Từ câu chuyện nghẽn lệnh HOSE, chuyên gia kiến nghị nên xây dựng luật để bảo vệ nhà đầu tư

Từ câu chuyện nghẽn lệnh HOSE, chuyên gia kiến nghị nên xây dựng luật để bảo vệ nhà đầu tư

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chiến lược phát triển thị trường 10 năm tới sẽ nghiêm túc đánh giá những vấn đề tồn đọng. Không có lý do gì lại để vấn đề nghẽn lệnh làm chậm lại tiến trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.


Nghẽn lệnh là vấn đề không mong muốn

Trong khuôn khổ phiên thứ ba của chuỗi tọa đàm về chủ đề "Chuyển đổi số và tương lai thị trường", các chuyên gia đã trao đổi góc nhìn về vấn đề nghẽn lệnh và xa hơn là câu chuyện chuyển đổi số của thị trường chứng khoán. 

Vấn đề nghẽn lệnh xảy ra từ cuối năm 2020,  tính đến nay đã gần 6 tháng. Nhắc lại vấn đề này, ông Phạm Hồng Sơn - Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhận định đây là câu chuyện không mong muốn do lượng giao dịch tăng đột biến vượt quá năng lực xử lý lệnh của hệ thống cũ. 

Theo ông Sơn, UBCKNN và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã rất nỗ lực nhằm giảm bớt các vấn đề trục trặc để hệ thống giao dịch thông suốt hơn. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ nhất tại thời điểm này là phối hợp với FPT để sớm xử lý vấn đề nghẽn lệnh.

Hệ thống giao dịch mới vận hành từ tháng 7 sẽ không còn tắc nghẽn

Phó chủ tịch UBCKNN: Vấn đề nghẽn lệnh là bài học kinh nghiệm của giai đoạn 2010 - 2020 - Ảnh 1.

Ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Ảnh chụp màn hình).

Báo cáo của ban lãnh đạo sàn HOSE, mọi công việc chuẩn bị đã được hoàn tất. Về cơ bản hệ thống giao dịch mới đã được đưa vào kiểm thử với các công ty chứng khoán. 

Theo thông báo, hệ thống mới vận hành từ đầu tháng 7 sẽ xóa bỏ tình trạng nghẽn lệnh, với năng lực xử lý lệnh tăng hơn 3 - 4 lần so với hiện tại, đạt từ 3 - 5 triệu lệnh/phiên. Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư rằng tình trạng nghẽn lệnh sẽ không xảy ra trên hệ thống giao dịch mới với quy mô như hiện nay. 

Không được để nghẽn lệnh cản trở tiến trình nâng hạng của thị trường

Trở lại diễn biến thị trường chung, hiện đang có những phiên giao dịch bùng nổ, thu hút sự tham gia của lượng lớn NĐT. Theo ông Tô Giang Nam - Giám đốc đầu tư Công ty quản lý quỹ Vietinbank Capital "Chúng ta đang có cơ hội lớn để phổ cập chứng khoán đến rộng rãi người dân." 

Trong chiến lược phát triển của ngành chứng khoán, mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt tỷ lệ 5% NĐT trên toàn dân số. Với thanh khoản và thị trường bùng nổ như hiện nay, hoàn toàn tự tin có thể đạt mục tiêu này sớm hơn kế hoạch.

Phó chủ tịch UBCKNN: Vấn đề nghẽn lệnh là bài học kinh nghiệm của giai đoạn 2010 - 2020 - Ảnh 2.

Ông Tô Giang Nam - Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ Vietinbank Capital (Ảnh chụp màn hình).

Tuy nhiên, tình trạng nghẽn lệnh trong thời gian gần đây đã gây ra sự băn khoăn lo lắng trong đại bộ phận các NĐT. Ông Nam cũng kỳ vọng các cơ quan quản lý có thể sớm đưa vào vận hành hệ thống mới để củng cố niềm tin của người dân, sớm hoàn thành mục tiêu chiến lược của ngành chứng khoán. 

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong quá trình đáp ứng một số điều kiện để nâng hạng thị trường, nỗ lực cải thiện khung pháp lý, khả năng thanh toán và nâng tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài. "Không có lý do gì chúng ta lại để vấn đề nghẽn lệnh làm chậm lại tiến trình nâng hạng của TTCK Việt Nam", ông Nam bày tỏ quan điểm. 

Nên xây dựng Luật bảo vệ người tiêu dùng về tài chính

Trao đổi thêm về vấn đề nghẽn lệnh, ông Võ Trí Thành cho rằng nghẽn lệnh là bài học lớn trong bối cảnh hiện nay. Việt Nam đang trong quá trình thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, quan trọng nhất là tạo ra sự đột phá. Tuy nhiên tốc độ xử lý cũng là yếu tố quan trọng. Công tác chuẩn bị đột phá về hạ tầng từ khá lâu. Nhưng tốc độ xử lý còn chậm chạp khiến cho đột phá này chưa đi vào thực tiễn. 

Trước những bức xúc của nhà đầu tư về vấn đề nghẽn lệnh, Chủ tịch UBCKNN đã có lời xin lỗi chính thức đến nhà đầu tư. Đây là cách ứng xử rất phù hợp và kịp thời. Tuy nhiên, ông Thành đề nghị nên xây dựng luật bảo vệ người tiêu dùng về tài chính. 

"Với chuyển đổi số, còn rất nhiều vấn đề chúng ta chưa thể biết hết được quy luật, các sản phẩm, sự sáng tạo của nó. Do đó, chúng ra cũng cần chuẩn bị cho rất nhiều rủi ro, một trong số đó là xử lý tranh chấp", ông Võ Trí Thành khẳng định.

Ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh BCSI (Ảnh chụp màn hình).

Trở lại vấn đề, ông Phạm Hồng Sơn chia sẻ sau khi vấn đề nghẽn lệnh được xử lý, UBCKNN sẽ hoàn thiện chiến lược phát triển thị trường trong 10 năm về nền tảng kiến trúc thị trường, về chính sách để thực hiện lấy ý kiến của toàn bộ thành viên trên thị trường trước khi trình Bộ Tài chính và Thủ tướng thông qua. 

Bên cạnh đó, UBCKNN sẽ tiếp tục tái cấu trúc thị trường chứng khoán. Trong đó tập trung tái cấu trúc 4 mảng: cơ sở hàng hóa cho thị trường, cơ sở nhà đầu tư, các công ty chứng khoán và Sở giao dịch chứng khoán. Đây là mục tiêu hết sức quan trọng để đảm bảo tính nghiêm minh, kỷ luật của thị trường và hoạt động thị trường diễn ra suôn sẻ.

 

Theo vietnambiz

 

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang