Đây cũng là nội dung chính được thảo luận tại Hội thảo thảo “Chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh” sáng 19/4 do Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công Thương phối hợp với Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức, nhằm tạo cơ hội thúc đẩy các thương hiệu Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh để tạo một nền kinh tế xanh cho đất nước.
Chiến lược xanh được coi là xu hướng tất yếu, là vũ khí chiến lược được nhiều doanh nghiệp áp dụng nó để cạnh tranh tốt hơn, tạo sự khác biệt tốt hơn, bảo vệ doanh nghiệp tốt hơn và chiếm thị phần tốt hơn.
Toàn cảnh hội thảo
Một số doanh nghiệp tại Việt Nam đã tiên phong trong việc thực hiện những chiến lược truyền thông, quảng bá thương hiệu của mình gắn liền với việc bảo vệ môi trường sinh thái. Các doanh nghiệp xem đó như là "vũ khí mềm" để quảng bá thương hiệu. Khảo sát nhanh cho thấy, đa số người tiêu dùng Việt Nam có chiều hướng muốn tiếp cận những thương hiệu thân thiện với môi trường, được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên, không có tác nhân hóa học tham gia, nhất là đối với các nhóm ngành liên quan đến sức khỏe, làm đẹp... như thực phẩm, nước uống, dược phẩm, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, du lịch nghỉ dưỡng...
Theo kết quả nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam cho thấy, các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” có mức tăng trưởng cao, khoảng 4%. Chẳng hạn, đối với ngành hàng thực phẩm và nước giải khát, mức tăng trưởng nhanh hơn so với toàn thị trường từ 2,5 - 11,4%.
Ngoài ra, cũng theo khảo sát, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sản phẩm tốt cho sức khỏe và ít tác động đến môi trường. Theo thống kê, có tới khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo thân thiện với môi trường, có thương hiệu “xanh” và “sạch”.
Theo ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh, chất lượng “xanh” trở thành lợi thế cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp nhằm chiếm lĩnh thị phần tốt hơn. Để xây dựng chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh, doanh nghiệp cần xây dựng được hình ảnh thương hiệu, sử dụng công nghệ giảm thiểu năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả. Đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường…Tuy nhiên, thực tế, để phát triển thương hiệu “xanh” ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhấn mạnh các thương hiệu xanh là những thương hiệu mà người tiêu dùng được kết nối với việc bảo vệ môi trường và thực tiễn kinh doanh bền vững của doanh nghiệp.
“Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ là mâu thuẫn giữa 2 mục tiêu: lợi nhuận và tăng trưởng xanh. Vì phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu vốn cho đầu tư phát triển sản phẩm xanh. Ngoài ra còn có vấn đề về công nghệ. Công nghệ xanh trên thế giới thì có rất nhiều, nhưng thực tế áp dụng ở Việt Nam thì còn hạn chế nhất định. Doanh nghiệp có thể được chuyển giao công nghệ xanh hiện đại nhưng đôi khi yếu tố con người, trình độ năng lực chưa theo kịp”, ông Vũ Xuân Trường cho biết thêm.
Điều mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm là liệu chất lượng xanh "đã trở thành giá trị thương mại tại Việt Nam hay chưa". Hay nói cách khác, người tiêu dùng có thực sự muốn mua "chất lượng xanh" hay chưa?
Theo PGS.TS.Nguyễn Quốc Thịnh, Chuyên gia cố vấn chương trình Thương hiệu Quốc gia nhận định, chiến lược thương hiệu xanh đã tạo ra giá trị thương mại tại Việt Nam, tuy nhiên giá trị này chưa cao. Đồng thời để có thể lượng hoá được những giá trị này thì cần có sự phối kết hợp của các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp để tiến hành khảo sát, thực hiện các báo cáo thực tiễn nhằm phục vụ cho các nghiên cứu chuyên sâu, từ đó dựa trên những giá trị lượng hoá thu được để thuyết phục các doanh nghiệp tham gia vào chiến dịch phát triển xanh. Ngoài ra cũng cần chú ý không phải thương hiệu thuộc nhóm ngành hàng nào xanh hóa cũng phát huy tác dụng ngay.
Thương hiệu ngày nay ngoài việc phải có chất lượng phù hợp, còn phải xanh. Chất lượng xanh là một khái niệm có ý nghĩa chiến lược, khái quát tất cả giá trị mà một thương hiệu cần có để chinh phục người tiêu dùng. Chất lượng xanh là nhân tố chiến lược tạo nên giá trị và sức mạnh thương hiệu, tuy nhiên đây không phải là điều dễ dàng với các doanh nghiệp.
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng – Đại diện công ty Nielsen Việt Nam khu vực phía Bắc cho rằng hơn 4 trong 5 người Việt sẵn sàng chi trả cao hơn để mua các sản phẩm có cam kết về những tác động tích cực đến môi trường và xã hội.
Để trả lời câu hỏi các doanh nghiệp phát triển xanh cần giải quyết những vấn đề gì để có cơ hội giành được lợi thế trong cạnh tranh.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp đang phải đối diện với sự mâu thuẫn giữa mục tiêu lợi nhuận và nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản phẩm xanh đi liền với chi phí cao.
Mặt khác, đầu ra cho sản phẩm cũng là một vấn đề khá khó khi cần tạo được lòng tin cho những người tiêu dùng thông thái - họ chỉ sẵn sàng bỏ ra chi phí cao hơn để sử dụng sản phẩm mà họ tin là xanh, sạch.
Theo đó vấn đề chính cần giải quyết đó là thay đổi từ tuy duy của chủ doanh nghiệp về phát triển xanh và xây dựng được lòng tin cho người tiêu dùng.
Cũng theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng – Đại diện công ty Nielsen Việt Nam khu vực phía Bắc cho rằng, để cạnh tranh trên thị trường, xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến. Theo đó, doanh nghiệp cần xây dựng niềm tin vào nhãn hàng thông qua các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường; Luôn đặt vấn đề sức khỏe vào trọng tâm của việc phát triển sản phẩm để cung cấp cho khách hàng và có một chiến lược trọng tâm về phát triển sản phẩm gắn liền với cam kết bền vững.
Để thực hiện được xanh hóa nền kinh tế thì việc xây dựng thương hiệu, đặc biệt phát triển thương hiệu gắn với yếu tố xanh – sử dụng nguyên vật liệu, công nghệ thân thiện, đưa ra các sản phẩm “sạch”, đảm bảo môi trường ngày càng có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Với các quan điểm, mục tiêu trong chủ đề chiến lược thương hiệu gắn với tăng trưởng xanh, hội thảo đã tạo cơ hội cho các nhà quản lý, nhà đầu tư và các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng hợp tác để phát triển thương hiệu bền vững; đồng thời quảng bá về Chương trình Thương hiệu Quốc gia; qua đó góp phần xúc tiến xuất khẩu, xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng vững mạnh trên trường quốc tế.
BCSI