Sáng 21/12 tại Vĩnh Phúc, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì hội nghị định hướng thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài (FDI) trong thời gian tới. Ông khẳng định Việt Nam phải tranh thủ cơ hội, tạo sự bứt phá trong thu hút FDI một cách có lựa chọn, có trọng tâm, khuyến khích đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, tăng cường liên kết, phát triển công nghiệp hỗ trợ…
Lan tỏa của FDI chưa như kỳ vọng
FDI giúp tăng năng lực sản xuất của một số ngành, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thêm nhiều việc làm mới, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thông qua hợp tác đầu tư, Việt Nam đã tăng cường mối quan hệ chính trị, đối ngoại, phát triển quan hệ hữu nghị với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, đối tác trên thế giới.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động FDI ở Việt Nam vẫn còn những tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới.
Ông chỉ ra việc thu hút và lan tỏa công nghệ cao từ khu vực FDI vào toàn bộ nền kinh tế chưa được như kỳ vọng. Hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng của Việt Nam trong các sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn FDI còn thấp. Liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước chưa chặt chẽ, chưa sâu rộng.
“Vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu còn hạn chế, chưa hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tham gia vào sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Việc này chưa trở thành quan tâm chính của các doanh nghiệp FDI”, ông nói.
“Những nhà đầu tư đến với Việt Nam là công dân Việt Nam”
Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, thế giới và khu vực đang có những chuyển biến rất nhanh, nhiều mặt và khó dự báo, tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế xã hội của các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam. Dòng vốn FDI toàn cầu đang có xu hướng giảm. Xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng.
Sự bùng nổ của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đặt ra những thời cơ lớn, cùng với đó là những thách thức rất khó khăn. Nếu Việt Nam nắm chắc được thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức thì đây là cơ hội rất lớn để thu hút được dòng vốn FDI.
Tuy nhiên, thu hút FDI cũng phải có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm trên nguyên tắc đa phương hóa, đa dạng hóa nguồn vốn, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững. FDI cũng phải khuyến khích đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, tăng cường sự hỗ trợ của doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước.
Tăng cường liên kết, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa, gắn đầu tư nước ngoài với thúc đẩy sản xuất trong nước. Thu hút FDI gắn với mở rộng thị trường trong khu vực và thế giới, gắn với việc đảm bảo ổn định và phát triển thị trường cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định “Những nhà đầu tư đến với Việt Nam là công dân Việt Nam, Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư theo khuôn khổ pháp luật để cùng phát triển”.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần phải tranh thủ thời gian, cơ hội, tạo sự bứt phá trong thu hút FDI, tạo điều kiện tốt nhất để đón nhận dòng đầu tư mới vào Việt Nam.