Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - giảng viên Đại học Indiana (Mỹ) - cho hay, nếu chỉ xét các DN tư nhân - theo xếp hạng của VNR500 - năm 2010, TP.HCM có 5 DN trong tốp 10 DN lớn nhất Việt Nam thì đến năm 2022, chỉ còn 3 DN. Đặc biệt, trong danh sách 500 DN lớn nhất Đông Nam Á năm 2024 của Tạp chí Fortune (Mỹ), Việt Nam có 70 DN thì trong đó, 30 DN ở TP Hà Nội, TP.HCM chỉ có 25 DN. Các chỉ số về năng suất lao động và thu nhập bình quân đầu người của TPHCM cũng đang giảm so với các thành phố trong khu vực.
“TP.HCM có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, quy mô nền kinh tế tốt nhất cả nước, lực lượng DN cũng đông đảo nhất, đóng góp về việc làm và giá trị GDP luôn lớn nhất. Theo dõi giai đoạn 2000-2023, tôi nhận thấy, các chỉ tiêu căn bản về năng lực cạnh tranh của DN TP.HCM tốt trong giai đoạn 2000-2010 nhưng lại đi xuống so với bình quân cả nước kể từ năm 2010 đến nay” - ông nói.
|
Nhiều doanh nghiệp cho biết cần sự hỗ trợ của Nhà nước như ưu đãi lãi suất vay, miễn giảm thuế cho các sản phẩm sản xuất trong nước… (ảnh chụp tại phân xưởng làm đế giày của Công ty Gia Định) |
Theo báo cáo của Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) quý II/2024, số DN của TPHCM giảm doanh thu chiếm 30,4%, lượng hàng tồn kho của DN tăng 34%.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực, Thực phẩm TPHCM (FFA) - cho rằng, chi phí hậu cần, vận chuyển (logistics) cao là một trong những nguyên nhân chính làm giảm sức cạnh tranh của DN TP.HCM dù TPHCM có lợi thế về địa lý và hạ tầng giao thông. Ngoài ra, DN ở TP.HCM cũng gặp khó khăn khi muốn “xanh hóa” quá trình sản xuất theo xu thế chung của thế giới do chi phí cao và thiếu hỗ trợ từ Nhà nước.
Theo tiến sĩ Huỳnh Thế Du, để nâng sức cạnh tranh cho DN TP.HCM, trước hết, chính các DN phải có chiến lược kinh doanh và tầm nhìn rõ ràng. Tiếp đến, các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức đại diện hỗ trợ liên kết cần xác định lại vai trò then chốt trong việc cung cấp thông tin về xu hướng thị trường, tiến bộ công nghệ, sự phát triển của ngành; các tổ chức tài chính cần có sự hỗ trợ tích cực. Chính quyền TP.HCM cần đặt mục tiêu, nhiệm vụ tạo việc làm với thu nhập ngày càng cao cho người dân và tạo ngân sách để vận hành, cung cấp các dịch vụ công có chất lượng, chú trọng hơn nữa việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo cơ chế và hỗ trợ các tổ chức hợp tác hiệu quả.
Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội DN cơ khí, điện TP.HCM - cho rằng, để DN phát triển bền vững, cần có sự hỗ trợ hợp lý từ chính sách nhà nước; cần có những biện pháp cụ thể, thiết thực hỗ trợ DN, như ưu đãi lãi suất vay, miễn giảm thuế cho các sản phẩm sản xuất trong nước.
Ông Phạm Văn Việt - Phó chủ tịch Hội Dệt may, Thêu đan TP.HCM - nhận định, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN, nhưng việc triển khai còn chậm, làm mất cơ hội để DN chuyển đổi và phát triển công nghệ cao. Ông nói: “Chúng tôi cần một trung tâm tập trung các hoạt động sản xuất, nghiên cứu và đào tạo để nâng tầm ngành thời trang Việt Nam. Nếu có sự hỗ trợ từ Nhà nước, chúng tôi có thể thực hiện điều này trong vòng 3-5 năm”.