Năm 2009, kem Tràng Tiền đã có hệ thống phân phối tại TP HCM với hơn 10 đại lí, nhưng không thể phủ rộng khắp các tỉnh, thành phía Nam. Giờ đây, họ quyết tâm chinh phục thị trường miền Nam lần nữa.
Kem Tràng Tiền chuẩn bị tấn công các tỉnh phía Nam lần thứ hai
Gần đây, kem Tràng Tiền - thương hiệu kem lâu đời nhất Hà Nội, tiếp tục gây bất ngờ lần thứ hai khi thông báo tuyển nhà phân phối tại khu vực miền Nam.
Trong thông báo, kem Tràng Tiền tuyên bố đại lí phân phối chính thức sẽ hưởng những ưu đãi độc quyền để thu hút một lượng lớn đối tác.
Kem Tràng Tiền cam kết các nhà phân phối mới tại khu vực phía Nam không cần phải đặt cọc, có chính sách ưu đãi, chiết khấu lớn, lợi nhuận cao và được hỗ trợ hết mức từ công ty.
Việc tuyển thêm đại lí phía Nam của kem Tràng Tiền diễn ra đúng 1 tháng sau khi thương hiệu lâu đời quyết định "lột xác".
Cụ thể, tháng trước, cửa hiệu kem Tràng Tiền nằm trên khu "đất vàng" quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cách Bờ Hồ khoảng 100 mét, gây bất ngờ với một hình ảnh hoàn toàn mới lạ.
Sự "lột xác" của kem Tràng Tiền sau hơn 60 năm với một hình ảnh khác biệt, trẻ trung đã thu hút rất đông người dân thủ đô, đặc biệt là giới trẻ - nhóm khách hàng mà các thương hiệu trong ngành F&B đang nỗ lực chiều chuộng.
Với diện mạo mới, ban lãnh đạo Kem Tràng Tiền xác nhận họ muốn có thành công mới và sự bùng nổ sẽ đến trong tương lai. Các đại lí chính thức sẽ là cầu nối gần gũi, chính xác và đảm bảo để đưa đúng thương hiệu kem Tràng Tiền đến với người tiêu dùng.
"Kem Tràng Tiền mong muốn hệ thống chính thức sẽ phủ khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là khu vực TP HCM và các tỉnh miền Nam, để mỗi người dân Việt Nam cơ cơ hội thưởng thức hương vị tinh hoa của ẩm thực Hà Nội", thông báo nêu rõ.
OCH quyết tâm đưa kem Tràng Tiền "Nam tiến"
Kem Tràng Tiền - thương hiệu kem lâu đời tại Hà Nội là công ty con của Công ty Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (Mã: OCH).
Trụ sở công ty nằm tại số 35 phố Tràng Tiền, một trong những khu đất vàng của thủ đô với diện tích 1.500 m2. Nằm ở khu vực đắc địa, năm 2000 khi tiến hành cổ phần hóa, công ty được định giá 3,2 tỉ đồng. Nhưng 10 năm sau, OCH có ý định mua lại và định giá gấp hơn 150 lần, tức khoảng 500 tỉ đồng để nắm quyền kiểm soát.
Hiện nay kem Tràng Tiền đang có gần 100 cửa hàng và hệ thống phân phối chính thức tại các tỉnh miền Bắc. Hơn một nửa số cửa hàng nằm tại thủ đô Hà Nội.
Đây không phải là lần "Nam tiến" đầu tiên của kem Tràng Tiền. Chủ tịch HĐQT OCH, ông Nguyễn Thành Trung, đã khẳng định điều này tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa diễn ra.
"Chúng tôi từng thất bại khi đưa Kem Tràng Tiền vào Nam trong những năm trước nhưng lần này ban lãnh đạo công ty sẽ xây dựng kế hoạch cẩn thận và chi tiết hơn", ông Nguyễn Thành Trung nói.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng hiện tập đoàn đang sở hữu hai thương hiệu lớn, có tiếng là bánh Givral và kem Tràng Tiền. Hai thương hiệu ấy hoàn toàn có thể cạnh tranh với thương hiệu nước ngoài nhưng chưa phát huy hết tiềm năng. Hiện nay kem Tràng Tiền phổ biến ở phía Bắc, bánh Givral nổi tiếng ở miền Nam.
Do đó, ngoài đưa kem Tràng Tiền "Nam tiến" thì Công ty CP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương cũng tính đến việc đưa thương bánh Givral đến với người tiêu dùng phía Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng.
OCH thể hiện rõ quyết tâm đưa kem Tràng Tiền vào TP HCM, với chủ trương tăng cường nguồn vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất và đặc biệt là quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường tiêu thụ.
Bán kem còn dễ dàng?
Năm 2009, kem Tràng Tiền đã có hệ thống phân phối tại TP HCM. Bắt đầu với hơn 10 đại lí, tham vọng của thương hiệu là sau thời gian đầu thử nghiệm sẽ tiếp tục mở rộng, phủ các tỉnh thành phía Nam.
Hồi đó, ban lãnh đạo nhận định thị trường phía Nam có rất nhiều điểm thuận lợi để kem Tràng Tiến tấn công, như khách hàng sẵn sàng tiếp cận cái mới và đặc biệt là khí hậu nắng nóng nên người dân có nhu cầu ăn kem quanh năm.
Kì vọng đã không thành, và hệ thống đại lí phân phối chính thức của kem Tràng Tiền tại TP HCM dần teo tóp, với số lượng điểm bán hiện tại chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Năm 2019, thương hiệu kem Tràng Tiền mang về cho OCH 118 tỉ đồng doanh thu và hơn 24 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế.
Công ty mẹ sở hữu kem Tràng Tiền cũng nhiều lần khẳng định các mô hình kinh doanh theo chuỗi trong ngành F&B mới ra gần đây, đặc biệt là trà sữa, cũng khiến thị phần của kem Tràng Tiền giảm dần.
"Đặc biệt, trà sữa đang thu hút giới trẻ tại các thành phố lớn trên toàn quốc và làm ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của các sản phẩm tiêu dùng khác, bao gồm bánh", ban lãnh đạo OCH từng nhận định.
Báo cáo nghiên cứu thị trường của Euromonitor năm 2019 dự báo sản lượng tiêu thụ các loại kem và sản phẩm tráng miệng đông lạnh tại Việt Nam có thể đạt doanh số toàn thị trường hơn 3.720 tỉ đồng.
Mặc dù vậy, "chiếc bánh" trong ngành kem đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt bởi những thương hiệu trong và ngoài nước như Kido, Vinamilk, TH Truemilk hay Unilever, Nestlé... Các "ông lớn" ấy là đối thủ nặng kí của các thương hiệu kem truyền thống lâu đời trong nước như kem Tràng Tiền hay Thủy Tạ.