Hai vị trí trạm 5G còn lại được đặt tại trụ sở Viettel Net (số 19 Duy Tân) và trụ sở Tập đoàn Viettel (số 1 Trần Hữu Dực). Dự kiến đầu tháng 5, những trạm này sẽ chính thức phát sóng, đem đến những trải nghiệm đầu tiên về dịch vụ 5G tại Việt Nam.
Theo kế hoạch trong tháng 6, 70 trạm 5G sẽ hoàn thành triển khai thử nghiệm trên 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM, nhằm đánh giá chi tiết về vùng phủ, dung lượng, tốc độ tối đa để chuẩn bị cho công tác quy hoạch, thiết kế mạng 5G diện rộng.
Ngày 4/4, mạng 5G đã chính thức được triển khai thương mại trên thế giới: tại Hàn Quốc với các nhà mạng như SK Telecom, KT, LG Uplus và tại Mỹ với nhà mạng Verizon.
Tại hội thảo “5G và sự phát triển ASEAN số” được tổ chức tại Việt Nam mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao việc Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các nước ASEAN và các tổ chức quốc tế tổ chức sự kiện này tại Hà Nội. Theo ông, hội thảo không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật và công nghệ, mà còn có ý nghĩa rất lớn với Việt Nam và các nước ASEAN trong việc hợp tác phát triển kinh tế số.
5G sẽ là bước đột phá về tốc độ, nhanh hơn và nhiều vấn đề được xử lý theo thời gian thực hơn 4G. 5G sẽ tạo ra một thế hệ Internet mới. Cùng với trí tuệ nhân tạo, blockchain, 5G sẽ làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất mới của thế giới.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định 5G là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng trên thế giới. Việt Nam sẽ cho thử nghiệm 5G năm 2019 và triển khai thương mại vào năm 2020.
Theo phân tích của Bộ trưởng Bộ TT&TT, 5G không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, cơ hội để thay đổi thứ hạng viễn thông Việt Nam, mà còn là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp ICT nước nhà. Nhu cầu lớn về thiết bị mạng lưới và thiết bị đầu cuối, nhu cầu an toàn, an ninh mạng, nhu cầu toàn dân về ứng dụng sẽ tạo ra thị trường không giới hạn cho các công ty công nghệ Việt Nam.