Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 3/2018 ước đạt 3,1 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 8,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2017. Điều đáng nói là xuất khẩu gạo bất ngờ trở thành một trong những điểm sáng của ngành nông nghiệp sau nhiều năm giảm sút.
Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3 năm 2018 ước đạt 524.000 tấn, giá trị đạt 261 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,36 triệu tấn và 669 triệu USD, tăng 9,4% về khối lượng nhưng tăng tới 24% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Bốc xếp gạo xuất khẩu. Ảnh: TTXVN
Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm đạt 491 USD/tấn, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 24,4% thị phần. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Iraq tăng gấp 5,7 lần, Malaysia gấp 2,7 lần, Gana 2,05 lần…
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Chánh văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đáng mừng hơn, giá xuất khẩu gạo có xu hướng tăng nhờ chất lượng gạo Việt Nam đang tăng lên (năm 2017, trong cơ cấu gạo xuất khẩu 81% là gạo chất lượng cao).
Bên cạnh đó, hết quý I sản lượng lúa cả nước ước đạt khoảng 11,18 triệu tấn, tăng 571.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 5,4%).
“Giá gạo của Việt Nam cao hơn Thái Lan. Nếu như giá gạo xuất khẩu bình quân trong năm 2016 chỉ đạt 435 USD/tấn, thì năm 2017 là 450 USD/tấn. Giá gạo bình quân 2 tháng đầu năm 2018 đạt mức 491 USD/tấn. tăng 15,3% so với năm 2017”, ông Trần Quốc Tuấn, Chánh văn phòng Bộ NN&PTNT cho biết.
Về việc gạo Việt Nam được giá hơn Thái Lan, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, gạo Việt Nam được giá hơn là do cơ cấu xuất khẩu thay đổi, chất lượng gạo tăng lên. Trước đây, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gạo thường IR 50404. Hiện nay, gạo xuất khẩu phần lớn là loại chất lượng cao, gạo ngon.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, có tới 81% gạo xuất khẩu của Việt Nam là gạo nếp, tám thơm, gạo jasmine... sau nhiều năm định hướng tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, nâng cao chất lượng gạo của Việt Nam đã có hiệu quả. Trong 3 - 4 năm qua, Việt Nam đã xây dựng được cơ cấu giống lúa chất lượng cao.
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, trong những năm gần đây, chất lượng gạo Việt Nam có nhiều cải tiến, điều này cũng giúp gạo xuất khẩu tăng sức cạnh tranh. Trong việc đấu giá gạo hiện nay, doanh nghiệp (DN) các nước cùng tham gia đấu giá công khai với DN Việt Nam.
Để đẩy mạnh cho mọi thành phần có thể xuất khẩu gạo trong thời gian tới, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ đã phối hợp chặt với Bộ Công thương, tiến hành rà soát sửa đổi Nghị định 109 để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo. Bộ đã có ý kiến, sẽ tạo điều kiện tốt nhất để nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, Bộ NN&PTNT đang xây dựng thương hiệu cho gạo Việt. Logo thương hiệu gạo quốc gia đã được phê duyệt và tới đây sẽ có cơ chế quản lý.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, gạo là mặt hàng xuất khẩu truyền thống và duy trì đà tăng trưởng ổn định trong 3 - 4 năm trở lại đây. Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu 4,8 triệu tấn gạo, tương đương 2,1 tỷ USD. Năm 2017, sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo lần lượt là 5,8 triệu tấn và 2,6 tỷ USD. Năm 2018, Việt Nam phấn đấu xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo. Với đà xuất khẩu trong ba tháng đầu năm nay, có thể khẳng định, xuất khẩu lúa gạo Việt Nam vẫn đang có nhiều thuận lợi.
Theo Báo Tin tức
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI