Tổng kết Hội nghị “Ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp”

Tổng kết Hội nghị “Ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp”

Nhằm đưa ra những đánh giá khách quan và đưa ra chính sách đảm bảo về kinh tế vấn đề kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức “Hội nghị ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp”.


Năm 2018, nền kinh tế Việt Nam khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% so với năm 2017 - mức tăng cao nhất 11 năm qua. Chất lượng tăng trưởng và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh. Nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố và từng bước được tăng cường. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

Trong Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá Việt Nam đứng thứ 77/140 nền kinh tế với số điểm và thứ hạng tương đối cao về ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhằm đánh giá và đưa ra giải pháp, chính sách đảm bảo vấn đề kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức “Hội nghị Ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp” vào sáng nay 15/5 tại Nhà khách La Thành, Ba Đình, Hà Nội.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên điều phối chương trình cùng với sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn Văn Nam – Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn – Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung Ương, Trung tướng, PGS.TS. Đường Minh Hưng – Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, TS. Hà Huy Tuấn – Phó chủ tịch ủy ban giám sát tài chính quốc gia và hàng trăm đại diện của các cơ quan trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Mở đầu phiên làm việc, TS Hà Huy Tuấn đã có bài tham luận về Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam. Ông đã đưa ra những thực trạng và giải pháp cho vấn đề này. Bài thuyết trình chỉ rõ ra vấn đề không chỉ được giải quyết bởi phía nhà nước mà còn bởi phía định chế tài chính, doanh nghiệp và hộ gia đình.

Tiếp theo đó, PGS. TS Đường Minh Hưng đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh bắt nguồn từ hệ thống pháp luật, đạo đức kinh doanh, chất lượng nguồn nhân lực và cơ chế “xin - cho”, lợi ích nhóm vẫn tồn tại ở nước ta.

Bàn về giải pháp cạnh tranh lành mạnh, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng khẳng định, để có sự chuẩn bị tốt nhất trong cạnh tranh lành mạnh, các doanh nghiệp cần có kế hoạch ứng xử tốt, chủ động đón đường các thuận lợi, thách thức đem lại.

Đầu tiên, theo chuyên gia Cấn Văn Lực, doanh nghiệp phải chủ động đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, cụ thể nâng cao trình độ quản trị, chất lượng sản phẩm, có chiến lược phát triển kinh doanh, thị trường và thương hiệu; phát triển nguồn nhân lực, hết sức chú trọng lực lượng lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn cao, nhất là kiến thức về kinh doanh số và ngoại ngữ; tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ trong bối cảnh kinh tế số, kinh doanh số.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực hội nhập, chú trọng việc tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực theo các hiệp định FTA đã ký kết, đảm bảo hưởng tối đa các ưu đãi như: tiêu chí về xuất xứ hàng hóa và nguồn nguyên liệu… Từ đó, doanh nghiệp chủ động đầu tư theo chiều sâu và liên kết nhằm nâng cao hiệu quả cho mỗi khâu; chủ động nắm bắt thông tin và tình hình hội nhập kinh tế quốc tế để chủ động đưa ra chiến lược hoạt động phù hợp trong cạnh tranh – chuyên gia Cấn Văn Lực khẳng định.

Kết thúc phiên thảo luận thứ nhất, các đại biểu đã được nghe bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và kinh tế số cùng ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch VMCG chia sẻ về vấn đề Chuyển đổi số và các nền tảng toàn cầu thay đổi thị trường và khuynh hướng tiêu dùng.

Trong nửa sau của chương trình, TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp, đưa ra quan điểm về Năng lực của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương đã chỉ ra Vai trò quản trị trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Kết thúc hội nghị, các đại biểu đã được thảo luận trong tọa đàm Tọa đàm: Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cùng các chuyên gia. Sự kiện đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang