Hội thảo tham vấn ý kiến dự thảo Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Hội thảo tham vấn ý kiến dự thảo Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Ngày 23/11, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến dự thảo Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.


Tại hội thảo, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng (Nghị quyết 136) thể hiện niềm tin của Quốc hội, Trung ương đối với Đà Nẵng với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù. Trong đó có mô hình khu thương mại tự do.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường và Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương đồng chủ trì hội thảo. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Nhận trách nhiệm với Trung ương và cả nước xây dựng mô hình khu thương mại tự do, TP Đà Nẵng và các bộ, ngành nỗ lực xây dựng mô hình phải thỏa mãn tối đa các các yêu cầu gồm: mô hình phải phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay của thế giới, đồng thời phải khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của TP Đà Nẵng, khu vực miền Trung và Việt Nam trong xu thế cạnh tranh tồn tại khu thương mại tự do; mô hình khu thương mại tự do tiên phong theo hướng sau khi sơ kết, đánh giá có thể áp dụng nhân rộng triển khai cả nước.

“TP Đà Nẵng nỗ lực xây dựng mô hình khu thương mại tự do như một bước khơi thông trước, mở đường trước, tạo lối mới, như kỳ vọng và chủ trương của Tổng Bí thư Tô Lâm về “một bước chuyển mình của đất nước, dân tộc trong kỷ nguyên mới””, ông Trần Chí Cường thông tin.

Tại hội thảo, các đại biểu được thông tin về dự thảo đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng; từ đó, đóng góp ý kiến để hoàn thiện đề án. TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đừng quá cụ thể mà nên chỉ rõ ràng các định hướng ở khu thương mại tự do để tạo sự linh hoạt khi nhà đầu tư muốn gia nhập. Về triển khai, ông chỉ ra việc TP Đà Nẵng cần phải làm trước mắt là xây dựng hạ tầng cứng gồm hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, điện nước, cấp thoát nước... Trong đó, cảng Liên Chiểu là điểm nhấn trong kết nối và mở rộng không gian phát triển của TP Đà Nẵng nói chung và khu thương mại tự do nói riêng. Hạ tầng mềm là cơ chế chính sách, thể chế của khu thương mại tự do.

“Khu thương mại tự do thì tinh thần là tự do kinh doanh một cách cao độ nhất có thể và ưu đãi vượt trội cho hàng hóa, con người hoạt động trong khu. Hiện nay chúng ta mới chỉ “cơi nới” trong những quy định hiện hành và phân tán rải rác rất nhiều văn bản khác nhau. Điều này có thể là “nút thắt”, trong khi, thể chế sẽ là yếu tố quyết định việc cạnh tranh”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Các chuyên gia chia sẻ, góp ý. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, thành công của TP Đà Nẵng là xác định khu thương mại tự do là mô hình phức hợp với nhiều lĩnh vực: công nghệ cao, chế biến chế tạo, logistics,…Học tập từ mô hình ở Dubai, các chính sách đều lấy doanh nghiệp là trung tâm, như chính sách “thử sai”. Dubai không kiếm tiền từ thuế (bởi thuế thu nhập bằng không) và họ kinh doanh bằng cách cho thuê đất, hay gắn với một người địa phương và phải trả tiền hằng năm. Bên cạnh đó, địa phương có sự quan tâm, linh hoạt giai đoạn phát triển đối với nhà đầu tư chiến lược. Quan trọng là kích thích việc phát triển kinh doanh của doanh nghiệp bằng thuế, cụ thể nếu ngày càng phát triển thì nhà nước có thể xem xét giữ hoặc giảm thuế…

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng, Khu thương mại tự do như một đặc khu kinh tế thu nhỏ. Để thành công đòi hỏi chính sách ưu đãi đầu tư tối đa về miễn giảm thuế. Không chỉ vậy, trong phân khu du lịch thương mại, bản chất là mua sắm hàng miễn thuế, cần có chính sách cho khách du lịch nội địa được hưởng một phần ưu đãi như khách quốc tế.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang