cho Vietjet tăng cường tiềm lực, sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và tăng trưởng trở lại của nền kinh tế.
Hỗ trợ của Chính phủ
Hàng không là lĩnh vực ưu tiên nhận hỗ trợ của các Chính phủ trong đại dịch. Chính phủ Mỹ đã tài trợ hàng chục tỷ USD không hoàn lại cho ngành hàng không. Chính phủ Thái Lan giảm 96% thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, giảm 50% phí cất hạ cánh, sân đỗ... Tại Việt Nam, Chính phủ đang khẩn trương thông qua các gói hỗ trợ hàng không, cụ thể là miễn giảm các loại thuế, phí, dịch vụ hàng không, miễn giảm thuế môi trường cho nhiên liệu bay.
Đây là chỉ đạo kịp thời của Chính phủ bởi không phải ngành hàng không đang ỷ lại, mà việc hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp cho ngành hàng không tích lũy nguồn lực, duy trì sức khỏe tài chính và khả năng "miễn dịch" để làm đầu tàu thúc đẩy và phục hồi tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách ngay sau giai đoạn kiểm soát được đại dịch.
Khả năng phục hồi nhanh
Để có cái nhìn về khả năng phục hồi của hàng không sau đại dịch Covid-19, có thể lấy kết quả nghiên cứu của các giáo sư của Đại học Belgrade (Serbia) và Bari (Italia) năm 2017 về hiệu quả kinh doanh của 17 hãng hàng không hoạt động ở châu u trong hai năm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 và 2012 để xem xét.
Theo nghiên cứu này, các hãng hàng không chi phí thấp có kết quả kinh doanh vượt trội hơn các hãng bay truyền thống lớn ở cả hai năm 2008 và 2012. Lí do để các hãng hàng không chi phí thấp trụ vững trong khủng hoảng là do họ đã tận dụng được tối đa các yếu tố đầu vào – chủ yếu từ việc sử dụng lao động - và giữ được chi phí thấp hơn so với các hãng khác. Các hãng hàng không chi phí thấp có mô hình kinh doanh hiệu quả hơn các hãng bay truyền thống nên trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư cũng có xu hướng đặt niềm tin vào các hãng chi phí thấp khi có biến cố xảy ra.
Trở lại với tình hình hiện tại, việc giá xăng dầu quốc tế đang xuống rất thấp, đặc biệt là giá xăng JetA1, đã có lúc xuống đến dưới 23 USD/1 thùng so với 80 USD/1 thùng trung bình năm trước, đang tạo cơ hội phục hồi nhanh cho các hãng hàng không. Để chuẩn bị trước cho chiến dịch phục hồi, Hãng Hàng không chi phí thấp Vietjet đã triển khai chương trình bảo hiểm rủi ro nhiên liệu (fuel hedging) nhằm ổn định chi phí xăng dầu, mảng chi phí trọng yếu chiếm trên 40% tổng chi phí vận hành khai thác.
Trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu, thông thường, ngành hàng không sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp đầu tiên. Nhưng ngành hàng không, nhất là những hãng hàng không có nội lực và quản trị tốt, cũng là ngành hồi phục đầu tiên sau khủng hoảng, đóng vai trò động lực cho thúc đẩy, phục hồi tăng trưởng kinh tế, đầu tư cho các quốc gia và thế giới.