CEO Viettel: “Công nghiệp 4.0 là dám làm ngược những gì đang làm”

CEO Viettel: “Công nghiệp 4.0 là dám làm ngược những gì đang làm”

"Nếu tìm từ tổng quát nhất có thể mô tả về cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, tôi dùng từ làm ngược những gì mà chúng ta đang làm, suy nghĩ ngược lại những gì mà chúng ta suy nghĩ. Điều này sẽ mang lại những kết quả bất ngờ, cơ hội tạo sự đột phá để phát triển".


Đó là chia sẻ của Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel tại Hội nghị Khoa học Đào tạo Nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0 diễn ra sáng nay (ngày 26/2). 

CEO Viettel: “Công nghiệp 4.0 là dám làm ngược những gì đang làm”

Tại Hội thảo này, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ về cách mà Viettel suy nghĩ về Cách mạng 4.0. Cách mạng là gì? Viettel nghĩ cách mạng là cái mới thay cái cũ, những doanh nghiệp mới sẽ thay thế doanh nghiệp cũ, đại học kiểu mới sẽ thay thế kiểu cũ.

"Mỗi một cuộc cách mạng sẽ tạo cơ hội cho một vài nước, nhiều là 5 quốc gia vươn lên trở thành nước phát triển. Đồng thời, tạo ra vài chục đại học bứt phá trở thành đại học hàng đầu", ông Hùng nêu quan điểm. 

Vị CEO của Viettel đặt vấn đề: "Nếu tìm từ tổng quát nhất có thể mô tả về Công nghiệp 4.0, tôi dùng từ chúng ta có dám làm ngược những gì đang làm, suy nghĩ ngược lại những gì mà chúng ta suy nghĩ. Làm ngược nhưng sẽ mang lại kết quả bất ngờ, cơ hội cho sự đột phá để vươn lên. Những quốc gia nghèo khó như Việt Nam khi xảy ra điểm gẫy này sẽ có cơ hội vươn lên". 

Theo đó, ông Hùng cho rằng những người đi sau phải có mong muốn không giống người đi trước. Nếu người đi sau vẫn làm theo người đi trước, chúng ta mãi tụt hậu phía sau. Công cụ 4.0 là hỗ trợ cho việc làm khác, gắn liền với từ phá huỷ, chúng ta hay gọi sáng tạo mang tính phá huỷ.

Để giải thích rõ về quan điểm này, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng đã kể lại câu chuyện của Viettel. Năm 2003, Viettel rất nhỏ bé, chỉ có 2,3 tỷ đồng tiền vốn, trong khi doanh nghiệp viễn thông khác có trong tay hạ tầng hàng chục năm, có vốn cả chục tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi ông Hùng sang Malaysia đem câu chuyện về khó khăn lớn nhất của Viettel là không có gì trong tay (tiền không, người không) này hỏi một vị Giáo sư của một trường đại học nổi tiếng của Malaysia. Ông Hùng đã bất ngờ với câu trả lời của vị giáo sư này là: "Không có gì là đang có nhiều thứ để thành công".

"Đó là cái khai sáng Viettel vào năm 2003. Đến giờ Viettel vẫn đi theo tôn chỉ này. Trước đây, chúng ta học trước làm sau, giờ làm trước, trải nghiệm trước sau đó mới học", vị CEO này tâm sự.

Vì vậy, người "thuyền trưởng" của Viettel đã nêu hàng loạt mệnh đề về trước đây và bây giờ gắn với Công nghiệp 4.0.

Ông Hùng nói, trước đây là ngôn ngữ giữa người với người, giờ phải biết ngôn ngữ người với máy móc. Trước đây, dạy học sinh thì giải quyết vấn đề là câu chuyện chính, giờ tìm ra vấn đề là quan trọng nhất. Trước đây, học làm cái đã học, làm cái đã làm; giờ học làm cái chưa ai làm. Trước đây, nghe theo, học thuộc; giờ cần gắn với tư duy phản biện. Trước đây, cạnh tranh làm giống người khác, làm tốt hơn; giờ cạnh tranh phấn đấu làm khác người khác, không trở thành họ.

"Trong Công nghiệp 4.0 cái mới sẽ thay cái cũ. Đi sau phải làm khác đi trước. Tận dụng Công nghiệp 4.0, công nghệ phải đi đầu, đi trước. Điều duy nhất không thay đổi là sự thay đổi. Chỉ những thứ không thể làm nhưng nếu cố gắng làm mới tạo ra con người xuất sắc nhất", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói. 

Luôn khiêm tốn và học hỏi

TS. Phan Xuân Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, chia sẻ, hiện nay bất cứ một câu chuyện nào không nhắc tới cụm từ cuộc Cách mạng 4.0 có lẽ người ta nghĩ rằng nhân vật này có vẻ lạc hậu. Ai ai cũng nói tới, cũng nhắc tới nhưng hỏi Cách mạng Công nghiệp 4.0 là gì, vì sao gọi là cuộc cách mạng thì vẫn còn rất chung chung.

Ông Dũng đánh giá, Việt Nam nói nhiều về Cách mạng 4.0, điều này là dễ hiểu vì không ai muốn mình tụt hậu, thua kém hơn người khác. Trên thế giới cũng vậy, không có nước nào muốn mình thua trong cuộc Cách mạng 4.0. 

Tuy nhiên, theo ông Dũng, Việt Nam khó đi đầu trong cuộc Cách mạng 4.0, bởi dẫn dắt trong cuộc cách mạng phải là người có công nghệ. "Tôi nói thế để chúng ta luôn luôn khiêm tốn và học hỏi", TS. Dũng chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Có thể thấy, tâm điểm của cuộc Cách mạng này chính là việc hình thành các nhà máy thông minh, nhà máy số. Trong các nhà máy đó, chúng ta sẽ không còn thấy các công nhân lao động với các thao tác đơn giản trên các dây chuyền sản xuất gia công, lắp ráp mà thay vào đó là các robot tiên tiến và máy móc điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo. 

"Rõ ràng, bài toán về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay đã có thêm những tiêu chí, điều kiện ràng buộc mới, hết sức khó khăn đòi hỏi sự đổi mới toàn diện trong công tác đào tạo", Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Vì vậy, các cơ sở đào tạo không thể vẫn sử dụng phương pháp cũ, thiếu tính tương tác, thiếu thực tiễn của mô hình sản xuất mới để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ Công nghiệp 4.0. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu và đào thải rất cao.

Dẫn lại bài học từ ý chí kiên cường thi đấu của đội tuyển bóng đá nam U23 Việt Nam tại Vòng Chung kết bóng đá U23 châu Á 2018, Bộ trưởng tin tưởng: "Niềm tin không phải chỉ là biến điểm bất lợi trở thành điểm lợi thế mà niềm tin dựa trên giá trị lịch sử, văn hoá tự cường dân tộc của chúng ta".

Theo Bizlive

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang