Ngày 19/6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) phối hợp tổ chức "Diễn đàn Xu hướng tiêu dùng Việt Nam" nhằm gợi mở về chính sách và giải pháp kích cầu bán lẻ, dịch vụ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Diễn đàn nhằm phân tích những nhân tố tác động đến ngành hàng tiêu dùng, dự báo về xu hướng tiêu dùng năm 2024. Ảnh: Vũ Quang
Phát biểu tại diễn đàn, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nêu rõ, Việt Nam đang giai đoạn phục hồi, còn khá khó khăn. Tốc độ tăng tiêu dùng giảm khá mạnh trong khi đây là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế.
Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 5.2024 ước đạt 519,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 9,9%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 9,0%; may mặc tăng 9,3%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 17,0%; du lịch lữ hành tăng 34,3%.
Tuy nhiên, ông Võ Trí Thành đưa ra cảnh báo, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5.2024 giảm nhẹ 0,1% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng, đi lại của người dân giảm sau kỳ nghỉ lễ dài của tháng trước. Tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5.2024 chủ yếu nhờ vào nguồn thu từ du khách nước ngoài tăng đến hơn 34% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng Việt Nam có những điều chỉnh đáng kể trong tiêu dùng, từ cắt giảm mức chi tiêu không cần thiết, hạn chế mua hàng, hoặc thay đổi phương thức và lựa chọn xoay sở với ngân sách thu hẹp hơn so với trước đây, ông Thành cho biết.
Trong bối cảnh người dân thắt chặt chi tiêu, thay đổi thị tiêu dùng, ông Võ Trí Thành cho rằng, việc bám sát các nguồn dữ liệu nghiên cứu thị trường uy tín, với những phân tích cụ thể, sâu sát các biến động trong hành vi người tiêu dùng chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp tìm ra lời giải đúng cho bài toán trên, từ đó gia tăng sức cạnh tranh, bứt phá thành công.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Tạ Mạnh Cường, đại diện Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nêu rõ, các nhân tố trực tiếp và gián tiếp tác động đến tiêu dùng gồm độ tuổi, giới tính, ngành nghề, thu nhập, văn hóa – xã hội, công nghệ, xúc tiến thương mại, chính sách pháp luật…
Bên cạnh đó, sự thay đổi trong thị phần của các kênh mua sắm từ các kênh truyền thống sang nền tảng thương mại trực tuyến hiện đại, đặc biệt là ở thành thị đã và đang trở thành cơ hội, thách thức buộc doanh nghiệp phải thích nghi.
Để xác định được xu hướng tiêu dùng và đưa ra các giải pháp, ông Tạ Mạnh Cường khuyến nghị các doanh nghiệp cần nắm bắt được các quy định, chính sách, pháp luật trong nước, quốc tế về tiêu dùng; xác định xu hướng, hành vi tiêu dùng theo từng ngành hàng. Đặc biệt, cần chú trọng thiết kế, phát triển sản phẩm và xây dựng và phát triển thương hiệu.