Hội thảo Xuất nhập khẩu trực tuyến 2017. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Nhằm giúp các doanh nghiệp và các tổ chức liên quan triển khai tốt hơn thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, ngày 16/5 tại Hà Nội, Hiệp hội Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin Việt Nam phối hợp cùng Liên minh Hỗ trợ Xuất khẩu Việt Nam (Vietnam Export Support Alliance – VESA), tổ chức “Hội thảo Xuất nhập khẩu trực tuyến 2017 (Vietnam eTrade Conference – VETC)”.
Đại diện cho Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, ông Nguyễn Kỳ Minh cho biết, đây là hội thảo đầu tiên về chủ đề này được tổ chức tại Việt Nam.
Hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp trao đổi về xu hướng xuất nhập khẩu hàng hóa trực tuyến, lợi ích của các sàn giao dịch thương mại điện tử, xu hướng bán lẻ trực tuyến tới khách hàng nước ngoài.
Ngoài ra, đây cũng là dịp để doanh nghiệp đưa ra những đề xuất với các cơ quan nhà nước cung cấp các dịch vụ công trực tuyến gắn với xuất nhập khẩu.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu.
Song song với việc tiếp cận ngày càng tăng các dịch vụ công trực tuyến như hải quan điện tử, chứng nhận xuất xứ điện tử và nhiều dịch vụ công liên quan tới xuất nhập khẩu khác, các doanh nghiệp đã tích cực sử dụng mạng internet để trao đổi thông tin kinh doanh với các đối tác nước ngoài, tìm kiếm bạn hàng, giao kết và triển khai hợp đồng.
Cùng với đó, số lượng người tiêu dùng trong nước trực tiếp mua sản phẩm từ các nhà bán lẻ nước ngoài cũng tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, kinh doanh xuất nhập khẩu là hoạt động thương mại phức tạp, có liên quan tới nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.
Tiềm năng ứng dụng thương mại điện tử để thúc đẩy lĩnh vực này là rất lớn.
Do đó, thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả ở các giai đoạn, từ tiếp thị, xúc tiến thương mại tới giao kết và thực hiện hợp đồng, thanh toán, thủ tục hải quan và các thủ tục với các cơ quan quản lý nhà nước khác.
Ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin Việt Nam cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn phải chịu những khoản chi phí không chính thức.
Vì vậy, việc triển khai phương thức xuất nhập khẩu trực tuyến là cơ hội lớn để các đơn vị giảm chi phí, thời gian cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này.
Hội thảo Xuất nhập khẩu trực tuyến 2017 chia ra ba phiên, trao đổi về ba trụ cột của xuất nhập khẩu trực tuyến.
Phiên thứ nhất về dịch vụ công trực tuyến hay giao dịch trực tuyến giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp xuất nhập khẩu (G2B).
Phiên thứ hai thảo luận những cơ hội mở rộng xuất khẩu nhờ tham gia các sàn thương mại điện tử theo mô hình doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).
Phiên thứ ba trao đổi về xu hướng và giải pháp phát triển xuất nhập khẩu trực tiếp tới người tiêu dùng (B2B2C).
Ngoài ra, Lễ ra mắt của Liên minh Hỗ trợ Xuất khẩu Việt Nam (VESA) cũng được tổ chức ngay cuối buổi hội thảo.
Đây là tổ chức do OSB – đại lý chính thức của Alibaba tại Việt Nam, Ngân hàng VPBank, Công ty bảo hiểm PTI và Công ty logistics T&M sáng lập.
Khi trở thành thành viên của liên minh này, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu sẽ được hỗ trợ tốt hơn từ tổ hợp thương mại điện tử – logistic – ngân hàng – bảo hiểm, tạo thành một chuỗi hỗ trợ trực tiếp và toàn diện và hiệu quả./.
Theo Bnews/TTXVN