Những lối đi riêng chiếm lĩnh thị phần
Vingroup - một tập đoàn nổi tiếng về bất động sản nhưng giờ đây lại xem bán lẻ là mảng kinh doanh chiến lược đang vận hành 880 cửa hàng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và đang lên kế hoạch mở thêm 10 nghìn cửa hàng nữa cho tới cuối năm 2019. Từ một kẻ “tay ngang”, bước vào thị trường bán lẻ khi đã có sự đổ bộ ồ ạt của các tập đoàn phân phối khổng lồ của nước ngoài, Vingroup có chiến lược riêng để cạnh tranh.

Đóng gói rau sạch công nghệ cao tại trang trại của VinEco.
Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh dễ dàng nhận ra tấm biển Vinmart + mầu đỏ xen lẫn giữa các khu dân cư đông đúc, các con đường ngõ hẹp... Tạo tiện ích hơn, dễ dàng hơn cho người tiêu dùng đã trở thành lợi thế cạnh tranh của Vinmart. Bên cạnh đó, doanh nghiệp biết tạo ra các giá trị độc nhất, riêng có. Vingroup đầu tư một lượng vốn khổng lồ vào nông nghiệp công nghệ cao để sản xuất thực phẩm sạch, rau quả, trái cây và chỉ cung cấp cho chuỗi bán lẻ của mình với quy trình bảo đảm an toàn nghiêm ngặt. Phân phối rau sạch “của nhà trồng được”, nhưng chỉ trong một ngày nếu không bán hết, Vinmart sẽ tiêu hủy sản phẩm “không thương tiếc” để bảo đảm lúc nào cũng có hàng tươi ngon.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội đánh giá: “Trong bức tranh mầu xám về doanh nghiệp (DN) bán lẻ nội địa, hệ thống bán lẻ Vinmart của Tập đoàn Vingroup là điểm sáng, mang tính nhân văn, lan tỏa đã nhận được sự ủng hộ của thị trường và khách hàng. Trong lúc siêu thị ngoại lấy chiết khấu cao, Vinmart đưa ra chính sách miễn một năm chiết khấu cho DN bán thực phẩm tươi sống”.
Saigon Co.op - một DN bán lẻ trong nước chiếm thị phần đáng kể, đang có những thay đổi quyết liệt để cạnh tranh với các nhà phân phối nước ngoài. Saigon Co.op tận dụng các cửa hàng tạp hóa truyền thống để chuyển đổi thành đại lý bán lẻ hiện đại mang thương hiệu Co.op Smile. Họ tạo ra một mô hình kinh doanh siêu thị bán lẻ 100% thuần Việt với các đặc tính như phát triển từ nhỏ lên, linh hoạt, tiến dần từ “chiến tranh du kích” lên “chính quy hiện đại” để tiết kiệm chi phí và tạo ra lợi nhuận tối ưu. Saigon Co.op hiện nay sở hữu hầu hết các mô hình bán lẻ hiện đại gồm 90 siêu thị Co.opmart, 170 cửa hàng tiện lợi Co.op Food, hai đại siêu thị Co.opXtra, 65 cửa hàng bách hóa hiện đại Co.op Smile, ba trung tâm thương mại Sense City, khu phức hợp SC Vivo City, kênh bán hàng qua truyền hình HTV Co.op.
Với xu thế của thương mại điện tử, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, hệ thống Co.opmart đang trong giai đoạn hoàn chỉnh kênh bán hàng online, dự tính đến năm 2019 sẽ đưa vào hoạt động. Vingroup cũng đã có kênh thương mại điện tử Adayroi.com, với tham vọng có thể cạnh tranh với những gã bán lẻ trực tuyến khổng lồ của thế giới như Amazon, Alibaba.
Chiến lược và cách ứng phó trong thị trường bán lẻ cạnh tranh đầy khốc liệt của Vinmart và Saigon Co.op không những giúp hai DN nội địa này “sống sót” mà còn vươn lên trở thành những tên tuổi chiếm thị phần hàng đầu. Theo khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report được thực hiện trong tháng 9-2017, trong nhóm siêu thị, trung tâm thương mại bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh, Big C, Vinmart, Co.opmart là ba NBL được nghĩ đến nhiều nhất trong tâm trí người tiêu dùng.
Những DN bán lẻ nội địa nhỏ hơn, lại tìm lối đi vào những thị trường ngách. Hệ thống siêu thị Lan Chi Mart xác định lấy khu vực ngoại thành và nông thôn làm thị trường chính. Họ đưa tới đó phong cách mua sắm văn minh, hiện đại bên cạnh chợ truyền thống và cho đến nay đã “phủ sóng” 19 siêu thị ở các tỉnh miền bắc.
Gần đây, ở Hà Nội xuất hiện hệ thống phân phối thực phẩm sạch như Bác Tôm, Sói Biển, Tâm Đạt... Họ có chung “binh pháp” đặt các cửa hàng ở khu đông đúc cư dân như các con phố lớn, khu đô thị hiện đại, phục vụ tầng lớp trung lưu đang “sống trong sợ hãi” vì thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc ở chợ truyền thống. Các nhà phân phối này liên kết với các hộ sản xuất, xây dựng mô hình sản xuất đạt chuẩn thực phẩm sạch để phân phối tới khách hàng.
Bách Hóa Xanh - “tân binh” trong ngành bán lẻ - một công ty con của Tập đoàn bán lẻ Thế giới di động vừa mới ra đời nhưng chỉ trong vòng một năm đã “phủ sóng” 176 cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh và doanh thu đạt 2.500 tỷ đồng. Hệ thống siêu thị này sử dụng cả công nghệ 4.0 như dùng robot trông xe và khách hàng có thể mua sắm thông qua website hoặc gọi điện đến tổng đài đặt mua, được giao hàng tận nhà miễn phí dưới bốn tiếng đồng hồ đến các địa chỉ trong bán kính 20 km tính từ siêu thị gần nhất.
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết hướng đi mới của hệthống siêu thị lâu năm ở thủ đô: “Hapro chủ trương phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích bám theo khu vực dân cưvà tiếp tục phát triển thương hiệu Hapro ra các khu vực dân cư mới, khu vực ngoại thành; tập trung phát triển thị trường nông thôn, coi đây là khu vực thị trường chiến lược trong thời gian tới”.
Tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”
Từng bước đã khẳng định được thương hiệu và chiếm thị phần đáng kể nhưng các DN bán lẻ trong nước đang đối mặt với không ít thách thức, trong bối cảnh thị trường bán lẻ thời hội nhập như “giữa muôn trùng vây” của các nhà phân phối quốc tế.
Ông Võ Văn Quyền, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhận định: “Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2006, cam kết mở cửa thị trường bán lẻ có lộ trình nhưng chưa xây dựng được chính sách để DN nội cạnh tranh với DN FDI. Hiện nay, hầu hết các DN bán lẻ nội địa đều là DN nhỏ và siêu nhỏ, chỉ có một số DN lớn nhưng lớn so với Việt Nam chứ không phải so với thế giới. Nếu không có chính sách đặc thù hỗ trợ DN trong nước, bán lẻ Việt sẽ thua ngay trên sân nhà. DN bán lẻ hiện nay cần hỗ trợ đầu tư, nếu hỗ trợ tiền ít thì nên hỗ trợ bằng “cần câu” như tín dụng ưu đãi. Hiện nay, nhìn lại thương nhân kinh doanh trong nước gần như không có ưu đãi, đất phải đấu thầu giá cao, các cơ chế tài chính tín dụng gần như không có gì. Phải có DN lớn dẫn dắt, bán lẻ trong nước mới phát triển bền vững. Cần thiết phải ban hành một chiến lược phát triển tổng thể thị trường bán lẻ Việt Nam, với sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng và những kếhoạch hành động thiết thực cho từng DN”.
Ông Nguyễn Thành Nhân - người nhiều năm chèo lái thương hiệu bán lẻ Saigon Co.op thẳng thắn: “Chúng ta mở cửa thịtrường bán lẻ nhưng phải có hàng rào kỹ thuật, các nước đều làm vậy để bảo vệ thị trường của họ. Qua phản ánh của nhiều DN và khảo sát thực tế, các NBL nước ngoài đã vi phạm quy định về một số mặt hàng không được phân phối đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Thông tư số 34/2013/TT-BCT ngày 24-12-2013 của Bộ Công thương. Theo đó, DN có vốn đầu tư nước ngoài không được phân phối gạo, đường mía, thuốc lá và xì gà, tuy nhiên tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ của hầu hết các đơn vị như Lotte, Big C, Circke K, Metro Cash& Carry,... đều bày bán công khai các mặt hàng này, không hề bị cơ quan quản lý nhắc nhở và có biện pháp xử phạt”.
Việc quy hoạch mạng lưới bán lẻ nước ta chưa cụ thể, chi tiết và việc quản lý, thực thi các quy định ENT (xác định nhu cầu kinh tế cần thiết của địa điểm) của nhiều địa phương chưa chặt chẽ, một số NBL nước ngoài đã tự do mở điểm bán hàng ngay bên cạnh và cạnh tranh quyết liệt với các NBL trong nước.
Ông Nhân cho rằng, điểm mạnh của DN nội là hiểu nhu cầu và tâm lý người tiêu dùng Việt, am hiểu thị trường Việt. Nếu các DN liên kết chặt chẽ sẽ tạo ra động lực cho các NBL trong nước để có thể phát triển và cạnh tranh với các NBL nước ngoài”.
Ông Võ Văn Quyền cũng nhấn mạnh, các DN bán lẻ trong nước cần đoàn kết, liên kết với nhau giữ vững vị thế “sân nhà”, dùng chính hàng hóa nội địa để phát triển bán lẻ nội địa và thúc đẩy sản xuất trong nước, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”.
Theo ND