Hội thảo “Nhận diện cơ hội & thách thức của thị trường bất động sản Việt Nam trong thời kỳ mới" quy tụ đông đảo các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, bất động sản (BĐS) cũng như dàn khách mời là lãnh đạo chủ chốt của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Hội thảo còn thu hút hơn 200 cán bộ nhân viên ngân hàng tham gia trực tiếp và gần 300 cán bộ ngân hàng theo dõi trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện, các quy định về đất đai, nhà ở và kinh doanh BĐS không ngừng được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với sự nỗ lực quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng và các Bộ, ngành trong việc thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi, phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023, Luật Đất đai 2024 đã chính thức có hiệu lực từ 1/8, sớm hơn so với 5 tháng so với quy định trước, với nhiều quy định mới, có tác động trực tiếp đến hoạt động của nhiều đối tượng, từ người dân đến doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế.
Là 1 trong 20 ngành kinh tế cấp 1, xếp thứ 9 về quy mô giá trị, có ảnh hưởng trực tiếp tới hơn 40 ngành, nghề kinh tế khác. Đặc biệt là tứ giác liên thông, liên quan mật thiết giữa 4 thị trường ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản. Trong đó, ngân hàng và bất động sản được ví như một cặp “song sinh" với mối quan hệ rất mật thiết và mang tính tương hỗ, ảnh hưởng lẫn nhau theo nhiều khía cạnh quan trọng và tới sự phát triển chung của nền kinh tế.
Do đó, việc tổ chức Hội thảo phổ biến pháp luật, giúp các cán bộ ngân hàng, nhất là các cán bộ chủ chốt, chịu trách nhiệm chính trong quá trình xây dựng chính sách tín dụng về bất động sản, nắm rõ và hiểu sâu các quy định mới là điều kiện cần thiết để đảm bảo tuân thủ pháp luật, giảm thiểu rủi ro pháp lý và tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu tham dự đã có được góc nhìn toàn cảnh về diễn biến của thị trường BĐS Việt Nam nửa đầu năm 2024 và dự báo trong thời gian tới. Đồng thời được lắng nghe báo cáo về những điểm mới trong Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, Luật nhà ở & tác động tới thị trường BĐS nói chung và hoạt động tín dụng BĐS nói riêng. Đặc biệt là thảo luận xoay quanh chủ đề này dưới sự điều phối của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh.
Trên cơ sở diễn biến thị trường đã được VARS phân tích và đánh giá cũng như hành lang pháp lý mới, các chuyên gia tham gia thảo luận đều đồng thuận rằng thị trường BĐS Việt Nam từ nay đến năm 2025 có triển vọng lạc quan, nhưng đi kèm với nhiều thách thức, đòi hỏi sự linh hoạt trong việc thực thi các bộ luật mới.
Cụ thể, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, nếu các quy định pháp lý mới không nhanh chóng đi vào thực tiễn, khó khăn trong lĩnh vực BĐS có thể sẽ tiếp tục kéo dài. Ông bày tỏ hy vọng sự nỗ lực của các cơ quan chức năng sẽ giúp các quy định này sớm được áp dụng để thị trường ổn định và phát triển.
Đối với ngành ngân hàng, TS. Đính khuyến cáo, các bộ Luật mới hướng thị trường tới sự minh bạch, hiệu quả, khuyến khích sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ lợi ích cho người dân,... Do đó, hoạt động của ngành ngân hàng cũng phải bám sát, đồng hành cùng với định hướng này. Ông mong muốn, Ngân hàng sẽ tiếp tục là “cứu cánh" của thị trường BĐS, mạnh dạn "giải cứu” các thị trường trên cơ sở lựa chọn “đúng và trúng".
Cùng quan điểm, Ths. Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bất động sản BHS cũng khuyến cáo, việc thực hiện các chính sách mới cần cẩn trọng. Ông Tuyển cho rằng, để xác định "đúng và trúng", ngoài việc nắm rõ dự án định "rót" vốn, Ngân hàng cần nắm rõ tâm lý, các yếu tố ảnh hưởng tới quyết định mua & xu hướng lựa chọn BĐS của các đối tượng người tiêu dùng, nhà đầu tư hay đầu cơ để đưa ra các chiến lược phù hợp.
Chia sẻ về các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định vay vốn mua bất động sản, ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Home, Thành viên Tổ Công tác nghiên cứu thị trường BĐS VARS, cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất của khách hàng là vấn đề định giá tài sản. Ông cho biết: “Do tài sản được định giá thấp, với giá trị vay tối đa trên tài sản đảm bảo là 70% giá trị, khách hàng chỉ có thể vay được khoảng 50% giá trị thực tế của bất động sản.”
Hội Thảo "Nhận diện cơ hội & thách thức thị trường bất động sản Việt Nam trong thời kỳ mới" đã diễn ra tại Hà Nội.
Một nội dung gây chú ý khác tại phần thảo luận là diễn biến giá căn hộ chung cư tại Hà Nội trong thời gian gần đây. Bà Hồ Thị Thu Mai, Giám đốc Nhà Ở Ngay Việt Nam cho biết, giá chung cư chuyển nhượng đã tăng mạnh trong những tháng gần đây, với một số căn hộ tăng từ 3 tỷ đồng lên 5,5 tỷ đồng chỉ trong vòng một năm. Điều này phản ánh sự khan hiếm nguồn cung và nhu cầu ngày càng tăng cao của thị trường.
Hội thảo không chỉ mang lại những phân tích sâu sắc về tình hình hiện tại mà còn mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng trong việc tiếp tục cải thiện và đổi mới các sản phẩm dịch vụ. Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhấn mạnh, các ngân hàng cần rà soát lại sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là liên quan đến cho vay nhà ở, và chuẩn bị cho các thay đổi về luật pháp sắp tới để có thể song hành an toàn và hiệu quả cùng thị trường bất động sản.
Tại hội thảo, các chuyên gia đều nhất trí, thị trường bất động sản cần tiếp tục được thúc đẩy phục hồi và phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững. Việc ban hành các chính sách điều tiết thị trường trên cơ sở hành lang pháp lý mới, sẽ góp phần giảm thiểu đầu cơ và tạo cân bằng cho thị trường trong dài hạn. Tuy nhiên, để luật phát huy tác dụng, cần có thời gian để thẩm thấu và sự hợp tác chặt chẽ từ các cơ quan chức năng và các nhà đầu tư.
Phát biểu kết luận Hội thảo, thay mặt ban tổ chức, TS. Đính đánh giá cao tinh thần chủ động của MBBANK trong việc cập nhật các quy định pháp luật mới về đất đai, nhà ở và kinh doanh BĐS.
VARS hy vọng, những phân tích, nhận định bởi các chuyên gia đầu ngành về kinh tế, tài chính, BĐS trong Hội thảo sẽ mang đến cho các đại biểu tham dự, nhất là các cán bộ chủ chốt trong việc xây dựng chính sách tín dụng những thông tin giá trị để quản trị rủi ro cũng như điều chỉnh chính sách phù hợp hơn với thực tiễn.