An ninh tài chính- vấn đề sống còn với mỗi quốc gia, doanh nghiệp

An ninh tài chính- vấn đề sống còn với mỗi quốc gia, doanh nghiệp

Đây là quan điểm được các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính chia sẻ trong khuôn khổ Diễn đàn “An ninh tài chính và Cạnh tranh doanh nghiệp” diễn ra sáng ngày 25/7, tại Hà Nội.


Diễn đàn “An ninh tài chính và Cạnh tranh doanh nghiệp” 

Diễn đàn “An ninh tài chính và Cạnh tranh doanh nghiệp” được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với Cục An ninh tài chính tiền tệ và đầu tư.

Với mục tiêu có được những đánh giá khách quan và đưa ra được các giải pháp đảm bảo an ninh tài chính doanh nghiệp, các chuyên gia tham dự diễn đàn đã tập trung thảo luận các vấn đề: Chính sách ổn định tài chính tiền tệ cho doanh nghiệp; Tài chính tiền tệ Việt Nam: Rủi ro và giải pháp; Nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp dựa trên tiếp cận tài chính bền vững; Tài chính cạnh tranh trong thế giới biến đổi; Quản trị rủi ro tài chính trong các doanh nghiệp Việt Nam.

Bàn về vấn đề an ninh tài chính hoạt động ngân hàng, theo tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Việt Nam là nước đang chuyển sang nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN. Do đó, việc đảm bảo an ninh tài chính càng có ý nghĩa quan trọng, là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế với tốc độ cao và ổn định.

Tiến sĩ Ánh nhận định, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam hiện nay đang trong quá trình chuyển đổi hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN với tiềm lực tài chính còn mỏng và trình độ thấp nên đồng thời tồn tại nhiều thuận lợi cũng như thách thức, trở ngại đối với việc đảm bảo an ninh tài chính trong hoạt động của các TCTD.

“Muốn đảm bảo an ninh tài chính của các TCTD, cần theo dõi sát sao các chỉ tiêu phản ánh mức độ an ninh tài chính của từng ngân hàng và toàn bộ hệ thống ngân hàng, có những biện pháp ứng phó kịp thời đối với những thay đổi đe dọa làm mất an ninh tài chính nhằm giữ cho trạng thái tài chính của ngân hàng (hệ thống ngân hàng) luôn luôn ổn định, an toàn và vững mạnh, ngăn ngừa có hiệu quả khủng hoảng tài chính tiền tệ”- tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho biết.

Về vấn đề quản trị rủi ro tài chính trong các doanh nghiệp Việt Nam, tiến sĩ Phạm Tuấn Anh (Đại học Thương mại) chỉ ra rằng, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang phải đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro phá sản, rủi ro lãi suất, rủi ro hối đoái và rủi ro tín dụng.

Theo tiến sĩ Phạm Tuấn Anh, năm 2016, có 105 doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam, trong đó, có 81 % doanh nghiệp thường xuyên nhận diện các rủi ro tài chính, 22% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của tư vấn để nhận diện rủi ro, đồng thời phần lớn doanh nghiệp nhận diện rủi ro thông qua phân tích các chỉ tiêu tài chính căn bản.

Tuy vậy, các hình thức nhận diện rủi ro tài chính ở Việt Nam còn khá đơn giản và mang tính hình thức, nhiều doanh nghiệp ở các ngành, lĩnh vực khác nhau nhưng cách thức, kỹ thuật nhận dạng rủi ro tài chính lại không có nhiều khác biệt.

Theo Công Thương

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang