Tài chính tiêu dùng, cần một cách làm chuẩn mực

Tài chính tiêu dùng, cần một cách làm chuẩn mực

Kinh tế số đang thúc đẩy các nền tảng giao dịch số và đây cũng là một trong những lợi thế lớn nhất để phát triển tín dụng tiêu dùng thông qua các App vay tự động.


Tuy nhiên, sự dễ dãi của hình thức này đi kèm với những rủi ro tiềm ẩn mà người vay rất dễ rơi vào thảm cảnh nợ chồng nợ, nếu không có sự chọn lọc đối tác để vay tiền.

PGS. TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương đánh giá, dịch bệnh Covid-19 tác động rất nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội, nhất là đời sống dân sinh. Đại dịch cũng khiến cho hành vi, lối sống của người dân thay đổi, hành vi đầu tư, đầu cơ cũng thay đổi. Trong quan hệ tín dụng, thị trường xuất hiện nhiều hình thái cho vay dễ dãi hơn, nhưng không ít trong đó là những hình thức có yếu tố lừa đảo, nhất là các khoản mời chào qua công ty Fintech. Những lời mời chào ban đầu rất đơn giản, nếu vay 5 triệu, sau 1 tuần trả được thì người vay sẽ được nâng hạn mức lên 10 triệu và cứ thế, người vay không tỉnh táo có thể trở thành con nợ lớn, nợ chồng nợ, chỉ xoay quanh việc vay món mới lớn hơn để trả đi món cũ cộng lãi. Trong khi đó, nhiều người dân Việt Nam không được trang bị kiến thức nền tảng về quản lý tài chính, khiến không ít gia đình rơi vào cảnh khốn khổ khi có những thành viên bị vướng vào vòng nợ nần.

Với các loại phí được cộng vào khoản vay, có không ít người đã cay đắng nhận ra lãi suất thực trả cho loại hình vay điện tử này lên tới hàng nghìn phần trăm. Khốn khổ nhất là người đi vay cứ nợ lòng vòng và phải chịu những áp lực khó định nghĩa, như người thân bị làm phiền cho đến khi phải trả hết nợ. Thực tế này đang là một tồn tại nhức nhối, khiến không ít chuyên gia lên tiếng, Việt Nam cần xây dựng một hành lang pháp lý và những sản phẩm chuẩn mực cho thị trường tài chính tiêu dùng.

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-tiền tệ Quốc gia cho biết, tính đến cuối năm 2019, quy mô của các hình thức cho vay kiểu "tín dụng đen" tại Việt Nam có thể đạt 6% - 8% tổng dư nợ nền kinh tế, tương đương 500.000 - 650.000 tỷ đồng. Đây không phải con số lớn, nhưng hệ lụy xã hội thì rất lớn. Năm 2020, khi đại dịch bất ngờ xảy ra, dòng tiền dễ dãi từ một số công ty nước ngoài được tung ra cho vay qua App có thể tạm giải được cơn khát của những người cần, nhưng đây lại là cái bẫy người vay tiền và lách luật của những kẻ kinh doanh cho vay nặng lãi.

Khác với các công ty cho vay "tín dụng đen" online – thông tin công ty không rõ ràng, thủ tục vay dễ dàng nhưng lãi phí lại mập mờ, các App cho vay an toàn sẽ công khai minh bạch thông tin về công ty, mô hình dịch vụ, mức lãi phí cũng như quy định về thời gian trả nợ. Mới đây vào tháng 05/2020, Công an TPHCM đã triệt phá thành công đường dây cho vay nặng lãi thông qua các ứng dụng cho vay tiền nhanh do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu. Những App cho vay tiền như: "vaytocdo", "Moreloan", "VD online"… cung cấp dịch vụ cho vay rất dễ dàng nhưng lãi lại cao "cắt cổ". Điều quan trọng là khách hàng cần tỉnh táo để nhận ra sự khác biệt giữa hai bên, và chọn cho mình một công ty uy tín.

Tài chính tiêu dùng, cần một cách làm chuẩn mực - Ảnh 1.

Thay vì "mời gọi" khách hàng với những thủ tục đơn giản ban đầu, sau đó liên tục "khủng bố" khách hàng với những cuộc gọi và tin nhắn đe dọa ép trả nợ với mức phí cao, những công ty cho vay uy tín sẽ tư vấn và có những chính sách hỗ trợ người vay khi họ chưa có đủ khả năng thanh toán.

Nếu là người tiêu dùng thông minh, người dân Việt Nam nên tìm đến các ngân hàng lớn, uy tín, tin cậy để sử dụng các dịch vụ cho vay để đảm bảo rủi ro không đến với mình.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang