Con số kim ngạch xuất khẩu rau quả ấn tượng nhưng chiếm phần lớn trong đó lại là trái cây nhập khẩu rồi mượn đường Việt Nam để xuất khẩu. Tiêu biểu như nhiều loại trái cây Thái Lan được nhập khẩu vào Việt Nam rồi xuất 100% sang Trung Quốc.

PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) tỏ ra bất ngờ trước thông tin này và cho rằng, việc nhập trái cây Thái Lan để xuất sang Trung Quốc vẫn được tính cả vào số liệu xuất khẩu của Việt Nam là không hợp lý.

"Nếu thông tin không dựa trên cơ sở khoa học thì phấn khởi ấy để làm gì? Phải minh bạch thông tin và tách bạch ra. Không thể cứ nói Việt Nam xuất khẩu trái cây được hàng tỷ USD mà không nói rõ phần tạm nhập, tái xuất là bao nhiêu. Điều đó có thể gây hiểu lầm.

Pháp luật không cấm doanh nghiệp tạm nhập, tái xuất nhưng đó là dịch vụ của doanh nghiệp bán giùm cho Thái Lan sang Trung Quốc. Doanh nghiệp đóng thuế cho Nhà nước được bao nhiêu trong phần đó là việc riêng, còn Việt Nam xuất khẩu trái cây được mấy tỷ USD thì phải nói rõ bao nhiêu là từ trái cây trồng trên đất nước Việt Nam, bao nhiêu là hàng tạm nhập tái xuất.

Phải rõ ràng thông tin ở chỗ này bởi trái cây trồng trên đất nước Việt Nam được xuất khẩu có nghĩa là tạo được công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân, cải thiện sinh kế của họ. Như vậy mới có ý nghĩa. Còn tạm nhập, tái xuất chỉ có doanh nghiệp lời được chút tiền mà không giúp ích gì nhiều cho xã hội.

Khi số liệu mập mờ nghĩa là nền tảng để xử lý vấn đề sai và chúng ta cứ bay ở trên mây, nghĩ rằng mình bán trái cây được nhiều USD nhưng thực chất là bán giùm người ta. Trong khi đó, nông dân Việt Nam không được hưởng gì, nông sản Việt còn đang phải bán đổ bán tháo với giá rẻ cho Trung Quốc", PGS.TS Dương Văn Chín chỉ rõ.

Viet Nam xuat ho trai cay Thai Lan: Dung bay tren may

Hình thức tạm nhập, tái xuất có lợi cho doanh nghiệp nhưng lại gây ra nhiều hệ lụy đối với trái cây Việt Nam. Ảnh minh họa

Từ những phân tích ở trên, vị chuyên gia cho rằng, nếu người Trung Quốc muốn nhập khẩu một loại nông sản nào đó, vậy thì thay vì nhập từ Thái Lan rồi bán lại cho Trung Quốc, doanh nghiệp Việt hãy cố gắng cải thiện chất lượng nông sản Việt, bán cho Trung Quốc. Lợi thế của Việt Nam là giáp biên giới với Trung Quốc, đường đi rất gần, chính vì thế một khi cải thiện chất lượng trái cây ngang ngửa với Thái Lan, chắc chắn sẽ bán được nhiều sang Trung Quốc và bán được với giá cao.

Theo PGS.TS Dương Văn Chín, hiện doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn còn rất hạn chế. Đối với doanh nghiệp, mục tiêu lợi nhuận vẫn là trên hết và họ chỉ làm những công việc họ thấy có lợi như tạm nhập, tái xuất. Trong khi đó, bỏ vốn ra hợp tác với nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến để có khối lượng nông sản lớn, chất lượng cao để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu lại khiến doanh nghiệp cảm thấy nguy cơ rủi ro cao, lợi nhuận thấp hơn.

"Chính vì thế, doanh nghiệp phải có tâm, nghĩ về nông nghiệp Việt Nam. Họ phải xác định rằng đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam là giúp cho người nông dân cải thiện sinh kế, phát triển ngành nông nghiệp nước nhà.

Doanh nghiệp không thể chỉ đơn thuần vì lợi nhuận mà còn phải nghĩ tới điều cao xa hơn, đó là nước Việt Nam sẽ là nước nông nghiệp hiện đại trong tương lai, sẽ không thua Hàn Quốc, Nhật Bản trong mấy chục năm sắp tới.

Phải có tầm nhìn như thế, còn nếu cứ tập trung tạm nhập, tái xuất thì doanh nghiệp chỉ làm giàu được cho mình, còn giúp chuyển biến cho xã hội không được bao nhiêu", ông Chín trăn trở.

Bên cạnh doanh nghiệp làm động lực chính còn có Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ về chính sách và một phần tài chính, tạo hành lang pháp lý.

PGS Chín nhấn mạnh, không thể đòi hỏi Nhà nước phải lo tất cả nhưng ít ra Nhà nước cũng cần thấy được khó khăn của doanh nghiệp và nông dân để hỗ trợ cho quá trình phát triển đó.

Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp muốn chế biến trái cây để nâng cao giá trị thì Nhà nước chỉ đạo địa phương dành một phần diện tích đất công cho doanh nghiệp thuê với giá vừa phải để xây dựng nhà máy. Hay doanh nghiệp xây nhà máy chế biến trái cây được vay lãi suất ưu đãi, phần chênh lệch Nhà nước bỏ ra...

"Có rất nhiều cách để đưa ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển. Như đất nước Israel được như ngày nay là nhờ họ có tinh thần dân tộc mạnh mẽ. Chính nhờ tinh thần dân tộc ấy mà họ nỗ lực phát triển khoa học, chế tạo vũ khí, phát triển nông nghiệp trên vùng đất khô cằn..., đưa đất nước tiến lên", PGS.TS Dương Văn Chín cho biết.

Theo Đất Việt

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang