Phát triển như “vũ bão”
Sau một thời gian tìm hiểu thị trường và thị hiếu tiêu dùng Việt Nam, vào trung tuần tháng 1-2018 vừa qua, Công ty TNHH GS25 Việt Nam (liên doanh giữa Tập đoàn GS Retail Hàn Quốc và Tập đoàn Sơn Kim Land) đã khai trương cửa hàng tiện lợi GS25 đầu tiên tại TPHCM. Tính đến nay, liên doanh này đã khai trương liên tiếp 5 điểm bán, đều ở vị trí đắc địa của TPHCM.
Mua hàng tại cửa hàng tiện lợi Vissan
Ông Yun Ju Young, Giám đốc điều hành GS25 Việt Nam, cho biết mỗi cửa hàng GS25 có diện tích bình quân 130m2, kinh doanh khoảng 1.600 mặt hàng, từ hàng, thực phẩm chế biến sẵn, hàng tiêu dùng; trong đó cơ cấu 30% là hàng Hàn Quốc, 60% hàng Việt Nam và phần còn lại là sản phẩm đến từ các quốc gia khác. GS25 hướng đến nhóm khách hàng trẻ, bận rộn và cần những dịch vụ nhanh gọn, chuẩn mực và tiện lợi như có thể rút tiền, thanh toán các dịch vụ khác. Hiện GS25 cũng đã đầu tư một nhà máy chuyên sản xuất thực phẩm tại Long An, có thể cung cấp 20.000 sản phẩm thức ăn nhanh cho chuỗi cửa hàng tại Việt Nam
Trước đó, tháng 6-2017, thương hiệu nổi tiếng là 7-Eleven (Mỹ) mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, lập tức tạo thành một cơn sốt bởi dòng người phải xếp hàng rồng rắn vào mua hàng hóa. Chỉ sau một thời gian ngắn, thương hiệu này đã phát triển chuỗi hơn 10 cửa hàng tại các quận 1, 2, 7, Bình Thạnh và các khu văn phòng, địa điểm đông dân cư.
Sau quá trình tái cơ cấu năm 2015, một thương hiệu khác cũng đến từ Mỹ là Circle K đã tăng tốc đầu tư hệ thống và hiện đang sở hữu hơn 250 cửa hàng, tập trung chủ yếu tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và TPHCM. FamilyMart - hệ thống cửa hàng tiện lợi có quy mô đứng thứ 3 tại Nhật Bản (cùng với 7-Eleven và Lawson) - sau thời gian gặp khó tại Việt Nam cũng đã bắt đầu trở lại với hệ thống gần 140 cửa hàng tiện lợi, nhằm đón đầu xu hướng tiêu dùng đang thay đổi mạnh mẽ, nhất là trong giới trẻ tại Việt Nam. Trong khi đó, Shop&Go và B’s Mart là 2 thương hiệu có gần 300 điểm bán tại các tỉnh, thành cả nước.
Mua gà tại cửa hàng tiện lợi. Ảnh: Cao Thăng
Cùng đứng vào cuộc đua mở cửa hàng tiện lợi còn có các thương hiệu trong nước như Vinmart+, Co.op Food, Satrafood, Bách Hóa Xanh; trong đó cửa hàng Vinmart+ của Vingroup hiện chiếm con số áp đảo. Nếu năm 2015, Vinmart+ mới chỉ đạt 500 điểm bán thì hiện nay con số này đã lên đến 1.000. Saigon Co.op và Satra là chủ chuỗi Co.op Food và Satrafood lần lượt sở hữu gần 200 và 170 điểm bán…
Nhưng không dễ “ăn”!
Theo các chuyên gia, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại nhờ tiềm năng tăng trưởng ở mức rất cao. Nghiên cứu của hãng tư vấn A.T. Kearney cho thấy, năm 2017, Việt Nam xếp vị trí thứ 6 trong Chỉ số Phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI), trở thành 1 trong 6 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.
Một trong những lợi thế tại Việt Nam, là mật độ các cửa hàng tiện lợi trên dân số hiện hữu hiện vẫn còn rất ít và chưa được phân bố đồng đều ở các địa phương. Riêng tại TPHCM, tính đến cuối năm 2017 mới chỉ có hơn 1.100 cửa hàng tiện lợi, một tỷ lệ rất thấp so với quy mô một TP có tới 13 triệu dân. Mặt khác, cơ cấu dân số của Việt Nam đang trong thời hoàng kim, với 25% dân số trong độ tuổi 10 - 24 và độ tuổi trung bình của người Việt là 30, được đánh giá là lợi thế rất lớn cho xu hướng tiêu dùng hiện đại, cũng như thương mại điện tử.
Theo dự thảo Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (do Bộ Công thương xây dựng và trình Chính phủ ban hành), tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn từ nay đến năm 2020 đạt khoảng 13%/năm; giai đoạn 2021-2025 đạt 14%/năm; giai đoạn 2025-2035 đạt khoảng 14,5%/năm. Chính những lợi thế nêu trên đã thúc đẩy thị trường bán lẻ nói chung và phân khúc cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt, tạo nên một bộ mặt, một diện mạo khác hẳn của ngành thương mại.
Thống kê từ một số cơ quan chức năng cho thấy, trong lĩnh vực kinh doanh cửa hàng tiện lợi, hiện các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang chiếm hơn 70% thị phần cũng như doanh thu. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong vài năm tiếp theo.
Tuy nhiên, đi cùng với nó là một cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt giữa kinh doanh truyền thống và hiện đại, giữa sản phẩm trong nước và nước ngoài. Mặt khác, giá thuê mặt bằng cũng đã bị đẩy lên rất cao, tăng bình quân 300% - 400% so với 3 - 5 năm trước đây. Chủ một DN chuyên môi giới mặt bằng cho hay, các “ông lớn” của nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi đã đặt hàng những mặt bằng có vị trí và diện tích tốt như ngang tối thiểu 7 - 8m và dài 25 - 30m. Giá thuê thông thường ở khu vực Bình Thạnh, Gò Vấp bình quân là 40 triệu đồng/tháng, ở vị trí tốt có thể lên tới 90 - 100 triệu đồng/tháng.
“Các vị trí quan trọng hiện nay có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Do vậy, cuộc đua mở điểm bán hiện nay đang bộc lộ rõ bản chất của các DN “mạnh vì gạo”, sẽ không còn chỗ cho những DN yếu thế cũng như những bạn trẻ ôm mộng khởi nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ”, tổng giám đốc của một chuỗi cửa hàng tại TPHCM nhận xét.
Trên thực tế, hệ thống cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam đang đua nhau mọc lên nhưng rất hiếm hệ thống báo cáo có lãi, vì vẫn đang đua nhau đổ vào mặt bằng để nâng số lượng cửa hàng so với đối thủ. Nhiều thương hiệu cũng không còn ngại phải đứng gần nhau như trước đây.
Theo tính toán của đại diện Family Mart, để mở một cửa hàng tiện lợi mới tại TPHCM, trung bình DN này phải bỏ ra 100.000USD, tương đương hơn 2 tỷ đồng. Chi phí này cao hơn đến 20% so với mở tại Bangkok (Thái Lan), trong khi sức mua của người Việt kém người Thái 15%. Đây là một phần nguyên nhân khiến việc kinh doanh cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam của Family Mart vẫn chưa sinh lợi nhuận. Tại một số nhà bán lẻ hàng đầu trong nước, cho dù không nói ra nhưng họ đang chịu áp lực rất lớn từ việc lỗ dài hạn, thậm chí có cửa hàng phải bù lỗ lên đến hàng tỷ đồng.
Theo SGGP