Xuất khẩu sản phẩm thương hiệu Việt: Kinh nghiệm hay từ doanh nghiệp

Xuất khẩu sản phẩm thương hiệu Việt: Kinh nghiệm hay từ doanh nghiệp

Hiện, đã có một số thương hiệu của Việt Nam được định vị trên thị trường xuất khẩu (XK) thế giới. Tuy chưa nhiều nhưng các chuyên gia cho rằng, đây sẽ là nền tảng tốt cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đẩy mạnh XK hàng hóa thương hiệu Việt ra thị trường nước ngoài.

 


Với kinh nghiệm gần 60 năm tham gia thị trường, sản phẩm của Công ty CP Thực phẩm Đồng Giao hiện được XK sang 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó 60% sản phẩm mang thương hiệu của công ty. Nói về bí quyết thành công này, ông Phạm Ngọc Thành - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm XK Đồng Giao - cho biết, thương hiệu không chỉ là tên để nhận diện, mà còn là tài sản rất có giá trị, là uy tín của DN và lòng tin của khách hàng. Quá trình xây dựng thương hiệu rất khó khăn và lâu dài, do đó DN phải có chiến lược cụ thể. Với Đồng Giao, công ty đã chọn những thị trường khó tính làm mục tiêu. Nguyên do, để chinh phục những thị trường này buộc công ty phải liên tục cập nhật, đầu tư công nghệ sản xuất mới, tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt, xây dựng đội ngũ làm việc chuyên nghiệp để nâng cao tính cạnh tranh. Ngoài ra, công ty chú trọng công tác nghiên cứu thị trường, thậm chí mua thông tin để xây dựng chiến lược sản xuất tốt nhất.

ce59e4bfecd99c23fc8739cce1d6e25c_DSC_0087.jpg

Thương hiệu Viglacera đã có mặt tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới

Tương tự, sản phẩm của Tổng công ty Viglacera - CTCP cũng đã có mặt tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có cả những thị trường cao cấp như: Pháp, Italia, Nga, Rumani, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản… Đáng chú ý, trên 90% các sản phẩm XK của tổng công ty mang thương hiệu Viglacera. Tổng công ty hiện chỉ chấp nhận XK sản phẩm với thương hiệu khác khi hợp tác với một số tập đoàn đa quốc gia chuyên phân phối tại các thị trường cao cấp và có hàng rào kỹ thuật khắt khe.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Ban Thương mại (Tổng công ty Viglacera – CTCP), công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm được tập trung đầu tư và triển khai mạnh mẽ đã giúp nâng cao chất lượng, giảm giá thành; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và cập nhật xu hướng thị trường là những bí quyết giúp Viglacera xây dựng thương hiệu tại thị trường quốc tế. “Đặc biệt, trong khi thương thảo hợp đồng, điều kiện XK sản phẩm mang thương hiệu Viglacera luôn được nêu ra và là một trong những điều khoản quan trọng” - bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Thực tế những năm gần đây, DN đã chú ý hơn tới xây dựng thương hiệu. Một số có thương hiệu lớn trong ngành dệt may, viễn thông, thép… đã bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường XK thế giới. Tuy nhiên, như lời cố vấn Chương trình Thương hiệu quốc gia - PGS-TS. Nguyễn Quốc Thịnh, số lượng những thương hiệu này còn rất nhỏ và chưa đại diện được cho ngành hàng XK của Việt Nam. Nguyên do, vẫn còn nhiều DN chưa nhận thức và đánh giá đúng vai trò của thương hiệu với phát triển bền vững...

Để tháo gỡ những nút thắt này, PGS - TS. Nguyễn Quốc Thịnh cũng cho rằng, ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, cần tư duy chủ động của DN, nhất là thay đổi nhận thức về sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu.

PGS – TS. Nguyễn Quốc Thịnh - Cố vấn Chương trình Thương hiệu quốc gia: Các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, có và sắp có hiệu lực mở ra cơ hội mới cho DN XK hàng hóa bằng chính thương hiệu của mình.

 

Theo Công thương 

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang