Ai là chủ thể xây dựng thương hiệu gạo Việt?

Ai là chủ thể xây dựng thương hiệu gạo Việt?

Trong tháng 7-2018, lô-gô gạo Việt sẽ được công bố. Dẫu chậm nhưng cũng là điều đáng mừng đối với một quốc gia vốn được xem là cường quốc xuất khẩu gạo. Song, để có thương hiệu gạo Việt sẽ cần phải trả lời được nhiều câu hỏi: Ðâu là phân khúc và thị trường hướng tới? Và ai là chủ thể xây dựng thương hiệu?


Lãng phí nguồn giống quý

Ðã xuất khẩu gạo gần 30 năm, nhưng phải đến khoảng ba năm trước, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) mới chính thức bắt tay vào việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt. Ðến tháng 7 này, bên cạnh việc công bố lô-gô gạo Việt, các cơ quan chức năng cũng tiến hành các thủ tục bảo hộ quốc tế thương hiệu gạo Việt. Hiện, Việt Nam đã nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu quốc tế sang hệ thống Madrid để được bảo hộ toàn cầu. Như vậy, sắp đến thời điểm lúa gạo Việt Nam có thương hiệu và bộ tiêu chuẩn, điều mà Thái-lan đã làm với gạo thơm Hom Mali từ những năm 1955.

79b9aff6a4e174a90962ca1857fb8135.jpg

Doanh nghiệp liên kết với nông dân là mắt xích quan trọng để hình thành thương hiệu gạo Việt.

Lâu nay, các chuyên gia trong ngành lúa gạo vẫn nói, xuất khẩu gạo của Việt Nam thuộc dạng "ăn cơm nguội", ngụ ý một số lúa gạo xuất khẩu của chúng ta có nguồn gốc từ nước ngoài! Ðiều này đúng nhưng chưa phải là tất cả bởi sản phẩm lúa gạo Việt Nam vốn rất đa dạng về nguồn giống. Tại đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đã có gạo Một bụi đỏ Hồng Dân (Bạc Liêu), Nàng Nhen Bảy Núi (An Giang), gạo Nàng Thơm Chợ Ðào (Long An)... với giá bán có loại cao hơn gấp rưỡi gạo thường. Tuy nhiên, nghịch lý là các giống này chưa được thế giới biết đến bởi vẫn chưa có các thương hiệu chỉ dẫn địa lý như "gạo Việt Nam", "gạo đồng bằng sông Cửu Long", "gạo thơm Sóc Trăng"... Thiếu chỉ dẫn địa lý, một trong những yếu tố quan trọng của thương hiệu, gạo Việt khó lòng có thể đứng vững ở thị trường nước ngoài.

Rõ ràng, bấy lâu nay, thay vì được xây dựng nhãn hiệu gạo dẫn dắt đến thương hiệu gạo quốc gia, thì nguồn giống đặc sản của gạo Việt Nam đang bị lãng phí.

Thương hiệu bắt đầu từ nhãn hiệu

Theo GS, TS Võ Tòng Xuân, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam phải bắt đầu từ doanh nghiệp (DN), từ sự hợp tác của DN và nông dân cùng với nghiên cứu của các nhà khoa học để tạo ra vùng sản xuất rộng lớn. Khuyến nghị này đã được tỉnh Sóc Trăng thực hiện khá bài bản.

Còn nhớ, đúng 25 năm trước, nhờ vào sự chung tay giữa GS, TS Võ Tòng Xuân và kỹ sư Hồ Quang Cua (nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng), những giống lúa thơm mang tên ST đầu tiên "đặt chân" vào vùng đất này. Trong vụ lúa vừa qua, nông dân Sóc Trăng trúng mùa, trúng giá với các giống lúa thơm ST: năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha, thương lái thu mua lúa thơm này với giá 7.000 đồng/kg (cao hơn lúa thường 1.000 đồng - 1.500 đồng/kg). Do chi phí đầu vào thấp, ít sâu bệnh, không bón nhiều phân nên người trồng có thể đạt lợi nhuận hơn 60%. Nổi bật trong các dòng lúa thơm dòng ST hiện nay là giống ST24 chống chịu tốt với ngoại cảnh, thời gian sinh trưởng ngắn từ 95 đến 97 ngày. Chịu phèn, mặn tốt nên giống lúa thơm ST24 được trồng nhiều dưới ao nuôi tôm của các tỉnh như: Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang… Khoảng 7.000 ha được nông dân Sóc Trăng sản xuất vụ đông-xuân vừa qua. Nhờ chất lượng ngon, tại hội nghị quốc tế lần thứ chín về thương mại gạo tổ chức tại Trung Quốc vừa qua, gạo ST24 của Việt Nam đạt tốp 3 "gạo ngon nhất thế giới năm 2017".

Cần nói thêm, trong ba năm qua, nhiều loại gạo ST được nông dân sản xuất tại Sóc Trăng đạt giá trị xuất khẩu và bán buôn trên thị trường nội địa với mức cao kỷ lục khoảng 700 USD/tấn (cao hơn gạo thường khoảng 200-300 USD/tấn). Bộ NN&PTNT cũng nhanh chóng lấy giá trị hạt gạo xuất khẩu từ các giống lúa của Sóc Trăng để làm mục tiêu "nâng cấp giá trị hạt gạo Việt". Ðiểm đáng lưu ý là DN tư nhân Hồ Quang Trí đã chọn các giống lúa thơm ST để bán buôn và xuất khẩu.

Thực tế, nhiều DN đã nhận ra việc xây dựng thương hiệu gạo Việt là yêu cầu sống còn trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh khốc liệt từ thị trường xuất khẩu gạo. Họ đã có những bước xây dựng nhãn hiệu ở những thị trường truyền thống. Ðiển hình là Công ty Cổ phần Gentraco. Chiến lược phát triển dài hạn của Gentraco xác định mục tiêu ưu tiên phát triển phân khúc gạo cao cấp với sản phẩm chất lượng và tiếp cận các nhu cầu/phân khúc khác biệt. Ðể thực hiện được mục tiêu này, công ty đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu riêng từ năm 2008 cũng như liên tục đầu tư hoàn thiện quy trình sản xuất từ sấy lúa tươi đến đóng túi theo các tiêu chuẩn riêng biệt của khách hàng. Ðến giữa tháng 7-2018, tổng diện tích vùng nguyên liệu của Gentraco đã mở rộng khoảng 1.000 ha tại Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang… với những nhu cầu riêng biệt của thị trường.

Với hơn 40 năm phát triển và hoạt động trong ngành chế biến gạo tại ÐBSCL, hằng năm sản lượng gạo tiêu thụ của Gentraco khoảng 300 nghìn tấn với doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng. Ðối với thị trường nội địa, từ lâu, Gentraco đã cung cấp các mặt hàng gạo cao cấp mang nhãn hiệu gạo sạch Miss Cantho; gạo thơm Cò Trắng, gạo sạch Ngọc Ðồng, gạo dinh dưỡng Ngọc Ðỏ, nếp thơm Cò Trắng vào hệ thống các siêu thị trong nước như BigC, Lotte, Aeon, Satramart, Giant, Auchan, HTV Coop...

Các nhãn hiệu Miss Cantho, Gentraco đã tiếp cận hệ thống siêu thị ở Hồng Công, Xin-ga-po... cũng như được giới thiệu và mở gian hàng trưng bày sản phẩm tại các hội chợ ngành gạo quốc tế… Việc đăng ký sở hữu nhãn hiệu cho nhãn hàng cũng đã được thực hiện từ những năm 1990 tại Ô-xtrây-li-a, Mỹ, Hồng Công, Xin-ga-po. Ðây sẽ là tiền đề để gạo Gentraco từng bước thâm nhập vào các thị trường này.

Có ý kiến cho rằng, xây dựng thương hiệu gạo Việt là giải pháp cạnh tranh hiệu quả trong bối cảnh các nước chỉ chấp nhận hình thức sản xuất lúa gạo hiện đại và khoa học. Ðiều đó đồng nghĩa, muốn xây dựng thương hiệu gạo Việt phải có chiến lược gắn với kết cấu hạ tầng. Hạ tầng ở đây chính là: DN phải cung cấp giống xác nhận cho nông dân (đầu vào); hướng dẫn họ sản xuất theo quy trình an toàn, chất lượng phù hợp với thị trường; gắn với kiểm soát đầu ra… Do vậy xây dựng thương hiệu cho gạo Việt hiện nay rất cần những cách làm thiết thực như tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư cho gạo thơm dòng ST và cách làm nhãn hiệu như Công ty CP Gentraco.

Theo ND

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang