Cần thay đổi tư duy về chống hàng giả, hàng nhái

Cần thay đổi tư duy về chống hàng giả, hàng nhái

Câu chuyện chống hàng giả hàng nhái, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam không mới nhưng là một câu chuyện nóng, một cuộc chiến dài. Vấn đề không chỉ đơn thuần là hàng thật - hàng giả, mà là cách thức làm ăn của doanh nghiệp (DN) và nhận thức của người tiêu dùng. 


Ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh tại hội thảo "Chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”, tổ chức ngày 6/6.

"Chúng ta đều thấy, hiện hàng Việt Nam tham gia khá nhiều công ước về sở hữu trí tuệ, song lại đứng vị trí "bét" nhất trong việc thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đây cũng là điều rất đáng lo ngại bởi một số hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới mà chúng ta tham gia ký kết, ví như FTA Việt Nam - EU hay CPTPP có cam kết về sở hữu trí tuệ rất cao. Nếu chúng ta "chơi" không nghiêm túc thì sẽ thua" - ông Thành phân tích.

Theo ông Thành, vẫn còn nhiều DN có tư tưởng và cách thức làm ăn chộp giật, chỉ tính đến lợi nhuận tức thì, sẵn sàng bất chấp quy định. Thực tế cho thấy, vi phạm ngày càng phức tạp, ngày càng tăng, tinh vi, phức tạp.

Còn theo ông Nguyễn Phương Minh, Phó phòng Thực thi giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), theo khảo sát, có một số chủ DN e ngại đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, chấp nhận sống chung với hàng giả. Thậm chí, khi xảy ra sự vụ về sở hữu trí tuệ, cơ quan chức năng mời DN hợp tác xử lý, đến để xác minh sản phẩm thì có rất ít DN hợp tác.

hang gia

Hàng tiêu dùng  - một trong những mặt hàng được làm giả nhiều nhất. Ảnh: T.U

"Hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái chỉ xử phạt vài triệu, vài chục triệu đồng - khoản tiền không thấm tháp gì so với lợi nhuận kiếm được thì cứ xử phạt xong, người vi phạm lại tiếp tục sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái" - ông Nguyễn Quốc Thịnh - Trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu (Đại học Thương mại) cho biết.Một trong những vướng mắc lớn trong công tác chống hàng giả, hàng nhái là chế tài chưa đủ mạnh, khung khổ pháp luật còn hạn chế.

Ở một khía cạnh khác, ông Thịnh cho biết, một số định nghĩa, quy định về hàng giả, hàng nhái chưa chuẩn xác, gây khó hiểu hoặc hiểu nhầm. Ví dụ như, Nghị định 185/2013/NĐ-CP đưa ra định nghĩa về hàng giả chỉ mang tính liệt kê và chưa đủ.

Bàn về giải pháp chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm thương hiệu, các chuyên gia cho rằng, quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy của cơ quan quản lý, các bộ phận chức năng và cộng đồng DN cũng như người tiêu dùng.

"Không thay đổi tư duy thì sẽ không chống được hàng giả. Bởi phải thay đổi tư duy trước rồi mới dẫn dến hành động thay đổi. Cách làm chỉ là một phần, tư duy mới quan trọng" -  ông Thịnh phân tích. 

Theo TBTC

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang