Tác động cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc

Tác động cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc

Sáng 29/09, tại Hội nghị Báo cáo chuyên đề "Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đến kinh tế TP Hồ Chí Minh" do Thành ủy TP HCM tổ chức, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đã chỉ ra nhiều nguy cơ nền kinh tế phải đối mặt.


Doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, tiềm lực tài chính, kỹ thuật để có sự dịch chuyển về thương mại, đầu tư

Cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc là cuộc chiến giữa hai nước nên tác động trực tiếp đến hai nền kinh tế. Tuy nhiên, do đây là hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới nên sẽ tác động đến toàn cầu, tác động đến tất cả các nước, đặc biệt là những nước như Việt Nam với độ mở kinh tế rất cao và Trung Quốc - Hoa Kỳ lại là hai đối tác quan trọng bậc nhất trong làm ăn kinh tế của Việt Nam.

Phân tích về những tác động của chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đối với kinh tế Việt Nam, TS Võ Trí Thành cho rằng: Nếu cuộc chiến xảy ra trong thời gian ngắn hạn thì tác động về thương mại là chưa nhiều. Bởi lẽ, trong 34 tỷ USD đầu tiên phía Hoa Kỳ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc chỉ chủ yếu nhắm đến các mặt hàng công nghệ. Đây không phải nhóm hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam. Nhưng về lâu dài, nếu cuộc chiến này tiếp tục leo thang, có thể làm dịch chuyển thương mại, vì nếu Hoa Kỳ không nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc thì họ phải tìm đến những thị trường khác. Do vậy, thương mại chịu tác động tiêu cực nhiều hơn. Cuộc chiến sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới vì theo tính toán, nếu tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 0,5 điểm %, sẽ là con số kinh khủng.

hoinghibaocaochuyendetacdongcuachientranhthuongmaimytrungquocdenkinhteTPHCM.jpg

Hội nghị Báo cáo chuyên đề "Tác động của chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đến kinh tế TP Hồ Chí Minh"

Thực tế cho thấy rằng, xuất khẩu lại là trụ cột cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Do vậy, dù muốn hay không tăng trưởng kinh tế giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam.

TS Võ Trí Thành nhìn nhận, cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc sẽ tác động rất lớn đến đầu tư; thị trường chứng khoán, nhất là vấn đề tỷ giá và lãi suất. Trong bối cảnh bất định, vì không ai có thể nói về thời điểm cuộc chiến kết thúc thì nhà đầu tư có xu hướng chờ đợi hoặc tìm kênh đầu tư an toàn hơn như mua vàng, thay vì bỏ vốn vào chứng khoán. Sự bất định càng kéo dài, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho hoạt động đầu tư, thương mại, ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế...

Tuy nhiên, chúng ta không nên hoảng hốt, mà cần bình tĩnh trước chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc. Bởi vì, cuộc chiến này cũng có nhiều tác động tích cực tới nền kinh tế, đó là việc dịch chuyển về đầu tư và thương mại nên cần bình tĩnh để tận dụng cơ hội.

“Tôi nhận thấy có sự bình tĩnh đang quay trở lại trên thị trường chứng khoán. Chúng ta cũng đã nhìn thấy một số cơ hội từ việc gia tăng xuất khẩu các mặt hàng may mặc và điện tử vào Hoa Kỳ. Đây là những dấu hiệu tích cực”, TS Võ Trí Thành nói.

Theo các chuyên gia cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ -Trung Quốc khởi đầu từ ngày 6/7 ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế nước ta. Khi có sự cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc, Mỹ thì hàng hóa Việt Nam thực sự sẽ khó cạnh tranh về chất lượng khi muốn xâm nhập vào thị trường các nước trên thế giới, nguy cơ mất thị phần, nguy cơ bị đào thải là rất lớn.

Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, tiềm lực tài chính, kỹ thuật để có thể cung cấp cho thị trường những sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Đặc biệt, cần tập trung vào những mặt hàng đang có lợi thế, những mặt hàng không nằm trong danh sách cấm vận của cả hai bên.

Để đổi mới, TP Hồ Chí Minh cần hoàn thành tốt 3 vai trò to lớn

Với vai trò là đầu tàu trong cải cách, phát triển kinh tế đất nước, do vậy nên TP Hồ Chí Minh phải có sự ứng phó chủ động, linh hoạt, nhạy bén hơn các địa phương khác.

Theo TS Võ Trí Thành, "TP Hồ Chí Minh có ba vai trò to lớn. Thứ nhất, cùng với cả nước bám sát diễn biến cuộc chiến để giảm thiểu rủi ro, tận dụng được cơ hội. Thứ hai, phải trở thành nơi có cơ chế ứng phó, giảm thiểu rủi ro tốt nhất để lan toả bài học cho cả nước. Cuối cùng, tiếp tục cải cách, bám vào xu thế mới, trở thành hình mẫu của sự phát triển" – ông Thành nhấn mạnh.

ts-vo-tri-thanh.jpg

TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh

Đối với TP Hồ Chí Minh, TS Võ Trí Thành khuyến nghị TP cần phát triển đô thị thông minh, tạo tính lan tỏa, mạnh dạn đi đầu trong đổi mới sáng tạo và mạnh dạn trong ứng dụng công nghệ 4.0, phải là nơi đi đầu trong thu hút nhân tài. Nếu TP Hồ Chí Minh tiếp tục bám sát vào những vấn đề này thì sẽ có nhiều lợi thế để phát triển.

Phát biểu kết luận và chỉ đạo, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao phần báo cáo của TS Võ Trí Thành. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị tiếp tục theo dõi sát sao tình hình của cuộc chiến thương mại, cần bình tĩnh, ứng xử ngắn hạn phải đi đôi với dự báo dài hạn để tạo sự ổn định lâu dài cho đất nước.

 

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang