Nói Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới là có căn cứ. Bởi theo thống kê năm 2014 xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 4 tỷ USD, đưa tôm trở thành sản phẩm chiến lược của ngành nông nghiệp VN. Đến năm 2015 đạt 2,95 tỷ USD, năm 2016 tôm Việt đã xuất khẩu sang 90 thị trường, đạt kim ngạch trên 3,1 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2015. Sản xuất và xuất khẩu tôm liên tục phát triển trong nhiều năm qua đã tạo vị thế đáng kể trong ngành tôm toàn cầu. Việt Nam hiện đứng thứ 3 về sản xuất tôm trên thế giới, sau Trung Quốc và Indonesia.
Ảnh minh họa internet
Chúng ta có nền tảng cho công nghiệp tôm là hơn 2 triệu người làm việc liên quan tới lĩnh vực này, cùng với đó diện tích nước ngập mặn đang ngày càng tăng giúp diện tích nuôi tôm tăng lên và tạo điều kiện thuận lợi cho tôm phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang có những hiệp định song phương và đa phương với nhiều quốc gia, do đó việc mở rộng thị trường rất thuận lợi. Đặc biệt, ngành tôm Việt hiện đang chủ động được tốt nhất về giống và thức ăn cho tôm. Do đó việc nâng cao xuất khẩu tạo giá trị kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025 là rất lạc quan.
Tuy nhiên, nền tảng là vậy, nhưng để thực hiện được mục tiêu nêu trên, Chính phủ cần tiến hành nhiều biện pháp hỗ trợ, những giải pháp mà người dân không tự làm được. Thứ nhất về đầu tư hạ tầng cho ngành tôm. Tương tự như trước đây, để đưa Việt Nam từ nước thiếu hụt gạo trầm trọng trở thành nước XK gạo hàng đầu thế giới, Nhà nước đã chú trọng vào đầu tư hệ thống kênh mương, đê điều hỗ trợ cho sản xuất lúa gạo. Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển công nghệ. Làm nông nghiệp bây giờ phải theo hướng công nghiệp, làm nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ hai, hoàn thiện các giải pháp quản lý Nhà nước về phát triển ngành tôm với những chính sách ưu đãi phù hợp.
Thứ ba, tôi đề xuất Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp lớn xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam. Bởi hiện nay, Việt Nam tuy là quốc gia xuất khẩu tôm đứng thứ 3 thế giới nhưng chưa có thương hiệu tôm Việt Nam nào cụ thể được thế giới biết đến. Do đó, để phát triển mạnh mẽ và bền vững ngành tôm cần có những thương hiệu quốc gia, tương tự như thương hiệu Boeing của Mỹ hay như các thương hiệu ngân hàng của Singapore như Ngân hàng OCBC, United Overseas Bank Ltd. (UOB) và DBS Group Holdings Ltd. (DBS)…
Theo Tony Đặng Quốc Tuấn - Phó Chủ Tịch HĐQT kiêm Phó TGĐ Điều HànhTập đoàn Việt- Úc/ Báo Diễn đàn Doanh nghiệp
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI