Theo đánh giá của Tổ chức Tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2023 của Việt Nam đạt 498,13 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022, xếp thứ 33/121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới được xếp hạng.
Năm 2023, cạnh tranh địa chiến lược và cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; bất ổn địa chính trị, xung đột cục bộ vẫn hiện hữu ở nhiều nơi trên thế giới… khiến kinh tế toàn cầu đối mặt với những khó khăn, thách thức. Những yếu tố này tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và xuất, nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự quyết tâm và tinh thần đoàn kết cao, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực hành động, vượt qua khó khăn, thách thức để phục hồi và phát triển, góp phần đưa Việt Nam vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 của ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong tốp 20 trên toàn cầu.
Điển hình có thể kể đến Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Là doanh nghiệp sữa hàng đầu tại Việt Nam, Vinamilk không chỉ giữ vững thương hiệu quốc gia nhiều năm liền, mà còn thiết lập được vị thế đáng tự hào trên bản đồ ngành sữa thế giới. Vinamilk hiện đứng trong tốp 40 nhà sản xuất sữa lớn nhất thế giới về doanh thu (theo Plimsoll, Anh quốc), được tổ chức Brand Finance đánh giá là thương hiệu sữa có giá trị thứ 6 toàn cầu và tiềm năng nhất thế giới, với giá trị thương hiệu đạt 2,8 tỷ USD.
Tương tự, là một trong những tập đoàn kinh tế, dịch vụ tư nhân đa ngành hàng đầu Việt Nam, sau gần 3 thập kỷ, Tập đoàn BRG đang đem đến cộng đồng những sản phẩm và dịch vụ tiêu chuẩn cao của thế giới, tạo ra một hệ sinh thái các ngành nghề có mối liên kết chặt chẽ và tương hỗ, luôn đi tiên phong trong việc hội nhập quốc tế. Hiện tại, tập đoàn có 4 thương hiệu gồm: Đầu tư và quản lý sân golf; Đầu tư và quản lý khách sạn; Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro); Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu, đạt giải thưởng Thương hiệu quốc gia. Riêng thương hiệu Hapro của Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP đã 7 lần liên tiếp được vinh danh tại chương trình “Thương hiệu quốc gia”.
Theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến, thương hiệu quốc gia Việt Nam được các tổ chức quốc tế, trong đó có Brand Finance đánh giá là một trong những thương hiệu có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong vòng 5 năm gần đây (từ năm 2019 đến 2023).
Cụ thể, năm 2019, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mới được định giá ở mức 247 tỷ USD thì đến năm 2023, con số này đã tăng gần gấp đôi, với mức hơn 498 tỷ USD và đây là thành quả ghi nhận đóng góp của rất nhiều yếu tố. Trước hết là sự chỉ đạo, vào cuộc hết sức quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và từ chính các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam. Với trị giá trên 498 tỷ USD trong năm 2023, thương hiệu quốc gia Việt Nam được Brand Finance xếp hạng 33/121 tổng số các quốc gia, lãnh thổ được xếp hạng, qua đó thể hiện thương hiệu quốc gia Việt Nam là một trong những thương hiệu mạnh trên trường quốc tế.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp
Bộ Công Thương được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để triển khai chương trình thương hiệu quốc gia. Mục tiêu hướng tới là xây dựng các thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp mạnh của quốc gia, từ đó nâng tầm giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Hoàng Minh Chiến, các giải pháp chính được tập trung vào việc nâng cao nhận thức trước hết là của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp đối với ý nghĩa và vai trò của việc xây dựng, phát triển và bảo hộ thương hiệu.
Thời gian qua, Việt Nam xuất khẩu nhiều sản phẩm với số lượng, trị giá đứng tốp đầu thế giới, nhưng phần nhiều chưa được gắn với câu chuyện thương hiệu mà còn dưới hình thức sản phẩm thô, sản phẩm mới qua sơ chế và khi bán ở thị trường quốc tế có thể phải đứng ở một thương hiệu hay nhãn hàng khác. Đó cũng là câu chuyện và nội dung chính mà Bộ Công Thương và chương trình thương hiệu quốc gia sẽ hướng tới thông qua việc nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội về vai trò của thương hiệu.
Giải pháp tiếp theo là hỗ trợ các doanh nghiệp Việt có năng lực để xây dựng, quản trị và phát triển các thương hiệu sản phẩm nhằm tiệm cận, đáp ứng được các tiêu chí của chương trình thương hiệu quốc gia, từ đó hình thành các thương hiệu mạnh mang lại giá trị gia tăng lớn hơn.
Việc phát triển và xây dựng các thương hiệu mạnh và với giá trị của các sản phẩm được nâng cao, Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ đóng góp một phần vào việc tăng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Cuối cùng là nhóm giải pháp đẩy mạnh, tuyên truyền quảng bá cho chương trình thương hiệu quốc gia để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến các sản phẩm và doanh nghiệp uy tín. Điều đó không chỉ mang lại hiệu quả lớn hơn cho công tác phát triển ngoại thương mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.