Tọa đàm với chủ đề “FTA Index - Ý nghĩa và giá trị thay đổi toàn diện khi thực thi FTA”

Tọa đàm với chủ đề “FTA Index - Ý nghĩa và giá trị thay đổi toàn diện khi thực thi FTA”

Ngày 6/12, tại Hà Nội diễn ra Tọa đàm với chủ đề “FTA Index - Ý nghĩa và giá trị thay đổi toàn diện khi thực thi FTA”. 

Nguồn:Sài Gòn giải phóng

Tọa đàm xoay quanh quá trình xây dựng và ý nghĩa của Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực thi các hiệp định thương mại tự do - FTA Index, lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam.

Các chuyên gia trao đổi tại tọa đàm

Theo Bộ Công thương, trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết và thực thi 16 FTA, bao gồm các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA, FTA Index được kỳ vọng trở thành công cụ đo lường hiệu quả, thúc đẩy sự tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định này.

Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng Phòng WTO và FTA thuộc Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), nhấn mạnh, quá trình thực thi các FTA tuy đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn hạn chế, đặc biệt tình trạng thiếu đồng đều giữa các địa phương.

Điển hình, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA còn thấp, trong khi các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất sản phẩm thô. Bà Phương cho rằng, việc xây dựng FTA Index nhằm khắc phục các bất cập này, cung cấp công cụ hữu ích cho cả cơ quan quản lý Trung ương, địa phương và doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Lan Phương chia sẻ

FTA Index không chỉ dừng lại ở việc đo lường hiệu quả thực thi mà còn giúp tạo áp lực cải cách, học hỏi lẫn nhau giữa các địa phương.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, nhận định, FTA Index sẽ đóng vai trò như một công cụ soi chiếu, giúp các bên liên quan nhận thức rõ hơn về vị trí của mình trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó đề ra giải pháp cải thiện.

Ông Thành ví FTA Index như một thước đo sức khỏe, cho phép đánh giá khả năng thực thi FTA của các địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích từ các hiệp định này.

Thế nhưng, quá trình xây dựng FTA Index không dễ dàng. Bà Nguyễn Thị Lan Phương cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai đo lường hiệu quả thực thi FTA, một lĩnh vực mà chưa nhiều quốc gia thực hiện. Những khó khăn chính bao gồm áp lực thời gian, chuyên môn và tài chính.

Ví dụ, năm 2023, tiến độ bị chậm do các quy trình đấu thầu và phê duyệt, chỉ đến tháng 9-2024 mới bắt đầu thực hiện điều tra thực tế. Do nguồn lực hạn chế, năm đầu tiên, FTA Index tập trung vào nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chưa bao gồm lĩnh vực dịch vụ và đầu tư. Tuy nhiên, sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành và sự hỗ trợ từ các địa phương đã giúp dự án vượt qua thách thức ban đầu.

Đại diện Bộ Công thương kỳ vọng, FTA Index mang lại ý nghĩa to lớn không chỉ trong năm 2024 mà còn về dài hạn. Chỉ số này còn là công cụ để Quốc hội giám sát, đánh giá và chỉ đạo hiệu quả hơn công tác thực thi FTA. Các cơ quan ở Trung ương có thể quản lý và hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp một cách sát sao hơn.

Đối với các địa phương, FTA Index sẽ giúp tự đánh giá việc thực hiện kế hoạch hành động gắn với mục tiêu của Chính phủ, từ đó điều chỉnh và đưa ra các chính sách thiết thực. Đặc biệt, các doanh nghiệp và người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi cơ quan quản lý sử dụng chỉ số này để cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc và tăng khả năng cạnh tranh.

3c TS. Võ Trí Thành.jpeg

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh chia sẻ thông tin

TS. Võ Trí Thành cũng nhấn mạnh 4 mục tiêu cơ bản của hội nhập kinh tế quốc tế mà FTA Index sẽ hỗ trợ thực hiện.

Đầu tiên, chỉ số này tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng thương mại và thu hút đầu tư. Thứ hai, chỉ số này đóng vai trò như một động lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Thứ ba, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung vào công nghệ, năng suất lao động và đổi mới sáng tạo. Cuối cùng, FTA Index giúp các địa phương, doanh nghiệp thích ứng tốt hơn với xu hướng toàn cầu, như chuyển đổi xanh và số hóa, đồng thời tận dụng cơ hội từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng.

Tham gia tọa đàm, ông Nguyễn Minh Khôi, đại diện Viện Tony Blair vì Sự thay đổi toàn cầu (TBI), cho rằng, việc nội luật hóa nhanh chóng các hiệp định không chỉ thực hiện cam kết quốc tế mà còn đảm bảo lợi ích tối đa cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

Theo ông, các cơ quan ở Trung ương và địa phương của Việt Nam đều ý thức rõ rằng việc triển khai càng sớm, hiệu quả càng sâu rộng, càng mang lại nhiều lợi ích hơn từ các FTA.

Nhìn chung, FTA Index không chỉ là công cụ đo lường mà còn là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập. Việc áp dụng chỉ số này sẽ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân.

Các chuyên gia kỳ vọng, 2025 sẽ là bản lề để triển khai hiệu quả FTA Index, đặt nền móng cho sự thành công trong dài hạn.

Sài Gòn giải phóng
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang