Brexit: Hồi kết của cuộc "hôn nhân" thực dụng

Brexit: Hồi kết của cuộc "hôn nhân" thực dụng

Anh đã chính thức khởi động tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là vấn đề Brexit, đồng thời nhấn mạnh “không có đường lùi”, song các đối tác châu Âu nhanh chóng cảnh báo rằng chặng đường phía trước sẽ rất nhiều thử thách.


Anh chính thức khởi động tiến trình rời khỏi EU

Chín tháng sau cuộc trưng cầu ý dân lịch sử dẫn tới quyết định Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May đã gửi thông báo chính thức tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk về ý định rời khỏi liên minh gồm 28 thành viên này. Quyết định trên của Anh, một điều chưa từng có tiền lệ, được đưa ra chỉ vài ngày sau khi EU kỷ niệm 60 năm thành lập, đã khiến nước Anh thêm chia rẽ và đặt dấu hỏi lớn cho tương lai của liên minh còn lại 27 thành viên.

Theo giới phân tích, mối quan hệ giữa Anh và EU luôn chỉ ở dạng trao đổi, bởi vậy, cuộc chia ly này là điều “hoàn toàn hợp lẽ”. Giáo sư sử học đương đại Anh Pauline Schnapper, thuộc Đại học Sorbonne ở Paris, bình luận: “Ngay từ 1973, đây đã là một mối quan hệ thực dụng, với trọng tâm là kinh tế chứ không phải chính trị… Có thể nói sợi dây tình cảm gắn kết giữa họ hoàn toàn là không có”. Do đó, giống nhiều cuộc chia ly khác, tiến trình đàm phán giữa Anh và EU có thể nhanh chóng trở thành các cuộc tranh cãi gay gắt xung quanh vấn đề tiền bạc.

Trên thực tế, những tháng đầu tiên trong tiến trình đàm phán là giai đoạn vô cùng quan trọng đối với cả hai bên, vì đó là thời gian để hai bên xác lập những nguyên tắc căn bản cho tiến trình đàm phán. Hiện cả Anh và EU đều thể hiện quan điểm không muốn thỏa hiệp với nhau. Phía EU đưa ra điều kiện Anh phải đồng ý "các nguyên tắc rút khỏi EU một cách trình tự" trước khi nói đến đàm phán thương mại. Cụ thể là Anh cần phải đồng ý về nghĩa vụ đóng góp tài chính của mình cũng như làm rõ quyền của 4 triệu dân nhập cư, gồm công dân EU tại Anh và công dân Anh tại EU. Người đứng đầu phái đoàn đàm phán của EU Michel Barnier cho rằng quan hệ đối tác mới Anh-EU cần có thời gian và các thỏa thuận về thời kỳ chuyển đổi là cần thiết. Tuy nhiên, ông Barnier yêu cầu trong thời kỳ này, những biện pháp được áp dụng sẽ vẫn nằm trong khuôn khổ luật pháp của EU và Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (ECJ). Tức là Anh sẽ vẫn phải tuân theo luật pháp EU và chịu quyền phán quyết của ECJ.

Trong khi đó, chính quyền Anh muốn tiến hành song song cả thủ tục cho “cuộc ly dị” lẫn thương lượng về quan hệ đối tác mới trong tương lai, trong đó một hiệp định tự do thương mại "tham vọng và can đảm" của bà May là mục tiêu chủ chốt của London. Quan điểm rõ ràng của Thủ tướng Theresa May là "không đạt được thỏa thuận còn hơn là đạt được một thỏa thuận tồi". Phía Anh muốn bỏ ngay một số quy định hiện hành của EU mà London cho rằng gây cản trở kinh tế Anh ngay sau khi kết thúc tiến trình đàm phán vào 3/2019, chứ không phải đợi đến khi kết thúc thời kỳ chuyển đổi. Hiện chưa thể biết thời kỳ chuyển đổi sẽ kéo dài trong bao lâu.

Trước các cuộc đàm phán mang tính quyết định vận mệnh, hướng đi trong tương lai của cả hai bên, bên nào cũng muốn thế hiện thái độ cứng rắn, nhưng trong thâm tâm cả hai bên đều hiểu rõ họ có quá nhiều quyền lợi chung, nếu tiến trình đàm phán rơi vào bế tắc thì cả hai đều thua thiệt, nên có thể mô tả tâm trạng của cả hai lúc này là "yêu ghét lẫn lộn". Mục tiêu cuối cùng mà cả hai bên hướng đến sẽ vẫn là một hiệp định tự do thương mại giúp hai nền kinh tế gắn kết sâu rộng nhất có thể.

Hai năm tới sẽ là thời gian thử thách lòng kiên nhẫn, thiện chí của cả Anh và EU để có thể xác lập được mối quan hệ đối tác mới, đem lại phồn vinh cho cả hai bên. Mấu chốt quan trọng nhất của tiến trình đàm phán là việc hai bên có đạt được hiệp định tự do thương mại đầy tham vọng như Thủ tướng Theresa May kêu gọi hay không. Nhiều nhà phân tích cho rằng đến cuối tháng 4, khi EU đưa ra những thứ tự ưu tiên và vạch ra những “ranh giới đỏ" trong tiến trình đàm phán, cũng chính là sẽ báo hiệu tính phức tạp, cam go của tiến trình này, cũng như báo hiệu chiều hướng quan hệ Anh-EU. Điều này cũng sẽ tác động vô cùng to lớn đến các chiến lược hợp tác song phương trong thời kỳ mới, cũng như chiến lược của Anh thời hậu Brexit. 

Theo Hải Quan

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang