Bánh kẹo Việt cạnh tranh thị trường Tết cùng hàng ngoại nhập

Bánh kẹo Việt cạnh tranh thị trường Tết cùng hàng ngoại nhập

Thị trường bánh kẹo Tết năm nay khá phong phú và đa dạng về chủng loại, đặc biệt còn chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các dòng sản phẩm bánh kẹo nội địa và bánh kẹo ngoại nhập.


Sức mua tăng mạnh

Thị trường Tết những năm trước đây, bánh kẹo nội luôn giành vị trí “quán quân”, thế nhưng một vài năm trở lại đây, thị phần của bánh kẹo đang được chia sẻ khá nhiều cho các thương hiệu bánh kẹo ngoại nhập. Bánh kẹo ngoại ồ ạt chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt dịp cuối năm khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao.

080218banhkeo-2w.jpg
Thị trường bánh kẹo Tết đang bước vào thời gian cao điểm phục vụ người tiêu dùng.

Ghi nhận của phóng viên, tại các siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, bánh kẹo ngoại rất đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại. Kệ trưng bày bánh kẹo ngoại nhập ngày càng tăng nhanh về số lượng và diện tích tại các kệ hàng trong siêu thị. Với việc gia nhập thị trường chung ASEAN, thuế nhập khẩu của mặt hàng này bằng 0, vì vậy thị trường Việt Nam liên tục đón nhận hàng loạt các thương hiệu, sản phẩm bánh kẹo nổi tiếng đến từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia... và cả các thương hiệu đến từ châu Âu.

Với lợi thế về công nghệ, kinh nghiệm quản lý, thâm nhập thị trường... năm nay doanh nghiệp ngoại cho xuất xưởng nhiều dòng sản phẩm cao cấp, chất lượng tại thị trường Việt Nam.

Chị Xuân Ngọc, tiểu thương kinh doanh tại Chợ Lớn (quận 5) cho biết, so với hàng nội địa, bánh kẹo nhập khẩu tại một số thị trường như Malaysia, Indonesia, Thái Lan có mức giá rẻ hơn; đặc biệt bánh kẹo nhập từ Thái Lan có chất lượng tốt, chủng loại đa dạng và giá cả phải chăng hơn so với hàng nội địa nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

“Hiện sức mua bánh kẹo ngoại nhập và bánh kẹo nội địa gần như ngang nhau, tăng khoảng 10 - 20% so với năm ngoái. Mỗi ngày cửa hàng của chị bán buôn ra khoảng 300 - 500kg bánh kẹo các loại cho tiểu thương ở các tỉnh lân cận thành phố nhập hàng về bán lẻ. Giá các sản phẩm bánh kẹo nội và ngoại năm nay cũng không tăng so với năm ngoái”, chị Xuân Ngọc cho biết.

Theo báo cáo được công bố bởi Nielsen (công ty thông tin và đo lường toàn cầu), chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt đạt mức điểm cao nhất trong 5 năm qua. Một điểm đáng lưu ý, thời gian qua, có khoảng 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho dòng sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng về an toàn, chất lượng, bảo vệ sức khỏe người sử dụng, đặc biệt là dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống của người dân.

Thay đổi để cạnh tranh

Không thể yếu thế trước sự ồ ạt thâm nhập thị trường Tết 2018 của bánh kẹo ngoại nhập, bánh kẹo “made in Vietnam” năm nay cũng đua nhau “chào hàng” các sản phẩm mới. Chẳng hạn như dòng hộp thiếc có Korento, Salvia, Cananga; bánh quy bơ, bánh kem, sữa, chocolate… Nhằm phong phú hơn cho sản phẩm nội, nhiều thương hiệu bánh kẹo trong nước như Bibica, Hải Hà, Kido… tung ra nhiều sản phẩm mới như kẹo mềm ngũ quả, phúc lộc thọ, phát tài, phát lộc với ý nghĩa mang đậm chất truyền thống, có ý nghĩa sum họp, đoàn viên gia đình dịp Tết.

080217banhkeo-3w.jpg

 

Người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm bánh kẹo chất lượng tốt khi hàng ngoại cạnh tranh với hàng nội.

Nói về thị trường bánh kẹo Tết năm nay, đại diện các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo nội nhấn mạnh, thị trường bánh kẹo đang có sự “so găng” gay gắt giữa sản phẩm nội và ngoại nhập. Mong muốn giành thị phần, bánh kẹo trong nước đang và sẽ nỗ lực hơn nữa để phát triển. Hiện nay, bánh kẹo Việt cải tiến đáng kể về chất lượng do ứng dụng dây chuyền sản xuất hiện đại, bao bì được thay mới không kém các sản phẩm ngoại nhập để hướng đến sự lựa chọn của người tiêu dùng Việt.

Mặc dù doanh nghiệp đánh giá cao sản phẩm làm ra, tuy nhiên người tiêu dùng trong nước lại cho rằng, bánh kẹo trong nước chất lượng đã cải tiến tốt hơn nhưng không phong phú về chủng loại, các sản phẩm hàng Tết năm nay vẫn là những loại bánh kẹo trước kia. Đặc biệt, bao bì chưa thật sự bắt mắt và sang trọng. Đây chính là một trong những lý do bánh kẹo Việt đang bị giảm điểm trong mắt người tiêu dùng. 

Theo kết quả nghiên cứu của Công ty khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI), doanh thu ngành bánh kẹo Việt năm 2013 đạt 26.000 tỉ đồng, năm 2014 hơn 27.000 tỉ đồng và dự báo đến năm 2018 doanh thu thị trường bánh kẹo đạt khoảng 40.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng của mặt hàng này, thị phần bánh kẹo Việt đang teo tóp dần bởi sự lấn sân của các loại bánh kẹo ngoại nhập.

Nhận định thị trường bánh kẹo phục vụ Tết Nguyên đán 2018, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho biết dịp Tết 2018, các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo trong nước cam kết thực hiện đúng kế hoạch và đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Theo đó, dự báo nhu cầu tiêu thụ bánh kẹo trong dịp Tết Nguyên đán năm nay của TP Hồ Chí Minh khoảng 18.000 tấn. 

“Thời điểm này đang là cao điểm của mùa mua sắm bánh kẹo Tết, để đảm bảo ổn định thị trường, các đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá và chất lượng của sản phẩm khi bày bán trên thị trường nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng”, bà Trang cho biết.

Theo Báo Tin tức

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang