3 dấu hiệu cảnh báo ung thư vòm họng

3 dấu hiệu cảnh báo ung thư vòm họng

Tại Hội thảo tầm soát ung thư sớm diễn ra ngày 26/3 tại khu đô thị Ecopark, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt cho biết, ung thư vòm họng là bệnh đứng hàng đầu trong các loại ung thư vùng đầu- mặt- cổ và là một trong 10 loại ung thư phổ biến nhất ở nước ta. 


PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An tầm soát ung thư đầu-mặt-cổ cho người dân. Ảnh:  Thúy Quỳnh

Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt, hiện tỷ lệ người Việt Nam mắc ung thư vòm họng đứng top đầu của thế giới. Trước đây, khi chưa có thiết bị nội soi hiện đại, việc tầm soát ung thư này thường bị bỏ sót. Tuy nhiên, khi thiết bị nội soi được phổ biến trong toàn ngành tai- mũi- họng, tỷ lệ phát hiện sớm ung thư vòm họng cũng tăng lên.

Với ung thư vòm họng, PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An thông tin, ba dấu hiệu cơ bản phát hiện sớm ung thư vòm họng, đó là triệu chứng đau nửa đầu, ù tai và khặc ra máu. Tuy nhiên, giống như nhiều loại ung thư khác, bệnh ung thư vòm họng thường ít biểu hiện đặc thù ở những giai đoạn sớm nên bệnh nhân thường không để ý và hay nhầm với các bệnh viêm mũi xoang khi chỉ bị đau đầu hoặc ngạt mũi thoáng qua. Bệnh khi tiến triển ở giai đoạn nặng sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng như mũi chảy máu hoặc tắc nghẽn, đờm có máu, tai có thể bị ảnh hưởng, cổ sưng lên từ các hạch bạch huyết phình to, mí mắt rủ, hoa mắt… 

Về nguyên nhân gây bệnh,Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt cho rằng, hiện có ba yếu tố chính được xác định làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng. Đó là vi rút Epstein-Barr, yếu tố di truyền và môi trường. Ngoài ra, còn phải kể đến cả thói quen ăn uống như ăn quá nhiều cá muối từ khi còn nhỏ, ăn nhiều thực phẩm bảo quản hoặc lên men và hút thuốc lá. 

Các chuyên gia y tế cho biết với ung thư vòm họng, nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm, chỉ cần điều trị hoá chất và tia xạ thì khả năng chữa khỏi là hoàn toàn có thể, thậm chí bệnh nhân sống 30 năm khoẻ mạnh. Ở những giai đoạn sau, tỷ lệ này giảm đi và nếu chỉ xạ trị đơn thuần thì khả năng tái phát là rất cao, tỷ lệ sống thêm 5 năm chỉ còn từ 10 - 40%. Thậm chí, có những bệnh nhân khi đến BV đã ở giai đoạn 3, 4, thời gian sống bị rút ngắn chỉ còn 2-3 năm. Để phát hiện bệnh sớm, mỗi người dân nên tự biết cách phòng bệnh, nên tiến hành kiểm tra sức khoẻ, nội soi một lần/năm

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp mắc mới và khoảng 100.000 ca tử vong vì ung thư. Các dạng ung thư thường gặp là ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng, dạ dày, phổi, đầu mặt cổ, vòm họng...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, tại Việt Nam, kiến thức về ung thư chưa được phổ cập rộng rãi khiến cho người dân chưa đủ hiểu biết cần thiết để phòng chống căn bệnh này do vậy, người bệnh thường đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn, làm cho hiệu quả điều trị còn nhiều hạn chế.

Theo Báo Hải quan

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang