4 buổi biểu diễn ca nhạc đường phố tại Hà Nội vì trẻ tự kỷ

4 buổi biểu diễn ca nhạc đường phố tại Hà Nội vì trẻ tự kỷ

Chương trình truyền thông “Tôi đã hiểu, còn bạn?” bao gồm 4 buổi biểu diễn ca nhạc đường phố được tổ chức tại phố đi bộ Hà Nội, hướng tới Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ 2/4.


Ca sỹ Thái Thùy Linh trong buổi biểu diễn đầu tiên. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp)

Chương trình do ca sỹ Thái Thùy Linh cùng nhóm tình nguyện Tim Hồng, Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số, Mạng lưới tự kỷ Việt Nam (VAN) đề xuất và phát động.

Mục đích của chương trình nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về chứng tự kỷ, bày tỏ sự cảm thông và ủng hộ người tự kỷ, chia sẻ những thông tin về phát hiện sớm, can thiệp sớm chứng tự kỷ cho các gia đình có con nhỏ tại Việt Nam.

Bốn buổi biểu diễn ca nhạc đường phố sẽ diễn ra từ 14 giờ 30 đến 16 giờ 30 ngày Chủ nhật 12/3, 19/3, 26/3 và từ 8 giờ đến 11 giờ ngày Chủ nhật 2/4.

Địa điểm diễn ra các buổi biểu diễn ngày 12/3, 19/3, 26/3 tại Ngã ba Đinh Tiên Hoàng-Lương Văn Can-Lê Thái Tổ, trước cửa Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm, số 2 Lê Thái Tổ.

Buổi biểu diễn Chủ nhật 2/4 sẽ diễn ra từ 8 giờ đến 11 giờ tại trước cửa Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm.

Những tiết mục văn nghệ được dàn dựng công phu ​với sự tham gia của các ca sỹ: Thái Thùy Linh, Ca sỹ Nguyễn Vinh, Ca sĩ Quang Madona, The Voice 2017 Bùi Hoàng Yến, ca sỹ Uyên Chi, nghệ sỹ Nguyễn Bảo Long, ca sỹ Lê Phương Anh, ca sỹ Minh Chuyên, giọng hát Việt Nhí Cao Lê Hà Trang, nghệ sỹ Nguyễn Ngọc Dung, nhạc công Triệu Hoàng Lân, The Voice Kid Đoàn Quang Trường, The Voice Kid Phương Linh…

​Chương trình có nhiều hoạt động đồng hành mà người tham dự sự kiện có thể tham gia như Chương trình “Biệt đội X” dành cho các bạn thiếu niên nhi đồng.

Các bạn trẻ tham dự sẽ đăng ký với ban tổ chức để làm đại sứ mang những thông điệp truyền thông đúng đắn về chứng tự kỷ đến gia đình, bạn bè. Mỗi bạn sẽ được nhận huy hiệu của chương trình và nhiều quà tặng ý nghĩa; Chụp ảnh với những nghệ sỹ nổi tiếng, hay với những thông điệp ý nghĩa giúp cộng đồng hiểu hơn về chứng tự kỷ…

Đại diện ban tổ chức, ca sỹ Thái Thùy Linh chia sẻ: “Con tôi không mắc chứng tự kỷ, trong gia đình cũng không có người tự kỷ. Tôi tự thay đổi nhận thức về chứng tự kỷ sau khi tình cờ tham gia giúp đỡ Mạng lưới người Tự kỷ Việt Nam tổ chức một sự kiện cách đây 2 năm. Sau thời gian quan tâm, theo dõi, tôi nhận thấy người tự kỷ ở Việt Nam có quá nhiều thiệt thòi, trong đó thiệt thòi lớn nhất là chưa nhận được sự hỗ trợ chính sách phù hợp, chưa nhận được sự hiểu và hỗ trợ từ mọi người trong xã hội, dẫn đến nhiều kì thị, phân biệt đối xử, khiến người tự kỷ vốn đã có nhiều khó khăn lại càng khó khăn hơn.”

Đại diện Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam, bà Nguyễn Tuyết Hạnh chia sẻ: “Hiểu về tự kỷ không chỉ giúp chúng ta cảm thông chia sẻ, mà còn chủ động phát hiện sớm, can thiệp sớm tự kỷ trong cộng đồng, giúp người tự kỷ tiến bộ, hòa nhập, có thể học hành và có việc làm, cống hiến năng lực cá nhân, giảm gánh nặng an sinh xã hội.”

Trẻ mắc bệnh tự kỷ hiện có tỷ lệ mắc rất cao trên Thế giới. Theo nghiên cứu ở Mỹ, tỷ lệ trẻ tự kỷ là 1/68 trẻ. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính tỷ lệ tự kỷ tính chung toàn cầu là 1/160 trẻ.

Ở Việt Nam, người mắc chứng tự kỷ ước tính khoảng 1% dân số. Theo báo cáo của Sở Giáo dục Hà Nội thì tỷ lệ trẻ tự kỷ chiếm tới 30% tổng số trẻ có khuyết tật học đường. Theo quan sát thì 100% lớp học tiểu học đều có trẻ tự kỷ trong lớp. 

Chứng tự kỷ chưa rõ nguyên nhân, chưa tìm ra cách chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, trẻ mắc chứng tự kỷ nếu phát hiện sớm, can thiệp sớm đúng cách, cùng với sự mở lòng của cộng đồng, người tự kỷ có cơ hội tiến bộ rất cao, có thể hòa nhập xã hội và đi học, đi làm, có khả năng sống độc lập, không trở thành gánh nặng xã hội./.

Theo Vietnamplus

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang