Uber và Grab bị Singapore phạt 9,5 triệu USD vì sáp nhập

Uber và Grab bị Singapore phạt 9,5 triệu USD vì sáp nhập

Ủy ban cạnh tranh và tiêu dùng Singapore (CCCS) vừa quyết định phạt Grab và Uber tổng cộng 13 triệu đô la Singapore (SGD); tương đương 9,5 triệu USD; vì vụ sáp nhập của 2 công ty này. CCCS cho biết các hình phạt được áp dụng để ngăn chặn việc vụ sáp nhập gây tổn hại đến cạnh tranh, trong bối cảnh giao dịch mua bán - sáp nhập đã hoàn thành và không thể đảo ngược.


Trang Channel News Asia đưa tin, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore (CCCS) đã quyết định xử phạt Grab và Uber với tổng số tiền 9,5 triệu USD; tương đương 13 triệu đô la Singapore (SGD) vì thương vụ sáp nhập diễn ra hồi tháng 3 năm nay.

Cụ thể, mức phạt với Uber là 6,58 triệu SGD trong khi Grab bị phạt 6,42 triệu SGD. Mức phạt mà CCCS áp dụng dựa trên doanh thu của 2 công ty, bản chất, thời gian và mức độ vi phạm và tình tiết tăng nặng cũng như giảm nhẹ.

Theo CCCS, thương vụ đã làm suy giảm đáng kể tính cạnh tranh của thị trường gọi xe. Kết quả điều tra của CCCS cho biết Grab đã tăng giá sau khi loại bỏ đối thủ là Uber. Cụ thể, mức giá đã tăng 10-15%. Cơ quan này cũng cho biết họ đã nhận được rất nhiều phản hồi tiêu cực từ cả khách hàng và tài xế về giá cước và hoa hồng của Grab.

Do vậy các hình phạt được áp dụng để ngăn chặn việc vụ sáp nhập gây tổn hại đến cạnh tranh, trong bối cảnh giao dịch mua bán, sáp nhập đã hoàn thành và không thể đảo ngược.

Về phía Grab, công ty này cho biết, họ đã ký kết thoả thuận đúng trong khuôn khổ pháp lý, không hề cố tình hoặc vô tình vi phạm luật cạnh tranh. Công ty của Singapore khẳng định họ không hề tăng giá sau thương vụ với Uber và cũng đang cân nhắc khả năng kháng cáo.

uber grab(1).jpg

Trụ sở của Uber và Grab tại Singapore trước khi tiến hành sáp nhập

Trước đó, ngày 30/3, Cơ quan quản lý cạnh tranh của Singapore tuyên bố có căn cứ phù hợp để cho rằng việc Uber bán lại hoạt động tại Đông Nam Á cho Grab là vi phạm tự do cạnh tranh.

CCCS ngay sau đó đã khởi động một cuộc điều tra nhằm vào thương vụ Grab-Uber và đề xuất các biện pháp tạm thời để yêu cầu Grab và Uber duy trì mức giá dịch vụ như trước khi diễn ra thương vụ này.

Đây là lần đầu tiên CCS đưa ra biện pháp tạm thời đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào hoạt động ở Singapore.

Thương vụ Grab-Uber được công bố đánh dấu sự rút lui lần thứ hai của công ty ứng dụng gọi xe Mỹ khỏi thị trường ở khu vực châu Á. Trước khi rút khỏi Đông Nam Á, Uber đã rút khỏi Trung Quốc vào năm ngoái.

Theo thỏa thuận, Uber sẽ nắm 27,5% cổ phần trong Grab, công ty có mức định giá khoảng 6 tỷ USD. Ngoài ra, Giám đốc điều hành (CEO) của Uber là Dara Khosrowshahi sẽ trở gia nhập Hội đồng Quản trị Grab.

Thời gian tới, Chính phủ Singapore vẫn tiếp tục tính toán các biện pháp quản lý chặt chẽ Uber và Grab do lo ngại có sự độc quyền ảnh hưởng đến người tham gia giao thông và các lái xe cũng như những hệ lụy khác do sự gia tăng của số lượng xe hơi như môi trường và kẹt xe. Theo đó, Singapore sẽ áp dụng các biện pháp cấp phép và thu phí đối với các hãng taxi công nghệ khi họ đạt đến một số lượng xe nhất định.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang