Hiệu quả thiết thực của phong trào này đến từ những hành động nhỏ nhưng mang lại lợi ích rất lớn trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường ở vùng ven đô thị và nông thôn.
Túi ni lông là vật dụng quen thuộc được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày, vì tính tiện lợi cũng như giá cả. Tuy nhiên, túi ni lông lại tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, bởi rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Năm 2015, phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà xây dựng mô hình “Phụ nữ hạn chế túi ni lông khi đi chợ” nhằm vận động hội viên phụ nữ không sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt hàng ngày.
Đi chợ bằng giỏ nhựa đã trở thành thói quen hàng ngày của nhiều hội viên phụ nữ. Ảnh: baothuathienhue.vn
Đến nay, hình ảnh những người phụ nữ xách giỏ đi chợ, mua đồ ăn sáng bằng cặp lồng, đựng thực phẩm tươi sống bằng hộp nhựa, gói rau, củ, quả bằng giấy báo… đã trở nên quen thuộc đối với người dân nơi đây.
Chị Lê Thị Hoa, phường Hương Chữ chia sẻ, mỗi ngày đi chợ, gia đình chị sử dụng hơn 10 chiếc túi ni lông, sau sử dụng đem đốt gây ô nhiềm môi trường. Giờ sử dụng giỏ nhựa và hộp nhựa để đi chợ, lượng rác giảm đi nhiều, nhất là túi ni lông. Bởi vậy, chị và hội viên phụ nữ ở phường rất đồng tình ủng hộ mô hình này.
Ngoài phường Hương Chữ, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ thị xã Hương Trà còn xây dựng nhiều mô hình hạn chế sử dụng túi ni lông, tặng hơn 3.000 chiếc giỏ nhựa cho hội viên. Các cơ sở hội còn xây dựng quy chế sử dụng giỏ và hộp nhựa khi đi chợ, trên tinh thần giám sát lẫn nhau, có khen thưởng và xử phạt... góp phần tạo chuyển biến lớn trong nhận thức của từng hội viên và gia đình.
Trong đó, phải kể đến mô hình “Bảo vệ môi trường xanh vì nếp sống văn minh đô thị” ở phường Hương Văn; mô hình đội thu gom rác để xây dựng nguồn quỹ hội ở các xã: Hương Phong, Hải Dương, Hồng Tiến... trung bình mỗi năm xây dựng được nguồn quỹ trên 10 triệu đồng. Ngoài ra, Hội Phụ nữ các xã, phường còn tận dụng nguồn rác tái chế thu gom bán phế liệu để xây dựng nguồn quỹ cho “Học sinh nghèo hiếu học”.
Đến nay, 9/16 đơn vị đã thực hiện. Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Hương Thủy đã xây dựng mô hình “Phụ nữ sử dụng giỏ nhựa đi chợ, hạn chế sử dụng túi ni lông” gắn với “Tiết kiệm xanh”. Hội Phụ nữ Hương Thủy đã vận động hội viên phân loại rác thải ngay tại gia đình, gom góp phế liệu, cứ hơn một tháng có đội thu gom đến từng nhà để chở bán phế liệu, bán lấy tiền gây quỹ giúp đỡ người nghèo.
Mô hình đã hình thành được ý thức bảo vệ môi trường cho hội viên, đồng thời giúp đỡ nhiều chị có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các hộ phụ nữ nghèo đơn thân. Chị Nguyễn Thị Hằng, xã Thủy Tân, thị xã Hương Thủy cho biết, trong sinh hoạt hằng ngày, gia đình nào cũng sử dụng túi ni lông, vỏ nhựa, chai nhựa…sau sử dụng, nhiều người đem vứt bừa bãi, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường.
Khi Hội vận động tham gia mô hình “Tiết kiệm xanh”, tôi cùng các chị em trong xã, thu gom phế liệu đem bán rồi bỏ vào heo đất tiết kiệm của chi hội, đến cuối năm tổng kết, lấy số tiền đó để hỗ trợ cho những gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ đó, nhiều chị vơi bớt phần khó khăn và có nguồn vốn ban đầu để sản xuất. “Tiết kiệm xanh” là một mô hình hiệu quả trong phong trào thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững ở Hương Thủy.
Đồng hành cùng với mô hình “Tiết kiệm xanh” còn có các mô hình tiết kiệm tự nguyện, tiết kiệm heo đất, ... đã huy động được hơn 4,2 tỷ đồng giúp trên 3.200 phụ nữ nghèo. Ngoài ra, để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho hội viên, Hội Phụ nữ Hương Thủy còn triển khai các mô hình hiệu quả khác như: “Không đốt vàng mã nơi công cộng”, “Phụ nữ đảm nhận các đoạn đường tự quản, đoạn đường văn minh”, “Con đường phụ nữ xanh - sạch - đẹp”…
Từ thực tế của địa phương, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai nhiều mô hình hạn chế túi ni lông phù hợp góp phần bảo vệ môi trường. Điển hình như mô hình "Đi chợ cùng làn nhựa", “Phụ nữ hạn chế túi ni lông khi đi chợ”, Câu lạc bộ Phụ nữ “nói không với túi ni lông”, “Dùng giỏ nhựa đi chợ, hạn chế sử dụng túi ni lông”, Thu gom, phân loại rác thải"; “Bảo vệ môi trường xanh vì nếp sống văn minh đô thị"... Hiện nay, các mô hình hạn chế sử dụng túi ni lông đã được triển khai nhân rộng tới các hội cơ sở.
Để mô hình hoạt động hiệu quả, các cấp hội đã huy động các nguồn, mua hàng ngàn giỏ nhựa, hộp nhựa, túi thân thiện với môi trường để tặng hội viên; đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, bỏ dần thói quen hạn chế sử dụng túi ni lông, vận động từng hộ gia đình cam kết việc giữ gìn môi trường từ trong mỗi gia đình, phát động làm vệ sinh khơi thông cống rãnh, xử lý rác thải tại các chợ...
Bà Ngô Phương Anh, Trưởng Ban Gia đình xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thừa Thiên - Huế cho biết, với nỗ lực của các cấp Hội, nhiều mô hình hạn chế sử dụng túi ni lông đã phát huy hiệu quả, điển hình là ở thị xã Hương Trà, Hương Thủy, huyện Quảng Điền...
Thời gian tới, Hội Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các cấp hội tiếp tục duy trì và nhân rộng cách làm hay, mô hình hiệu quả tới các chi, tổ, hội ở 152 xã phường trên địa bàn; biểu dương cá nhân điển hình thực hiện tốt, để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Theo TTXVN
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI