Xây dựng và nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP

Xây dựng và nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP

Việc đưa sản phẩm OCOP vào giỏ quà Tết không chỉ giúp tăng tính cạnh tranh, mở rộng thị trường mà còn góp phần xây dựng và nâng tầm thương hiệu sản phẩm.

Nguồn:Bộ Công Thương

Sản phẩm OCOP hút khách dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Thay bằng các sản phẩm nhập ngoại, giỏ quà Tết năm nay gửi đến người thân, gia đình, bạn bè, đối tác của chị Bùi Thị Phúc Thảo (Cầu Giấy, Hà Nội) là các sản phẩm OCOP. Được thưởng thức sản phẩm trong lần đi công tác tại Long An, chị Thảo thấy sản phẩm không chỉ thơm ngon, bổ dưỡng mà mẫu mã khá nhã nhặn, chị đã đặt hàng mua bột sen và trà tim sen từ Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Sen Hải Nhơn (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An), đây đều là những sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Những sản phẩm OCOP chế biến từ sen được đưa vào giỏ quà tết. Ảnh: KS.

Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Sen Hải Nhơn (huyện Tân Thạnh) với các sản phẩm OCOP như bột sen và trà tim sen cũng đang vào mùa để phục vụ nhu cầu tăng cao của thị trường ngày Tết. Bà Ngô Thị Mỹ Dung - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Sen Hải Nhơn - chia sẻ, không dừng lại ở 2 sản phẩm OCOP, HTX còn cung cấp các mặt hàng đa dạng như mứt hạt sen, hạt sen khô, trà hạt sen và ngó sen tươi. Đây không chỉ là những món ăn dinh dưỡng mà còn là những món quà Tết ý nghĩa, mang đậm phong vị Tết Cổ truyền.

Nắm bắt nhu cầu thị trường từ sớm, HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ tổng hợp sen Đông Hòa (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) đã tăng 40% sản lượng. Bà Phạm Thị Bích Thủy - Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ tổng hợp sen Đông Hòa - chia sẻ, HTX có 6 sản phẩm chế biến từ sen đạt OCOP 3 sao. Ngoài các sản phẩm làm từ hạt sen, tim sen, HTX đã nghiên cứu thêm các sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng như: Trà lá sen, trà sen đá, trà củ sen… Hiện nay, HTX tập trung nhân lực, nguồn hàng đảm bảo an toàn, sản xuất theo đúng kỹ thuật và phương pháp truyền thống, đóng gói sản phẩm bắt mắt, phù hợp với nhu cầu sử dụng làm quà tặng.

Để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, nhiều chủ thể OCOP đã đầu tư, lên ý tưởng về mẫu giỏ quà từ tre, hộp giấy và các phụ kiện phù hợp với tính bản địa của sản phẩm. Đáng chú ý, năm nay, thay vì bán hàng riêng lẻ, liên kết là cách mà nhiều chủ thể OCOP lựa chọn nhằm tạo nên bộ sản phẩm vừa đa dạng vừa tiện dụng, tăng tính cạnh tranh cho giỏ hàng OCOP dịp Tết này.

Chị Nguyễn Thị Bình - nhóm Đặc sản nông sản Thái Nguyên - cho biết, nếu các sản phẩm OCOP quảng bá đơn lẻ thì khó bán hàng hơn, sức cạnh tranh cũng yếu hơn. Việc liên kết giữa các chủ thể, đơn vị sản xuất tạo nên bộ sản phẩm vừa đa dạng, dễ tiếp cận khách hàng hơn, vừa tiêu thụ được nhiều sản phẩm cho địa phương, đặc biệt là nông sản của vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Đồng quan điểm, ông Anh Đào Quang Vũ - người sáng lập và vận hành gian hàng "Đặc sản xứ Nghệ" - chia sẻ thêm, với vai trò là nơi trưng bày, kinh doanh sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Nghệ An, hiện gian hàng có 300 mã sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên.

Đối tượng khách hàng mà gian hàng hướng đến là các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đặt hàng làm quà biếu, là những người xứ Nghệ xa quê muốn thưởng thức hương vị đặc sản quê hương. Từ sự liên kết này, chúng tôi hy vọng không chỉ là thị trường Tết mà còn là những thị trường tiềm năng khác.

Sự đồng hành của chính quyền địa phương

Đáng chú ý, trên quầy kệ tại các siêu thị ghi nhận sự phong phú, đa dạng của các sản phẩm Tết với các giỏ quà truyền thống và giỏ quà OCOP. Các các sản phẩm được niêm yết giá công khai, bán trực tiếp và trực tuyến trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, giao hàng tận nơi nhanh chóng và tiện lợi.

Về phía các địa phương, cũng đã chủ động kết nối, hỗ trợ các chủ thể OCOP. Như tại Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – cho biết, để chủ động nguồn hàng phục vụ nhân dân trong dịp Tết, trong năm 2024, Sở Công Thương duy trì tổ chức khoảng 70 sự kiện; tạo điều kiện trên 600 lượt doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh tham gia giao thương, hội chợ, Tuần hàng tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Qua đó đã hỗ trợ kết nối, tiêu thụ trên 3.000 sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh vào hệ thống phân phối, hỗ trợ kết nối tiêu thụ khoảng 500.000 tấn hàng hóa từ các tỉnh, thành phố. Thông qua các hoạt động này, các doanh nghiệp đã khai thác đa dạng nguồn cung, đảm bảo công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Còn tại tỉnh Ninh Thuận, để thúc đẩy tiêu thụ và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành liên quan như Công Thương, Nông nghiệp, Du lịch và các địa phương tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại. Đồng thời xây dựng và phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử. Đến nay đã có gần 100 đơn vị tham gia, giới thiệu và giao dịch với khoảng 370 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của địa phương trên nền tảng này.

Ông Trần Quốc Sanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận - cho biết, thời gian qua Sở tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai nhiều chương trình kết nối, quảng bá và tiêu thụ nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù tạo được sức hút với người tiêu dùng và có sức mua lớn trên thị trường.

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, giỏ quà Tết là món quà không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt Nam. Bên cạnh sự chủ động của các chủ thể thì chính chất lượng, mẫu mã sản phẩm OCOP của các địa phương là yếu tố quan trọng để chinh phục người tiêu dùng trong nước.

Việc đưa các sản phẩm OCOP đặc trưng vào giỏ quà Tết không chỉ giúp sản phẩm tăng tính cạnh tranh, mở rộng thị trường mà còn góp phần xây dựng và nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP của các địa phương. Đây chính là một hướng đi hiệu quả để thương mại hóa sản phẩm, gia tăng giá trị kinh tế và khẳng định vị thế của các sản phẩm của các địa phương trên thị trường.

Bộ Công Thương
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang