Các làng nghề chưa "mặn mà" xây dựng thương hiệu
Các làng nghề chưa "mặn mà" xây dựng thương hiệu
Hiện nay, các làng nghề chưa mặn mà với việc xây dựng thương hiệu dẫn đến khó khăn trong việc trong tìm kiếm thị trường, tăng giá trị sản xuất.
Hiện nay, các làng nghề chưa mặn mà với việc xây dựng thương hiệu dẫn đến khó khăn trong việc trong tìm kiếm thị trường, tăng giá trị sản xuất.
Những năm gần đây, các làng nghề truyền thống ở Vĩnh Phúc đang được khôi phục và phát triển đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, các làng nghề chưa mặn mà với việc xây dựng thương hiệu dẫn đến khó khăn trong việc trong tìm kiếm thị trường, tăng giá trị sản xuất.
Làng mộc An Tường nổi tiếng về kỹ thuật làm đồ gỗ tinh xảo như bàn ghế, sập gụ, tủ chè, đồ thờ cúng hay nội thất… Ảnh: TTXVN
Làng nghề mộc xã An Tường, huyện Vĩnh Tường có tuổi đời hàng trăm năm và được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận làng nghề truyền thống vào năm 2006. Làng mộc An Tường nổi tiếng về kỹ thuật làm đồ gỗ tinh xảo như bàn ghế, sập gụ, tủ chè, đồ thờ cúng hay nội thất… được đông đảo khách hàng trong, ngoài tỉnh đánh giá cao.
Xã An Tường có trên 1.000 hộ dân, thì có tới 70% số hộ làm nghề mộc; trong đó, có tới 1/3 số hộ làm nghề mộc chuyên nghiệp. Doanh thu hàng năm của làng nghề chiếm gần 60% tổng thu nhập của cả xã, số hộ khá, giàu chiếm trên 70%.
Phát triển làng nghề mộc An Tường đã giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 2.000 lao động chính và hàng trăm lao động nông nhàn của địa phương cũng như của một số xã lân cận, với mức thu nhập trung bình từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, có một thực tế, các sản phẩm của làng nghề mộc An Tường làm ra không hề thua kém về mẫu mã, chất lượng so với các làng mộc có thương hiệu như Đồng Kỵ ở Bắc Ninh, Vạn Điểm ở Thường Tín…Song, giá bán trên thị trường chỉ bằng 70 - 80% so với sản phẩm cùng loại của các làng mộc nổi tiếng.
Theo ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã An Tường, hiện nay, sản phẩm mộc của làng nghề An Tường chưa xây dựng được thương hiệu nên chưa tìm được chỗ đứng ổn định. Việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm mất nhiều chi phí nên người làm nghề chưa mặn mà đầu tư. Bên cạnh đó, làng nghề chưa xây dựng được khu sản xuất tập trung, sản xuất còn khá manh mún, nhỏ lẻ theo hộ gia đình.
Cũng tại làng nghề mây tre đan xã Cao Phong, huyện Lập Thạch, nơi đây được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2009. Làng nghề tạo việc làm thường xuyên cho gần 1.000 lao động, với mức thu nhập từ 3 – 4 triệu đồng/tháng.
Các sản phẩm mây tre đan của làng nghề được tiêu thụ chủ yếu đi các tỉnh miền Bắc như: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam… Nhiều sản phẩm mỹ nghệ trang trí có giá trị kinh tế cao xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và các nước Đông Âu.
Tuy nhiên, các sản phẩm mây tre đan ở Cao Phong mới dừng lại ở dạng sơ chế và sơ chế, gia công đan phần thô cho một đơn vị đầu mối, sản phẩm chưa xuất khẩu trực tiếp đi nước ngoài nên không có được thương hiệu riêng, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Ông Khổng Trọng Tăng, phụ trách làng nghề mây tre đan Cao Phong chia sẻ, hiện nay, toàn bộ các khâu trong làm mây tre đan truyền thống ở địa phương vẫn được làm thủ công bằng tay, hoặc máy sơ chế mây đơn giản nên năng suất lao động không cao, chất lượng sản phẩm cũng không được đảm bảo, chưa đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm mây tre khác trên thị trường. Việc đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất còn hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đủ giá trị xuất khẩu.
Các sản phẩm mây tre đan ở Cao Phong mới dừng lại ở dạng sơ chế và sơ chế, gia công đan phần thô cho một đơn vị đầu mối. Ảnh: TTXVN
Theo thống kê, tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 24 làng nghề được tỉnh công nhận; trong đó, có 19 làng nghề truyền thống, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất chủ yếu gồm: nghề mộc, gốm, đan lát mây tre, rèn, chế biến nông lâm sản... Các làng nghề đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho lao động nông nghiệp, nông thôn, tạo công ăn việc làm cho lao động nông nhàn.
Tuy nhiên, hiện nay, việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu chỉ mới đếm được trên đầu ngón tay. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tuy đã xây dựng được thương hiệu nhưng chưa có chiến lược quảng bá, nên sản phẩm chưa tìm được chỗ đứng ổn định với người tiêu dùng.
Bởi vậy, có nhiều mặt hàng giá trị nhưng đang bán trên thị trường trôi nổi hoặc xuất khẩu qua khâu trung gian, phải mang một thương hiệu khác nên nhìn chung giá trị sản phẩm thu về cho làng nghề thấp.
Để thúc đẩy các làng nghề phát triển bền vững, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện Chương trình khuyến công giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, mỗi đơn vị sẽ được hỗ trợ 11 triệu đồng/thương hiệu, nhằm khuyến khích việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp nông thôn nói chung và sản phẩm tập thể nói riêng.
Từ sự hỗ trợ đó, sản phẩm tương Khả Do, xã Nam Viêm (thành phố Phúc Yên) và sản phẩm Đậu Rùa tại xã Tuân Chính (huyện Vĩnh Tường) đã được công nhận thương hiệu sản phẩm. Việc xây dựng thương hiệu đã góp phần giải quyết hiệu quả việc tiêu thụ sản phẩm và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện hỗ trợ đào tạo thợ lành nghề, truyền nghề, chuyển đổi mặt hàng sản xuất, từ sản xuất những sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước sang những sản phẩm để xuất khẩu.
Đồng thời, xây dựng các doanh nghiệp ngay trong những làng, xã có nghề truyền thống, coi đây là hạt nhân quan trọng cùng với chính sách khuyến công trở thành tiền đề cho làng nghề phát triển bền vững./.
Theo TTXVN
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI