Chiến lược phát triển thị trường suất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020 hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt. Đây là cơ sở để định hướng thị trường xuất khẩu gạo trong những năm tiếp theo theo hướng bền vững ổn định hiệu quả.
Theo đó, đến năm 2020, Việt Nam điều chỉnh giảm dần lượng gạo hàng hóa xuất khẩu, chỉ còn khoảng 4,5 – 5 triệu tấn thay vì mức trên 6 triệu tấn/năm như hiện nay. Việt Nam cũng sẽ tăng dần tỉ trọng các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao và nếp thay vì chỉ cung cấp gạo trắng phẩm cấp thấp. Bộ Công Thương mới đây cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, những vấn đề mấu chốt nhất vẫn chưa được đề cập đến.
Theo Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến 2030, Việt Nam sẽ giảm dần về lượng gạo xuất khẩu hằng năm. Ảnh: T.H
Theo đánh giá của Sở Công Thương An Giang, Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo chưa định hướng được giống lúa để đáp ứng thị trường xuất khẩu. Hiện tại, Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng có rất nhiều giống lúa nhưng chưa có giống lúa “điểm nhấn” nào, đáp ứng nhu cầu của thế giới.
Do đó, khi xác định được giống lúa chủ lực cho xuất khẩu, cơ quan chức năng sẽ thống nhất với các tỉnh, thành phố để xác định lợi thế sản xuất, đẩy mạnh chế biến theo quy mô, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Từ đó, tạo dựng thương hiệu, phát triển ổn định thị trường tiêu thụ.
Không chỉ vậy, Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo 2017 – 2020 chưa nêu được các tiêu chí, tiêu chuẩn gạo… để gieo trồng, sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Trong khi, định hướng về xu hướng tiêu dùng gạo của các quốc gia như: gạo phải đảm bảo được sản xuất theo phương thức canh tác hữu cơ, hoặc trong đó có chứa hàm lượng vitamin… cũng chưa được đề cập.
Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo lần này cũng chưa thực sự gắn kết chặt chẽ giữa thị trường xuất khẩu với tổ chức sản xuất trong nước nhằm từng bước tạo thành chuỗi thống nhất từ sản xuất đến tiêu thụ.
Đại diện Sở Công thương tỉnh An Giang cũng cho rằng, khâu tổ chức thực hiện việc phát triển thị trường xuất khẩu gạo cũng thiếu vai trò của đơn vị dẫn dắt để cùng hành động theo hướng thống nhất.
Trong khi đó, ngay từ đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo. Cùng với đó là bãi bỏ quy định tiêu chí đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo và quy định giá sàn gạo xuất khẩu; bãi bỏ quy định về đăng ký hợp đồng tại Hiệp hội Lương thực VN.
Dẫu vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng, còn nhiều quy định “trói chân” doanh nghiệp xuất khẩu gạo, khiến việc tiếp cận thị trường khó khăn.
Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo lần này cũng chưa thực sự gắn kết chặt chẽ giữa thị trường xuất khẩu với tổ chức sản xuất trong nước.
Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghiệp cao Trung An, suốt nhiều năm qua sự đầu tư để phát triển thị trường sức khẩu gạo của Việt Nam không được chú trọng, không tạo điều kiện kích thích các doanh nghiệp nông dân đầu tư theo hướng phát triển thị trường gạo theo cơ chế cạnh tranh từ chất lượng giá thành.
Thậm chí, cơ chế chính sách về xuất khẩu gạo của cơ quan quản lý nhà nước đã gián tiếp tạo điều kiện để nhóm lợi ích ngăn cản các doanh nghiệp tiếp xúc, giao dịch với nhiều quốc gia nhập khẩu gạo. Cùng với đó, bằng nhiều hình thức để trục lợi trong xuất khẩu gạo, một số chính sách đã triệt tiêu ý chí “vươn khơi” về xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao đi đôi với xúc tiến thị trường xuất khẩu gạo của các thương nhân trong nước.
Ông Nguyễn Hữu Dũng – Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp, đề xuất, cần sớm xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia cho các sản phẩm gạo xuất khẩu và quy trình sản xuất, chế biến từ khâu chọn giống đến sản phẩm cuối cùng. Qua đó, tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia Việt Nam. Ngoài ra, thay vì “kẹp chân” các thương nhân, cần sớm tham mưu Chính phủ ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo Dân Việt