Tưởng như mọi việc an bài khi Grab mua lại Uber, nhưng cuộc chiến ứng dụng gọi xe lại bắt đầu nóng lên với sự châm ngòi của Go-Jek, Aber, MVL… Dù thế nào thì cạnh tranh cũng sẽ khiến khách hàng được lợi hơn.
Hút các "tay đua" ngoại
Sau khi Uber rút khỏi thị trường Đông Nam Á nhường cho Grab chính thức từ ngày 9/4, hàng loạt các công ty đã giới thiệu các ứng dụng gọi xe của mình để cạnh tranh cùng Grab.
Hai ứng dụng gọi xe là Go-Jek từ Indonesia, và MVL từ Singapore đang tích cực mời gọi giới tài xế Việt Nam để chuẩn bị "xuống đường vào đầu tháng 7 tới.
Với Go-Jek, được thành lập vào năm 2010, Go-Jek nhanh chóng trở thành startup "kỳ lân" khi gọi được hàng tỉ đô la Mỹ vốn và mở rộng hoạt động của mình. Ban đầu, Go-Jek chỉ là một ứng dụng kết nối xe gắn máy nay đã trở thành nền tảng cung cấp nhiều dịch vụ gồm vận chuyển, hậu cần, thanh toán di động, giao nhận thức ăn… và nhiều dịch vụ theo yêu cầu khác.
Go-Jek hiện đang được định giá khoảng 5 tỷ USD, theo PitchBook
Mới đây, Go-Jek chính thức tuyên bố chi 500.000 USD để đặt chân vào 4 thị trường Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines vào cuối năm nay.
Tại Việt Nam, Go-Jek chọn GO-Viet là công ty đầu tư công nghệ và chuyên môn. Một số nguồn tin cho biểt, GO-Viet đang tuyển dụng các tài xế Uber cũ tại Việt Nam với ưu đãi đặc biệt dành riêng. Chẳng hạn, sau khi ra mắt, Hãng sẽ miễn phí đồng phục cho tài xế và có thể trợ giá chuyến đi tối thiểu cho đối tác (dự kiến 29.000 đồng/chuyến). Ứng dụng sẽ ra mắt dịch vụ xe ôm 2 bánh trước rồi dịch vụ 4 bánh.
Còn đối với ứng dụng gọi xe P2P MVL của đội ngũ Easi6, một startup công nghệ từ Singapore, hồi đầu tháng 5, đã chính thức được giới thiệu tại TP.HCM, dự kiến sẽ ra mặt thị trường vào tháng 7. Ứng dụng MVL được nhà sáng lập Kay Woo giới thiệu là một dự án dựa trên hệ sinh thái di động blockchain.
Tuy nhiên, tài xế sẽ không phải trả phí chiết khấu trên mỗi chuyến đi, thay vào đó MVL chỉ tính một khoản chi phí "không đáng kể" nhằm duy trì nền tảng này.
Ứng dụng này còn kết nối với các dịch vụ bảo hiểm, sàn mua bán xe, trạm sửa chữa... thông qua công nghệ blockchain.
Hiện tại, MVL đã kết nối với hơn 25.000 xe tại thị trường của các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, và sẽ hoạt động tại Việt Nam dưới hình thức một công ty công nghệ, ban đầu tại TP.HCM, sau đó là Hà Nội và Đà Nẵng.
Cuộc đua dịch vụ
Thương vụ Grab thâu tóm Uber sẽ tác động không nhỏ đến thị trường Việt Nam và rộng ra là cả thị trường Đông Nam Á.
Suốt một thời gian dài, Uber và Grab cạnh tranh với nhau và với các doanh nghiệp khác bằng các mã khuyến mại cho khách hàng, nay sẽ “thống nhất về một mối”. Trước khi Go-Jek chính thức vào thị trường, Grab sẽ là “ông lớn” duy nhất còn lại tại Việt Nam. Như vậy, người dùng rất có thể bị giảm cơ hội được hưởng các mã khuyến mại.
Cũng không loại trừ khả năng, Grab sẽ tăng giá vận chuyển, tăng tỷ lệ doanh thu với lái xe. Điều này rất dễ xảy ra khi chỉ có một hãng chiếm thị phần lớn và gần như độc quyền.
Vì vậy, những động thái vừa qua của Go-Jek là tín hiệu tích cực cho thị trường ứng dụng gọi xe tại Việt Nam, khi xuất hiện thêm đối thủ cạnh tranh mới có khả năng tài chính, công nghệ mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp, những hãng taxi truyền thống của Việt Nam hay các ứng dụng công nghệ gọi xe như Vivu (FaceCar), Carento, 123 Xe... sẽ có cơ hội lấy lại thị trường, mở rộng thị phần. Tuy nhiên, sẽ rất khó để các hãng taxi truyền thống có thể cạnh tranh với Grab và các ứng dụng công nghệ có thể “bật lên”, nếu không có sự đầu tư lớn, mạnh, cạnh tranh về chất lượng dịch vụ và sự ủng hộ của người dùng.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) cho rằng: “Nhà cung cấp nào mang đến dịch vụ tốt nhất, phù hợp với sở thích của người dân thì sẽ được ưa chuộng. Trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, người dân mong muốn sẽ có nhiều công ty nội địa tham gia vào cung cấp ứng dụng gọi xe. Thị trường cạnh tranh hơn, vận tải hiệu quả hơn thì người dân càng được hưởng lợi”.
Theo enternews
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI