Hội thảo “Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025”

Hội thảo “Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025”

Sáng ngày 6/12, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam phối hợp với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance tổ chức hội thảo “Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025” với chủ đề: “Phát triển bền vững thị trường vốn Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”.

Nguồn:Vietnamfinance

Hội thảo nhằm đánh giá toàn diện hoạt động thị trường vốn trong năm 2024, định hướng giải pháp phát triển cho năm 2025 và xa hơn. Đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà đầu tư cùng trao đổi, thảo luận về những vấn đề cốt lõi và định hình tương lai của thị trường vốn Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian qua, thị trường vốn Việt Nam đã dịch chuyển theo hướng ngày càng cân đối, hài hòa và bền vững hơn, song còn tiềm ẩn nhiều thách thức.

Để thị trường vốn Việt Nam thực sự trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả và bền vững, việc nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam là một hướng đi quan trọng.

Cùng với đó, cần có cơ chế khuyến khích cho trái phiếu xanh, xã hội, bền vững, đồng thời cho phép các định chế tài chính tham gia sâu hơn vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp dựa trên khung quản trị đầu tư dựa trên rủi ro. Song song với đó là cần nâng cao dân trí tài chính toàn diện, phát triển có lộ trình nghề tư vấn tài chính tại Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước: ông Phùng Quốc Hiển (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội), PGS.TS Vũ Văn Phúc (Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản), PGS.TS Nguyễn Văn Thạo (nguyên Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, nguyên Trợ lý Chủ tịch nước), PGS.TS Lê Bộ Lĩnh (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), PGS.TS Trần Quốc Toản (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ); TS Lê Xuân Nghĩa (Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia).

Các chuyên gia kinh tế: TS Võ Trí Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh), PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (chuyên gia kinh tế, giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính), PGS.TS. Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính), TS Ngô Công Thành (Phó chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam), TS Nguyễn Tú Anh (Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương); bà Tạ Thanh Bình (Tổng giám đốc Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam - VSDC), ông Tô Trần Hòa (Phó vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước).

Các lãnh đạo doanh nghiệp: ông Nguyễn Quang Thuân (Chủ tịch Công ty Cổ phần Fiingroup), ông Nguyễn Khắc Hải (Giám đốc Khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI), ông Phạm Lưu Hưng (Kinh tế trưởng kiêm Trưởng Ban Đào tạo và Phát triển, Công ty Chứng khoán SSI), ông Ngô Thành Huấn (Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần FIDT), TS Hồ Sỹ Hoà (Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán DNSE).

Về phía Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), có sự tham dự của TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội; Th.S Lê Long Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội; ông Hoàng Anh Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội, Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance; PGS.TS Nghiêm Thị Thà, Tổng thư kí Hiệp hội.

TS Lê Minh Nghĩa: Thị trường vốn ngày càng cân đối, hài hoà, bền vững

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch VFCA, đánh giá thị trường vốn là cấu phần quan trọng của thị trường tài chính - nơi cung ứng nguồn vốn trung hạn và dài hạn, góp phần huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, tạo nền tảng vật chất thiết yếu để nền kinh tế quốc gia tăng trưởng. Trong bối cảnh hướng tới kỷ nguyên vươn mình phát triển bứt phá, thị trường vốn còn là động lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực để đưa thị trường vốn tiến lên phía trước. Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đã chỉ rõ: “…tập trung phát triển thị trường vốn trong nước theo hướng đa dạng hoá công cụ nợ và nhà đầu tư, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài”.

Nghị quyết số 31/2021/QH15 đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng cho thị trường vốn với định hướng đến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP....

Thời gian qua, dù đối mặt với nhiều biến cố khó lường, nhưng thị trường vốn Việt Nam đã dịch chuyển theo hướng ngày càng cân đối, hài hòa và bền vững hơn: giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, tăng tỷ trọng nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán. Tính đến hết tháng 6/2024, vốn hóa thị trường chứng khoán đã đạt hơn 7.066 nghìn tỷ đồng, tương đương 69,1% GDP ước tính năm 2023. Số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư tiếp tục tăng trưởng, đạt hơn 8,6 triệu tài khoản. Đặc biệt, ngày 29/11/2024, Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung cùng với 8 luật đi kèm liên quan đến lĩnh vực tài chính là bước tiến quan trọng thúc đẩy thị trường vốn phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển ấn tượng thời gian qua, thị trường vốn Việt Nam hiện nay còn tiềm ẩn nhiều thách thức cần được giải quyết. Cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp còn kém bền vững, chủ yếu được phát hành bởi nhóm ngân hàng và bất động sản. Thị trường cổ phiếu biến động nhất trong khu vực, vẫn còn cách xa các chỉ tiêu đề ra cả về chất và lượng. Thị trường bảo hiểm trong 2 năm vừa qua, có tốc độ tăng trưởng thấp kỷ lục. Trên thị trường tín dụng ngân hàng, áp lực nợ xấu đang gia tăng trong khi bộ đệm dự phòng của không ít nhà băng đang mỏng dần, cho thấy những yếu tố rủi ro đang tiềm ẩn. Quy mô thị trường vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực; các sản phẩm còn ít, chưa đa dạng; tính minh bạch, chuyên nghiệp chưa cao, chế tài chưa đủ sức răn đe; hạn chế về hạ tầng công nghệ, niềm tin của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào thị trường vốn chưa thực sự hồi phục, nền tảng nhà đầu tư chưa bền vững...

Vì vậy, VFCA và Tạp chí Đầu tư Tài chính tổ chức hội thảo để làm rõ các khía cạnh nổi bật như: Những tác động đến thị trường vốn của Luật Chứng khoán sửa đổi cùng với 8 luật khác vừa được Quốc hội thông qua;  các điểm nghẽn và giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam; cơ hội và thách thức đối với nhà đầu tư; giải pháp dẫn vốn bền vững vào các lĩnh vực ưu tiên trong kỷ nguyên mới như: kinh tế xanh, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững; các giải pháp nâng cao tính minh bạch của thị trường vốn Việt Nam, tiệm cận với thông lệ quốc tế, thu hút các nhà đầu tư tổ chức, tăng cường bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân…

“Chúng tôi tin tưởng hội thảo sẽ mang đến nhiều sáng kiến góp phần đưa thị trường vốn Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành một thị trường minh bạch, hiệu quả, và bền vững, đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng của quốc gia”, TS Lê Minh Nghĩa nói.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tín dụng 2025 có thể tăng 13% - 17%

Trình bày tham luận "Tổng quan tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường vốn năm 2024, triển vọng năm 2025", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho biết, năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam khá tốt: quý I tăng 5,66%, quý tăng 6,93%, quý III tăng 7,4, tính chung 9 tháng tăng 6,84%. Tháng 10 - 11, đà tăng trưởng GDP được đánh giá tốt hơn. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ quý III/2022, khi các hoạt động kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ từ mức đáy của đại dịch.

Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 335,59 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 93,97 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 28,0% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 241,62 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 72, %.

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 312,28 tỷ USD, tăng 16,8 % so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 113,58 tỷ USD, tăng 18,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 198,7 tỷ USD, tăng 15,8%.

Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 23,31 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 24,8 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,61 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 42,92 tỷ USD.

Về thị trường cổ phiếu, tính đến cuối tháng 8/2024, giá trị vốn hóa đạt hơn 7 triệu tỷ đồng (280 tỷ USD), tăng 19,1% so với cuối năm 2023, tương đương 69,2% GDP ước tính năm 2023.

Tính từ đầu năm 2024 tới nay, giá trị giao dịch bình quân đạt gần 1 tỷ USD, tăng 31,3% so với bình quân năm trước. Thị trường hiện có 728 cổ phiếu niêm yết và 878 cổ phiếu trên UPCoM, với tổng giá trị niêm yết đạt 2.246 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2023.

Các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ khoảng 50 tỷ USD giá trị cổ phiếu, tương đương hơn 17% vốn hóa thị trường. Những kết quả này chứng minh sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Về thị trường tín dụng, năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) định hướng mức tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD và thông báo công khai (ngày 31/12/2023) nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn còn thấp, NHNN chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD. Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng, các quy định về cấp tín dụng của NHNN nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ; Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh dự báo với đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của năm 2025, sự trì trệ trong phục hồi của thị trường BĐS, khả năng tăng trưởng chưa thực sự rõ nét của thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu, tín dụng có thể tăng trưởng ở mức 13-17%.

TS Nguyễn Tú Anh: Cần đa dạng hóa thị trường vốn thay vì chỉ dựa vào ngân hàng

Theo TS Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương - vốn đầu tư đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, mức độ đầu tư của Việt Nam đang thấp nên quan hệ giữa đầu tư và tăng trưởng chưa cao.

Để thực hiện hóa được mục tiêu Net Zero và thích ứng biến đổi khí hậu, Việt Nam cần nguồn vốn lên tới 701 tỷ USD, trong đó, con số này ở khu vực tư nhân là 350 tỷ USD, khu vực nhà nước là 248 tỷ USD và vốn nước ngoài là 103 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo ông Tú Anh, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới có thể đạt được mục tiêu đề ra. Một trong những thách thức lớn nhất là nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc lớn vào ngân hàng. Việc “dựa dẫm” quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng có thể gây ra nhiều rủi ro lớn khi sức khỏe của hệ thống ngành ngân hàng đang có nhiều tín hiệu báo động, chẳng hạn như rủi ro nợ xấu tăng cao.

Bên cạnh đó, tín dụng trên đầu người cao hơn rất nhiều so với GDP bình quân đầu người. “Điều này cho thấy sự thiếu liên kết giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP. Phải chăng lượng vốn tín dụng thực sự đi vào nền kinh tế không phải là con số lớn như thống kê chỉ ra?” ông Tú Anh trăn trở.

Trong khi đó, thị trường TPDN – kênh huy động vốn trung và dài hạn - lại chỉ có sự tham gia chủ yếu của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản. Thiếu hụt sự đa dạng về kênh huy động vốn khiến nhiều doanh nghiệp Việt khó tiếp cận nguồn vốn. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà ngay cả các doanh nghiệp trung bình cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn. Điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp không thể “lớn”, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế. Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mới với những kế hoạch lớn như phát triển điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, theo ông Tú Anh, chúng cần phải đẩy mạnh đầu tư và nâng cao chất lượng đầu tư bằng cách đa dạng hóa các kênh huy động vốn. “Một nền kinh tế phát triển không thể dựa mãi vào ngân hàng. Chúng ta phải phát triển những thị trường vốn then chốt khác, trong đó có thị trường trái phiếu và chứng khoán. Khi thị trường vốn phát triển, đa dạng hóa hơn, nền kinh tế cũng sẽ có những khởi sắc mới”, ông khẳng định.

Bà Tạ Thanh Bình: Non-prefunding được vận hành an toàn, đã mở hành lang pháp lý để triển khai CCP

Chia sẻ thông tin về tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK), bà Tạ Thanh Bình - Tổng giám đốc Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho hay, trong một buổi làm việc mới đây cùng đại diện FTSE Russell, đơn vị xếp hạng thị trường này đã khẳng định rằng Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí nâng hạng.

Hai tiêu chí cần cải thiện bao gồm là việc gỡ bỏ yêu cầu bắt buộc nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ trước khi giao dịch (prefunding) và xử lý giao dịch không thành công (failed trade management).

Đối với tiêu chí non-prefunding, bà Bình cho hay, UBCKNN đã phối hợp với các thành viên thị trường nỗ lực cải cách. Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68, với nội dung quan trọng là bỏ yêu cầu bắt buộc ký quỹ đối với nhà đầu tư nước ngoài. Cập nhật tình hình sau một tháng triển khai non-prefunding, bà Tạ Thanh Bình cho biết, VSDC đã liên hệ với các thành viên lưu ký đề nghị cung cấp thông tin về tình hình giao dịch, thanh toán giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh (giao dịch NPF) tại các đơn vị này (nếu có) trong thời gian 1 tháng kể từ ngày triển khai Thông tư 68 (4/11/2024).

Cho đến nay VSDC đã nhận được thông tin phản hồi (qua mail) từ 4 công ty chứng khoán (CTCK) là MayBank MSVN), SSI, HSC, Vietcap và 5 ngân hàng lưu ký (HSBC, Standard ChaterBank, Deustche Bank, Citi Bank và BIDV).

Theo đó, tại thời điểm hết ngày 29/11/2024, tổng cộng có 327 tài khoản nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (NĐTNN) đăng ký giao dịch NPF tại 4 CTCK này và trong tháng 11/2024, các NĐTNN này đã thực hiện hơn 19.000 giao dịch với tổng giá trị khoảng 9.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng bình quân khoảng 4,7% số lượng giao dịch mua; 11% tổng giá trị giao dịch mua chứng khoán (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, CW) tại các CTCK này.

Những thông tin trên cho thấy công tác triển khai Thông tư 68 cho đến này đã được VSDC và các bên liên quan thực hiện khá tốt, không để xảy ra trường hợp NĐTNN thiếu tiền dẫn đến phải chuyển nghĩa vụ thanh toán cũng như ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán của thị trường. Việc cung cấp dịch vụ, quản lý rủi ro giao dịch NPF của CTCK, NHLK cũng như việc sử dụng cơ chế giao dịch NPF của NĐTNN về cơ bản được thực hiện theo hướng thận trọng, an toàn.

Với tiêu chí cuối cùng để nâng hạng là xử lý giao dịch không thành công (failed trade management), theo bà Tạ Thanh Bình, giải pháp áp dụng cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CPP).

Liên quan đến vấn đề này, các quy định mới trong Luật Chứng khoán vừa được thông qua đã mở đường cho ngành chứng khoán tiếp tục triển khai các giải pháp nâng hạng theo tiêu chuẩn MSCI (khó đáp ứng hơn tiêu chuẩn của FTSE Russell).

“Trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của VSDC, với định hướng đảm bảo sự ổn định của các khuôn khổ thể chế, một trong các công tác chiến lược VSDC cần thực hiện là việc thiết lập công ty con có chức năng đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở”, bà Bình cho hay.

Tổng giám đốc VSDC cũng nói thêm, trong quý III & IV/2024, cơ quan này đã tích cực tham gia góp ý, đề xuất bổ sung, chỉnh sửa Luật Chứng khoán và Nghị định 155 để chuẩn bị hướng tới thành lập công ty con thực hiện chức năng đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở. Đây là một bước đi cần thiết cho việc quản lý rủi ro thanh toán tổng thể thị trường và tiếp tục hướng tới các tiêu chí nâng hạng cho TTCK Việt Nam trong tương lai. Ngoài ra, quy định công bố thông tin tiếng Anh và việc áp dụng đồng bộ theo lộ trình sẽ từng bước cải thiện tiêu chí minh bạch.

Bên cạnh FTSE, Việt Nam cũng theo đuổi mục tiêu nâng hạng thị trường theo tiêu chuẩn của MSCI. Đối với bộ tiêu chí của MSCI Global, tới tháng 6/2024 vừa qua, TTCK Việt Nam đã đáp ứng 10/18 tiêu chí. “Có thể kể đến một số tiêu chí còn cần cải thiện như mức giới hạn sở hữu nước ngoài (Foreign Ownership Limit Level), mức sở hữu nước ngoài còn lại (Foreign Room Level) và hay mức độ tự do hóa của thị trường hối đoái chưa đáp ứng… Khối lượng công việc cần triển khai không hề đơn giản”, bà Bình cho biết.

Bà Tạ Thanh Bình khẳng định, với những cải cách về thể chế, thị trường sẽ đón nhận dòng vốn lớn đổ về. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra vấn đề về sức ép lên hệ thống với khối lượng, giá trị giao dịch lớn, tần suất giao dịch nhanh hơn. Trường hợp nâng hạng lên thị trường mới nổi, TTCK Việt Nam dự kiến sẽ đón nhận một dòng vốn đầu tư lớn vào khối thị trường mới nổi. Dòng vốn này có thể mang tới khối lượng giao dịch có giá trị lớn, với tần suất giao dịch có thể thường xuyên và liên tục hơn, có thể gây ra áp lực không nhỏ đối với hệ thống giao dịch và hệ thống bù trừ, thanh toán. Bên cạnh đó là các vấn đề liên quan đến chuyển đổi ngoại tệ có đủ sức đáp ứng lượng giao dịch lớn nhưu vậy hay không.

Bà Bình cũng nói thêm, áp lực duy trì nâng hạng khi đã đạt tiêu chí xếp hạng mới cũng sẽ là một thách thức đối với các bên liên quan. “Theo trao đổi từ phía FTSE Russel, các bộ điều kiện xếp hạng hoàn toàn có thể thay đổi khi cần thiết, khi có nhu cầu từ phía khách hàng lớn. Như vậy việc tiến tới xếp hạng, được xếp hạng và sau đó là duy trì xếp hạng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kỳ đánh giá hàng năm của các tổ chức quốc tế. Trường hợp các điều kiện ngày một thay đổi nhanh và nhiều, chúng tôi cần sẵn sàng cho việc kiến nghị thay đổi các quy định pháp lý phù hợp hơn, đồng thời kịp chỉnh sửa, bổ sung về mặt hệ thống khi cần thiết”, Tổng giám đốc VSDC khẳng định.

Theo bà Bình, rất nhiều thị trường chứng khoán đang cùng lúc có nhiều biến động lớn, chẳng hạn nhưu thị trường chứng khoán Pakistan đang ở mức thị trường mới nổi đã bị xem xét đưa xuống thị trường cận biên, đồng thời gặp phải biến động chính trị nội bộ. “Đây chính là những thách thức thực tế mà chúng ta cần phải đối mặt và đưa ra kịch bản để giải quyết”, bà Tạ Thanh Bình nhấn mạnh.

Ông Tô Trần Hoà: Thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực

Phát biểu tại hội thảo hôm nay, ông Tô Trần Hoà, Vụ trưởng Vụ phát triển Thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, đã điểm lại tình hình thị trường chứng khoán và điểm nhấn chính sách 2025.

Theo đó, ông Hoà cho biết trong năm 2024 để nền kinh tế không chịu ảnh hưởng từ những biến động bên ngoài, đồng thời đảm bảo phát triển và phục hồi kinh tế, các chính sách tài khoá đã được chính phủ ban hành và triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả. Điều này giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đảm bảo an nịnh xã hội.

Với kết quả kinh tế vĩ mô nêu trên, ông Hoà khẳng định hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 đã có nhiều điểm khởi sắc. “Trong 11 tháng vừa qua, thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trải qua nhiều phiên tăng giảm đan xen nhưng về cơ bản vẫn thị trường vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực trên nền thị trường năm 2023”, ông Hoà khẳng định.

Để có được kết quả nêu trên, theo ông Hoà, Chính phủ, Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã tích cực triển khai nhiêu giải pháp nhằm tạo thuận lợi cũng như gỡ bỏ những rào cản cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận TTCK thông qua việc khẩn trương sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan.

Theo đó, ngày 18/9/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đôi, bổ sung một sô điêu của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán. Thông tư sô 68/2024/TT-BTC đã bổ sung quy định về giao dịch mua cô phiếu không yêu câu có đủ tiền khi đặt lệnh của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và đề ra lộ trình triển khai công bố thông tin bằng tiếng Việt đồng thời bằng tiếng Anh.

Theo ông Hoà, đây là căn cứ pháp luật nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam với chi phí thấp hơn nhưng lại giảm thiểu các rủi với các nhà đầu tư.

Thông tin thêm, ông Hoà cho biết mới đây ngày 29/11/2024, Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán. Luật Chứng khoán sửa đổi tập trung vào 3 nhóm chính sách là: nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát, tiếp tục hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vì gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành. “Đây là những quy định thúc đẩy trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm đảm bảo nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán”, ông Hoà nói.

Cùng với Luật Chứng khoán, ông Hòa cho biết có hàng văn bản hướng dẫn thi hành khác cũng đang được Bộ Tài chính trình Chính sửa đổi, bổ sung như Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, Nghị định sửa đổi, bồ cm một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, Nghị định số 128/2021/NĐ-CP và 04 Thông tư hướng dẫn liên quan…

Bước sang năm 2025 nhằm đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt, ổn định, minh bạch của thị trường chứng khoán, ông Hoà cho biết Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục tục ưu tiên tập trung vào các giải pháp để hoàn thành mục tiêu sớm nâng hạng thị trường chứng khoán. Đồng thời, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục triên khai các giải pháp đã đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, trong đó có một số điểm chính trong định hướng chính sách như sau:

Thứ nhất, về nâng hạng thị trường, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán nhằm thu hút các dòng vốn lớn, nâng cao chât lượng thị trường, duy trì tăng trưởng về quy mô; tiếp tục tuyên truyền rộng rãi đến thành viên thị trường, công chúng đầu tư nội dung của Thông tư sô 68/2024/TT-BTC đảm bảo hiệu quả, an toàn, an ninh thị trường.

Thứ hai, tiếp tục tăng cường phối hợp với các bộ, ngành trong việc xem xét sửa đổi quy định pháp lý đề tạo điêu kiện thuận lợi cho hoạt động đâu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam; tăng cường phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc xem xét sửa đổi quy định pháp lý liên quan đến giảm thủ tục và rút ngắn thời gian mở tài khoản, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại tiếp tục tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cũng theo ông Hoà, mặc dù, có nhiều cơ sở để lạc quan về sự phát triển và cơ hội nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng chúng ta cũng luôn phải lưu tâm rằng kinh tê Việt Nam vẫn còn nhiều rủi ro, thách thức như kinh tế toàn cầu còn chứa đựng nhiêu yêu tố khó lường, nhất là tăng trưởng của những đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị kéo dài, các vấn đề về biến đôi khí hậu, chuyển đổi xanh, rủi ro an ninh năng lượng, lương thực và thiên tai, dịch bệnh... Việt Nam vẫn phải đối mặt. Đặc biệt, sự thay đổi một số chính sách kinh tế và đối ngoại của Hoa Kỳ sẽ có sức ảnh hưởng lớn đối với kinh tế thế giới và Việt Nam. Do Việt Nam có cán cân thương mại thặng dư tương đối lớn với Hoa Kỳ, nên rủi ro khi Hoa Kỳ có thể mở rộng các chính sách bảo hộ, áp thuế đối với xuất khẩu Việt Nam là hiện hữu.

"Tuy nhiên, tôi tin tưởng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và với nên tảng kinh tê vĩ mô ôn định và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiệp tục phát triên bền vững, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự phát triển của kinh tế nước nhà", ông Hoà nói.

Ông Nguyễn Quang Thuân: Tại sao gần 20 năm VN-Index vẫn loanh quanh 1.200 điểm?

Chia sẻ tại toạ đàm, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Fiingroup, đã đề cập tới việc thị trường chứng khoán tại Việt Nam chậm phát triển, biểu hiện là VN-Index mãi “loanh quanh” 1.200 điểm.

Ông cho hay, khi tham dự một hội nghị về thị trường chứng khoán tại Singapore do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, rất nhiều người đã hỏi ông: Tại sao gần 20 năm VN-Index vẫn loanh quanh 1.200 điểm, trong khi Dow Jones đã tăng gấp 3-4 lần?

“Tôi chỉ nói lúc VN-Index 1.170 điểm, P/E của Việt Nam là 37-40, còn bây giờ VN-Index 1.200 điểm thì P/E là 11-13”, ông Thuân nói và cho biết thêm rằng điều này tuỳ thuộc chiến lược đầu tư của mỗi bên.

Nói thêm về các quỹ đầu tư nước ngoài, ông Thuân cho biết Việt Nam đã hình thành thị trường TPDN rồi, các quỹ hiện có nhu cầu đầu tư đa kênh rất lớn, vào trái phiếu và cổ phiếu, thậm chí trái phiếu chính phủ một phần.

Ông Ngô Thành Huấn: Cấp thiết thúc đẩy phát triển quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ bảo hiểm

Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành FIDT, nhận định: “Chúng ta mải miết nói về bài toán dân số vàng nhưng lại quên đi mất rằng Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ già hóa dân số cao nhất thế giới. Nếu như chỉ vài năm trước, chúng ta nói về câu chuyện ‘dù gái hay trai, chỉ hai là đủ’ thì đến nay, câu chuyện lại trở thành ‘sinh đủ hai con là trách nhiệm đối với xã hội”.

Ông dẫn chứng, Việt Nam hiện đang là một trong 10 quốc gia trên thế giới có tốc độ già hóa dân số cao nhất, thậm chí vượt qua nhiều quốc gia phát triển. Khi cơ cấu dân số vàng đang dần trôi qua, áp lực già hóa dân số tăng cao đang đặt ra áp lực không nhỏ lên nguồn quỹ hưu trí mà Chính phủ đang quản lý. Đồng thời, điều này cũng ảnh hưởng đến bức tranh tài chính của mỗi người dân.

"Chúng ta nói nhiều đến các nhà đầu tư tổ chức và định chế nhưng lại không nói quá nhiều đến nhà đầu tư cá nhân. Những thế hệ 8X – thế hệ 'bánh mì kẹp' – khi vừa phải chịu trách nhiệm với cha mẹ, vừa phải chăm sóc con cái – đang phải gánh trên vai ngày càng nhiều áp lực", ông nói.

Dưới góc nhìn của FIDT, ông Huấn cho rằng, trong bối cảnh đó, việc phát triển các quỹ hưu trí tự nguyện và các nguồn quỹ từ các công ty bảo hiểm sẽ là giải pháp để giúp các nhà đầu tư cá nhân được hưởng lợi.

Tại Việt Nam, thời gian qua, các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện và các quỹ từ các công ty bảo hiểm đã và đang có những đóng góp rõ nét vào sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam. Trong đó, hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện chính thức đi vào hoạt động từ năm 2021 và hiện có 10 quỹ do 4 doanh nghiệp quản lý quỹ với tổng giá trị tài sản đến năm 2023 là 857,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, với sự phát triển về nhận thức quản lý tài chính cá nhân, ngày càng thu hút đông đảo người dân, đặc biệt người trẻ tham gia đầu tư dài hạn vào các sản phẩm bảo hiểm.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít thách thức khi số lượng người Việt tham gia bảo hiểm còn thấp, mới chỉ 18%. Những sự cố về truyền thông giai đoạn vừa qua cũng khiến người dân có cái nhìn chưa tốt về hoạt động của các quỹ và công ty bảo hiểm.

Theo ông Huấn, dư địa phát triển của các quỹ bảo hiểm và quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, để có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc phát triển các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện và các quỹ từ công ty bảo hiểm, cần gia tăng sự hỗ trợ từ chính sách thuế khi mức hỗ trợ hiện tại không đủ cho sự tham gia trước hết là của các tầng lớp trung lưu, sau đó là các tầng lớp khác trong xã hội.

Bên cạnh đó, cần phát triển ngành hoạch định tài chính cá nhân một cách bài bản bởi mỗi chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân là một bác sĩ tài chính.

Không kém phần quan trọng là cần tăng cường phổ cập kiến thức về quản lý tài chính cá nhân, từ đó người dân mới nhận thức được rõ tầm quan trọng của các quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện trong bức tranh tài chính tổng thể và dài hạn, ông Huấn nhận định.

Triển vọng nâng hạng TTCK thế nào?

Mở đầu phiên thảo luận “Phát triển thị trường vốn Việt Nam trong kỷ nguyên mới”, TS. Võ Trí Thành đề cập đến câu chuyện “nóng hổi” nhất hiện nay, đó là nâng hạng thị trường chứng khoán - mục tiêu mà ngành chứng khoán Việt Nam đã theo đuổi trong nhiều năm và được kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho thị trường chứng khoán Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Trước câu hỏi về triển vọng nâng hạng theo tiêu chuẩn của MSCI - vốn có nhiều tiêu chí hơn và các tiêu chí cũng khắt khe hơn, bà Tạ Thanh Bình – Tổng giám đốc VSDC chia sẻ: “Thực chất, bộ tiêu chí MSCI không quá khác biệt so với FTSE Russell”.

Làm rõ các tiêu chí cần cải thiện, bà Bình cho hay, với MSCI, yêu cầu CCP được coi là bắt buộc. Ngoài ra, tổ chức này còn quan tâm đến mức sở hữu nước ngoài tối đa, mức sở hữu nước ngoài còn lại quyền bình đẳng đối với nhà đầu tư nước ngoài, mà cụ thể là vấn đề minh bạch, khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, còn có các yêu cầu về đồng tiền tự do chuyển đổi, mức độ tự do hoá của thị trường ngoại hối, các cơ chế để hoạt động bù trừ đáp ứng yêu cầu của thông lệ quốc tế. Nhà đầu tư nước ngoài còn yêu cầu cho phép giao dịch bán khống và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường.

“Tuy nhiên, việc đáp ứng các tiêu chí trên chỉ là một phần, quan trọng là sự trải nghiệm của các nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, với vấn đề sở hữu nước ngoài, đối với một số doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đã “cạn room”, đây là điều khiến họ chưa thể hài lòng”, bà Bình nêu vấn đề.

Vietnamfinance
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang