Chưa phát huy được giá trị chỉ dẫn địa lý
Theo nhận định của ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, việc sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn địa lý của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hiện còn nhiều hạn chế. Việc khai thác thị trường thông qua chỉ dẫn địa lý của nhiều địa phương gần như mới chỉ dừng lại ở việc công nhận một tên gọi được định danh chứ chưa xây dựng được quy chế bảo hộ địa lý và truy xuất nguồn gốc sản xuất.
|
Là một sản phẩm nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình nhưng cam Cao Phong vẫn gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Ảnh: Anh Tuấn |
Quýt Bắc Kạn là một trong những sản phẩm nông sản có chỉ dẫn địa lý từ nhiều năm nay. Tỉnh luôn xác định đây là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế, xã hội. Trung bình với 1ha trồng quýt, sản lượng thu hoạch ước đạt 20 tấn, cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng. Đây là mức thu nhập không nhỏ với người trồng quýt, song vẫn chưa phản ánh đúng giá trị thực trên thị trường. Theo phản ánh của những người nông dân, giá quýt hiện không cao so với trước đây. Việc thu hoạch chủ yếu giao cho tư thương nên nhiều khi bị ép giá.
Theo ông Lê Văn Thế, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Bắc Kạn: Do chưa có những doanh nghiệp lớn để thu gom các sản phẩm đi tiêu thụ tập trung, nên việc tiêu thụ còn manh mún, nhỏ lẻ theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Hiện nay trên địa bàn tỉnh cũng chưa có những doanh nghiệp mạnh để tránh được tình trạng bị tư thương ép giá. Thêm vào đó, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây quýt còn hạn chế do thói quen canh tác của người dân vẫn theo kiểu truyền thống. Nhận thức của bà con nông dân về giá trị của thương hiệu chưa cao, dẫn đến ngay từ khâu sản xuất chưa áp dụng đúng các quy trình đã được đưa ra... Vì vậy, dù có thương hiệu, có chỉ dẫn địa lý, nhưng "đầu ra" cho sản phẩm vẫn luôn là bài toán khó.
Câu chuyện tương tự xảy ra với sản phẩm cá bống bớp tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Cá bống bớp đã gắn bó với ao nhà người nông dân từ hơn 20 năm qua (đây vốn là một loại cá nước mặn, được đánh bắt tự nhiên ngoài biển). Mặc dù có sản lượng lớn, giá trị kinh tế cao và người nông dân chủ động được các điều kiện sản xuất nhưng việc tiêu thụ cá bống bớp vẫn gặp khó khăn vì không có thương hiệu. Ông Lê Đức Ngân, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Nam Định cho biết, nhằm đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm này trong tương lai, Sở KH-CN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh đã tiến hành nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc liên kết người dân, doanh nghiệp, tạo chuỗi cung ứng sản phẩm, tăng cường các yếu tố liên quan đến an toàn thực phẩm… để bảo đảm cung cấp ra thị trường sản phẩm cá bống bớp chất lượng cao.
Tạo dựng lòng tin với người tiêu dùng
Hiện nay tỷ lệ các cơ sở sản xuất tham gia vào các tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý còn khá thấp, dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát quá trình sản xuất và tạo dựng uy tín thương hiệu, đặc biệt là những khu vực tiêu dùng xa so với những chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh đó, việc phát triển hệ thống phân phối đối với các đặc sản mang chỉ dẫn địa lý còn thiếu sự kết nối với các doanh nghiệp thương mại và các đầu mối phân phối, chủ yếu vẫn phụ thuộc thương lái hoặc các cơ sở tự phân phối sản phẩm. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến lòng tin của người tiêu dùng đối với thương hiệu mang chỉ dẫn địa lý.
Tâm lý không chú trọng xây dựng thương hiệu thể hiện qua một khảo sát các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Trường Đại học Thương mại mới được công bố cho thấy, trong tổng số 165 doanh nghiệp được khảo sát, chỉ có 81 doanh nghiệp đã tiến hành đăng ký bảo hộ cho các yếu tố thương hiệu, trong đó có 35 doanh nghiệp đã nhận được văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu. Có một tỷ lệ không nhỏ các doanh nghiệp sau khi bị từ chối hồ sơ đăng ký bảo hộ (hoàn toàn có thể chỉnh sửa để nộp lại theo yêu cầu) đã từ bỏ luôn việc đăng ký.
Để khắc phục tình trạng trên, theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu, Trường Đại học Thương mại, các địa phương và doanh nghiệp cần xác lập được chuỗi cung ứng đối với các đặc sản địa phương mang chỉ dẫn địa lý; tăng cường công tác truyền thông thương hiệu, đặc biệt là truyền thông qua internet để gia tăng nhanh chóng nhận thức về thương hiệu đối với người tiêu dùng, và tạo cơ hội để phát triển tiếp xúc thương hiệu. Từ đó, dần tạo dựng lòng tin của người tiêu dùng đối với thương hiệu tập thể mang chỉ dẫn địa lý.
Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc đã được ghi nhận trong thời gian qua, Cục trưởng Đinh Hữu Phí cho biết, về phương diện hoàn thiện cơ chế, chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến chỉ dẫn địa lý, nhất là hoạt động quản lý. Mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các địa phương trong hoạt động này. Cục cũng đang hoàn thiện và đưa vào những cách tiếp cận mới, phù hợp hơn trong hoạt động xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý. Trong đó, chú trọng hoạt động tổ chức liên kết chuỗi giá trị, thúc đẩy vai trò và sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức, tập thể trong thương mại sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Đặc biệt, trong năm 2018, Cục tiến hành xây dựng kế hoạch để xây dựng biểu tượng (logo) quốc gia về chỉ dẫn địa lý như là một dấu hiệu nhận diện chung, làm cơ sở để người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết các sản phẩm đã được Nhà nước bảo hộ. Đây là hoạt động rất quan trọng nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.
Theo HNO