Việc thiếu thông tin và chưa hiểu đúng về các quy định mới đã khiến kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam vào Hoa Kỳ giảm sút đáng kể.
Đạo luật FSMA gia tăng kiểm soát phòng ngừa thực phẩm gây nguy hiểm cho con người. Ảnh: Tuyết Ân
Thay đổi cách tiếp cận
FSMA là đạo luật được cải cách sâu rộng nhất trong các luật về an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ trong hơn 70 năm qua. Với đạo luật này, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) nâng cao các biện pháp kiểm soát toàn diện nhằm đảm bảo tuân thủ, giải quyết tốt hơn cơ chế bảo vệ an toàn thực phẩm trên cơ sở ngăn ngừa các mối nguy.
Những điều khoản trong FSMA khiến các doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm xuất khẩu vào Hoa Kỳ lúng túng, kể cả các doanh nghiệp đã được chứng nhận HACCP - hệ thống quản lý chất lượng dựa trên cơ sở phân tích các mối nguy và các điểm kiểm soát trọng yếu - cho quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm vốn đã phổ biến lâu nay.
Theo ông Hank Karayan - Giám đốc chương trình FSMA toàn cầu thuộc Tổ chức Chứng nhận SGS, về cơ bản, FSMA xác định lại yêu cầu của chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn của Hoa Kỳ bằng cách chuyển trọng tâm từ cách tiếp cận phản ứng sang cách tiếp cận dự phòng, ngăn ngừa. FSMA dựa trên 7 nguyên tắc cơ bản để tuân thủ, áp dụng cho các cơ sở thực phẩm cả bên trong và bên ngoài Hoa Kỳ.
Một trong những quy tắc chính của FSMA là kiểm soát ngăn ngừa thực phẩm gây nguy hiểm cho con người, đã tạo ra các yêu cầu mới đối với các cơ sở thực phẩm không phải của Hoa Kỳ. 2 quy tắc bổ sung cơ bản cũng ảnh hưởng đến các cơ sở bên ngoài Hoa Kỳ là quy tắc cố ý giả mạo và chương trình thẩm tra nhà cung cấp nước ngoài (FSVP). Có thể nói việc hiểu rõ các yêu cầu trong luật mới này là cấp thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi cung cấp nông sản và thực phẩm vào thị trường Hoa Kỳ.
Mô hình quản lý theo FSMA cũng thay đổi từ giám sát tại biên giới Hoa Kỳ trước đây chuyển sang kiểm soát ngay tại các nước sản xuất. Chính vì vậy FSMA tạo ra hệ thống quy định nhiều lớp, từ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu đến các tổ chức trung gian chứng nhận độc lập, các cơ quan quản lý nước ngoài và FDA.
Các quy tắc FSMA vì thế tạo áp lực cho các nhà xuất khẩu vào Hoa Kỳ phải chú trọng trên toàn chuỗi cung ứng, từ nhà cung cấp, nguồn nguyên liệu thô, thành phẩm, sản phẩm chế biến sẵn... cho đến cơ sở trang trại, môi trường (không khí, đất, nước...)... đặt trên quy tắc phòng vệ an toàn.
Theo ông Hank Karayan, FSMA ra đời nhằm quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm theo phương thức phòng ngừa mọi rủi ro, vì vậy doanh nghiệp phải tự nhận diện những mối nguy trong toàn bộ quy trình sản xuất của mình từ cơ sở nhà xưởng, nguồn cấp nguyên liệu, chế biến, dán nhãn, đóng gói, vận chuyển cho đến khi đưa sản phẩm ra thị trường, chứ không đơn thuần chỉ ở sản phẩm đầu cuối khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Chú ý đến 90% thực phẩm dễ gây dị ứng
Tại hội thảo kỹ thuật về FSMA tại TP.HCM, dành cho các công ty thực phẩm Việt Nam xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ, các doanh nghiệp cho biết họ lúng túng trong việc đánh giá và xác định nguồn về mối nguy phóng xạ, cách thức công bố các thành phần và cả thông tin dinh dưỡng trên bao bì.
Thậm chí có doanh nghiệp bị nhầm lẫn cách thức ghi thành phần, hợp chất và thông tin dinh dưỡng như từ trước tới nay đã khiến sản phẩm bị từ chối nhập khẩu do các quy tắc mới áp dụng đã loại bỏ vì nghi ngờ không đảm bảo an toàn.
Ông Hank Karayan khuyến cáo các doanh nghiệp cần hiểu định nghĩa về "mối nguy" trong FSMA là bất kỳ các tác nhân sinh học, hóa học (bao gồm cả chất phóng xạ) hoặc vật lý có khả năng gây ra bệnh tật hoặc thương tật. Có những nguyên tắc cơ bản để nhận diện mà doanh nghiệp cần chú trọng:
- Về mối nguy dị ứng, nên đặc biệt chú ý đến 90% phản ứng dị ứng thực phẩm được xác định do 8 nhóm thực phẩm chính gây ra, gồm: sữa, cá, trứng, động vật giáp xác, đậu phộng, đậu nành, lúa mì và các loại hạt. Chúng bao gồm một phần trong việc phân tích các mối nguy hóa học mà doanh nghiệp phải tuân thủ, đảm bảo tất cả các chất gây dị ứng được xác định với luật pháp tương ứng, như đạo luật Ghi nhãn thực phẩm và Bảo vệ người tiêu dùng của Hoa Kỳ.
- Về mối nguy phóng xạ, được xem là một loại mối nguy hóa học, doanh nghiệp cần xem xét các nguồn gây nhiễm tiềm ẩn như đất, nước hoặc không khí nhiễm bẩn, nguyên liệu có hạt nhân phóng xạ, vật liệu đóng gói... Điều này phải hết sức cẩn trọng để cân nhắc vì các vùng nguyên liệu, vùng nuôi trồng đều có thể là đối tượng mang lại mối nguy.
- Về mối nguy có động cơ kinh tế: FSMA xem xét giới hạn đối với các mối nguy giả mạo có động cơ kinh tế, chẳng hạn thay thế thành phần này bằng một thành phần khác rẻ tiền hơn nhưng không công bố và không có biện pháp kiểm soát mối nguy. Chú trọng đến các tác nhân có thể gây bệnh tật hoặc thương tật. Hoặc khi một chương trình kiểm soát phòng ngừa là cần thiết trong chương trình chuỗi cung ứng sản phẩm.
Theo ông Hank Karayan, doanh nghiệp cần chú ý đến các yêu cầu kiểm nghiệm đối với các mối nguy chính để phòng vệ như: kiểm tra vi sinh vật gây bệnh trong thành phần, dư lượng thuốc trừ sâu, giám sát môi trường, kiểm nghiệm độc tố tự nhiên, kiểm nghiệm kim loại nặng và phẩm màu cũng sẵn sàng áp dụng khi cần thiết.
Cũng cần lưu ý các quy định khác như các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói hoặc lưu trữ thực phẩm (bao gồm cả thức uống và thực phẩm chức năng) đều phải đăng ký với FDA để được cấp mã số, có thể làm trực tuyến và không tốn chi phí.
Nếu doanh nghiệp không gia hạn mã số đã hết hạn theo quy định, mã số đã được cấp sẽ mất hiệu lực và không thể xuất hàng vào Hoa Kỳ. Các cơ sở sản xuất nước ngoài cũng phải có đại diện tại Hoa Kỳ làm việc với FDA, duy trì liên lạc thông suốt với FDA 24/24 và trả lời các thắc mắc của FDA trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu.
Theo DNSG
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI