Nguyễn Phi Vân - chuyên gia nhượng quyền toàn cầu.
Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền toàn cầu đã chia sẻ trong tọa đàm “ Những lời nói thật không sợ mất lòng về khởi nghiệp”, nhân lễ công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao 2017.
Bài học đầu tiên là tư duy quốc tế
Là tác giả của “Nhượng quyền khởi nghiệp - Con đường ngắn để bước ra thế giới” và “Quảy gánh băng đồng ra thế giới”, phần trình bày của chị Nguyễn Phi Vân đầy ắp thông tin hữu ích, hấp dẫn với các bạn khởi nghiệp.
“Một bạn trẻ gửi mail cho tôi thổ lộ định làm công nghệ nhà kính, nhà lưới cho nông nghiệp, áp dụng cho thị trường Hà Nội.
4 năm qua tôi may mắn tham gia vào dự án nông nghiệp của Malaysia, giúp cho DN khởi nghiệp và phát triển bền vững. Doanh nghiệp tham gia dự án phải học trong 3 năm, bài học đầu tiên của chương trình là “Tư duy quốc tế”. Chúng ta sống trong thời đại toàn cầu, tất cả doanh nghiệp, đất nước đều mong muốn trở thành một phần của thế giới…
Tôi lùi lại, nhìn những câu chuyện bán lẻ của thế giới trong tương lai. Điểm đến là sự bắt đầu từ tư duy. Nếu thắng lợi nằm trong tư duy thì tư duy của người ta là quốc tế, điểm đến của người ta là tư duy. Nếu bạn khởi nghiệp nhắm đến thị trường Hà Nội thôi thì làm sao cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài ngay chính sân nhà?
Đó là nỗi niềm của tôi khi đọc mail của một bạn khởi nghiệp. Nếu bạn ấy chỉ nghĩ đến thị trường là Hà Nội, thì bạn ấy sẽ chỉ nói theo kiểu Hà Nội, nếu nghĩ về châu Á, sẽ nói theo kiểu châu Á. Chỉ khác nhau ở tư duy”.
Thị trường khởi nghiệp đang “hot” nhất trên thế giới là thị trường cho người già
Chia sẻ về 4 xu hướng tiêu dùng đang bùng nổ của thế giới, để từ đó các nhà khởi nghiệp có thể đón đầu được tương lai, chị Phi Vân nhấn mạnh:
Thứ nhất là Dân số già từ 50 tuổi trở lên của thế giới đang bùng nổ, chiếm khoảng ¼ dân số, đó là thị trường cực lớn. Từ xưa tới giờ khi làm mô hình, tôi thấy các doanh nghiệp thế giới toàn tập trung vào sản phẩm, nhưng bây giờ, 70% tập trung vào dịch vụ, một nửa là khởi nghiệp, trong đó sản phẩm, dịch vụ cho người già cực nhiều, từ y tế,giải trí, kết nối, định vị, tương tác…
Nếu tôi khởi nghiệp một dịch vụ nào đó cho người già, chắc chắn tôi phải nghĩ đến các nước châu Á trước, sau đó là thế giới. Thị trường khởi nghiệp đang “hot” nhất trên thế giới là thị trường cho người già, như xe đạp thông minh cho người già, có thể dò được xe đang ở đâu để tìm ra người điều khiển.
Phân khúc thứ hai, “ông chủ, ông hoàng của ngôi nhà chính là trẻ em, người quyết định mua hàng của bố mẹ”. Đó là phân khúc rất lớn mà các startup phải khai thác.
“Tôi muốn cái tôi muốn ngay bây giờ!”, nhu cầu đó của người tiêu dùng khiến những sản phẩm dịch vụ phải đổi lại chút xíu, đó là cung cấp cái họ muốn ngay lúc này, là có thể tái định vị lại dòng sản phẩm, dịch vụ của mình.
Thứ tư là “Nghệ thuật khiếm khuyết”. Hồi giờ mình quen với sự bóng bẩy, nhưng bây giờ, họ nghĩ cái gì khiếm khuyết mới thật. Xu hướng này rất hay cho Việt Nam. Mình là đất nước nông nghiệp, cái người ta muốn nhìn là củ khoai lang còn lấm lem bùn đất, người nông dân còn đang ngồi tráng những cái bánh đa… đó gọi là “sự khiếm khuyết hoàn hảo”! Vấn đề là mình biết cách đưa ra để người ta thấy hay không.
Hồi đó tới giờ người ta nói tới đám đông, sản xuất hàng loạt. Nhưng bây giờ người ta lại muốn tôi phải có một phần nào đó trong thế giới này, sản phẩm ấy là giành cho tôi và hiểu tôi. Đôi giày thể thao có thể đo được tôi có mệt không, tim có vấn đề gì không? Có nên chạy tiếp không? Nếu doanh nghiệp đổi góc nhìn, làm cho sản phẩm của mình được “tôi” hóa, cá nhân hóa, sẽ tạo nên hiệu ứng rất tốt với thị trường.
Có người bạn rủ tôi làm bánh theo cách thủ công, bán ra nước ngoài. Tôi coi danh sách sản phẩm, nói sao anh đầu tư cái bếp lớn vậy? Công nghệ in thực phẩm 3D sẽ thay đổi hoàn toàn về cách cung ứng, nếu mình không biết cái gì phía trước thì đầu tư của mình sẽ lạc hậu.
“Tech-Everything”- Tất cả là công nghệ hết. Cuộc sống mobile, trí tuệ nhân tạo, robot và tự động hóa, phục vụ an ninh, an toàn…
Hiểu biết, nội lực, quản trị của mình cách xa quá, chính công nghệ là bước nhảy vọt để giúp doanh nghiệp cạnh tranh trong tương lai, đó là lời nói thật của một người từng làm ở môi trường quốc tế”, Phi Vân kết luận.
Theo Bizlive
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI