Ví điện tử ngày càng cạnh tranh khốc liệt

Ví điện tử ngày càng cạnh tranh khốc liệt

Sự góp mặt của nhiều tân binh khiến thị trường ví điện tử tại Việt Nam trở nên cực kỳ khắc nghiệt với những “cuộc chiến khô máu”, khi các đối thủ cạnh tranh quyết liệt và bất chấp để giành chiến thắng. Liệu người dùng có được hưởng lợi gì trong cuộc chiến này?


Theo nghiên cứu của Công ty tư vấn Solidiance, thị trường công nghệ tài chính (fintech) Việt Nam năm 2017 đạt 4,4 tỷ USD và dự báo tăng lên 7,8 tỷ USD vào năm 2020.

Với lợi thế tỷ lệ người dân tiếp cận Internet và sở hữu điện thoại thông minh ở mức cao tại khu vực đô thị, mức thu nhập và tiêu dùng gia tăng, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại điện tử, thị trường fintech tại Việt Nam đang sở hữu tiềm năng phát triển lớn. Do đó mà thị trường này ngày càng sôi động và không kém phần khốc liệt khi ngày càng nhiều tân binh ra đời.

Công ty cổ phần Be Group (đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe Be) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã bắt tay nhau thiết lập dịch vụ tài chính mới beFinancial.

BeFinancial cung cấp các dịch vụ tài chính của VPBank trên nền tảng công nghệ và hệ sinh thái tài chính công nghệ của Be, bao gồm chức năng thanh toán, chương trình đổi điểm thưởng và khách hàng thân thiết, dịch vụ tài chính khác.

Ngay trong năm nay, Be cùng VPBank tung ra các dịch vụ thanh toán, tài chính cho khách hàng cá nhân, tài xế và khách hàng doanh nghiệp. Đặc biệt, hai bên sẽ ra mắt thẻ tín dụng/ghi nợ đồng thương hiệu, đem đến giải pháp thanh toán tiện lợi cho khách hàng cá nhân, tài xế. Sau này, Be sẽ kết hợp thêm với các đối tác khác để phát triển dịch vụ y tế, giáo dục…

Như vậy, với beFinancial, VPBank và Be Group đã bước vào cuộc chơi phá thế độc tôn hoặc sử dụng độc quyền trên thị trường hiện nay bằng cách trở thành một nền tảng hơn là một ứng dụng, cho phép và chào đón rất nhiều đơn vị phù hợp cùng khai thác. Trong đó, bất kể start-up Việt hay doanh nghiệp nhỏ và vừa nào cùng chí hướng, đều có thể hợp tác để cùng phát triển.

Lý do Be chọn các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm mục tiêu là vì, khối doanh nghiệp này đóng góp tới 40% GDP cả nước và tạo ra 60% việc làm cho người lao động Việt Nam.

Ông Jean Pierre Gagnon, Giám đốc beFinancial cho hay, ứng dụng beFinancial sẽ mở cổng quản lý thanh toán cho người dùng, nên 90% chi phí giấy tờ đã được tiết kiệm nhờ vào quy trình số hóa. Các doanh nghiệp có thể trải nghiệm sự tự động hóa, mà không cần thay đổi môi trường kinh doanh hiện tại.

Động thái Be và VPBank tham gia thị trường ví điện tử và các giải pháp tài chính đúng lúc có nhiều câu hỏi lớn đằng sau hoạt động liên quan đến lĩnh vực này của Grab - một ứng dụng gọi xe ngoại đang giữ thế độc tôn trên thị trường Việt, khiến mức độ cạnh tranh trên thị trường càng trở nên “nóng” và thu hút sự quan tâm của người dùng.

Cuộc chạy đua theo nhu cầu tiện lợi của người dùng

Thị trường ví điện tử đang ngày càng sôi động và loại hình thanh toán này cũng đang dần trở nên quen thuộc với lối sống hiện đại. Không bỏ qua cơ hội phát triển, nhiều năm qua, các quỹ đầu tư liên tục hợp tác, rót vốn vào thị trường fintech Việt Nam. Đặc biệt, hơn 1 năm trở lại đây, các công ty thanh toán mở rộng sự hiện diện tại thị trường tiềm năng như Việt Nam thông qua ưu đãi, khuyến mãi, tăng cường liên kết.

Mới đây nhất, Công ty cổ phần VinID đã hoàn tất thủ tục mua cổ phần của Công ty cổ phần People Care - chủ sở hữu ví điện tử MonPay, thương hiệu không mấy nổi bật trong một thị trường đang cạnh tranh gay gắt. VinID là chương trình chăm sóc khách hàng thân thiết của Vingroup, áp dụng cho các khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn như mua sắm, tiêu dùng, nghỉ dưỡng, y tế, giáo dục, ẩm thực, vui chơi giải trí...

Giai đoạn 2016 - 2018, số lượng công ty fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt đã tăng từ 40 lên gần 100 công ty. Trong đó, lĩnh vực thanh toán đóng vai trò chủ đạo với 26 công ty được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, có thể kể đến MoMo, ZaloPay, Payoo, MobiVí, Bankplus, 1Pay, Ví Việt, VTC Pay, Moca, WePay, Ngân Lượng, VnMart, Pay365, TopPay…

Đặc biệt, sự quan tâm của người dùng đang đổ dồn về 4 “ông lớn” là  Viettelpay, MoMo, Zalopay, Airpay, vì “bộ tứ” này có những thế mạnh khác biệt.

Momo được nhắc nhiều về hoạt động khuyến mãi hấp dẫn, mua hàng trên các trang thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến, hóa đơn dịch vụ (điện, nước, điện thoại trả sau…). Viettelpay nổi bật với hoạt động chuyển khoản, mua thẻ cào trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Trong khi đó, Zalopay và Airpay được người dùng nhắc đến nhiều với hoạt động mua thẻ cào game online. Airpay còn nổi bật lên với hoạt động mua đồ ăn trực tuyến.

Thống kê cho thấy, có khoảng 1/4 số người dùng ví điện tử ban đầu nhằm tham gia các chương trình khuyến mãi từ các nhà cung cấp. Sau một thời gian sử dụng, một bộ phận người dùng đã hình thành thói quen mua hàng trực tuyến và thanh toán qua ví điện tử.

Tuy nhiên, ngoài việc mang đến sự tiện lợi trong các hoạt động thanh toán, nhiều khuyến mãi hấp dẫn, chiết khấu cao, phụ phí thấp, các thương hiệu ví điện tử trên thị trường vẫn còn nhiều việc phải làm để tăng độ trải nghiệm của khách hàng.

Theo khảo sát, một bộ phận không nhỏ người dùng vẫn gặp khó khăn khi sử dụng ví điện tử, do các thao tác liên kết thẻ ngân hàng, đăng ký sử dụng, nhận mã OTP... Đây là bài toán đầy thách thức đặt ra cho các ứng dụng ví điện tử, vì khách hàng ngày càng thiếu kiên nhẫn trong thời buổi công nghệ “phi mã” như hiện nay. Chính những khó khăn trong bước đầu đăng ký sẽ gây trở ngại cho việc tăng lượng người dùng mới.

Ngoài ra, việc nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử chậm trễ trong việc phản hồi, không trả lời đúng câu hỏi khiến người dùng có cảm giác không yên tâm khi sử dụng.

Thị trường đầy "sóng gió"

Tại các nước phát triển, người dân ít dùng ví điện tử vì sự phổ cập của thẻ tín dụng. Ví điện tử chỉ phù hợp với thị trường chưa phổ cập thẻ tín dụng như Việt Nam hay các nước thuộc khu vực Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, thị trường ví điện tử còn nhiều dư địa, vì tỷ lệ người dân chưa dùng ví khá lớn. Đặc biệt, ở góc độ chính sách, đã có đề xuất việc không sử dụng tiền mặt thanh toán tiền điện, nước, học phí cũng như các khoản chi phí sinh hoạt khác ở đô thị từ tháng 12/2019.

Bà Tenzin Dolma Norbhu, Giám đốc chính sách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Facebook, cho biết, việc kinh doanh các ứng dụng trên điện thoại đã góp phần lớn tạo ra tổng thặng dư tiêu dùng khoảng 6,4 tỷ USD tại thị trường Việt Nam trong năm 2018. Trong đó, giá trị thanh toán qua các ví điện tử cũng đóng góp một phần, đặc biệt là những giao dịch và thanh toán cho các dịch vụ, tiện ích đời sống hàng ngày.

Trong khi ngân hàng cồng kềnh và xử lý giao dịch chậm, thì ví điện tử có ưu điểm nổi bật là kết nối dễ dàng với các dịch vụ. Vì vậy, tại Việt Nam, ngày càng xuất hiện nhiều thương hiệu ví điện tử mới dựa trên bắt tay chiến lược của các ngân hàng và công ty công nghệ. Có thể thấy, thị trường ví điện tử sẽ trở thành “cuộc chiến khô máu” và trong diễn biến đó, sẽ mở ra viễn cảnh về sự sáp nhập toàn diện các dịch vụ thanh toán, cho vay, đầu tư vào một ứng dụng di động.

Theo giới phân tích, thương hiệu ví điện tử gia nhập thị trường cần cung cấp đúng và đầy đủ thông tin mà người dùng quan tâm để lôi kéo được nguồn khách hàng khổng lồ. Bên cạnh đó, các thương hiệu nên liên kết cổng thanh toán với các trang thương mại điện tử nổi tiếng để người dùng có thể mua hàng trực tuyến một cách tiện lợi hơn.

Ví điện tử cũng có thể cân nhắc kết hợp với các nhà cung cấp trò chơi trực tuyến để tạo thêm nhiều lựa chọn cho người dùng ví điện tử trong tính năng mua thẻ cào online, thẻ game online, vì hiện nay, thẻ điện thoại đã bị cấm sử dụng để nạp vào game online và người dùng đang chuyển sang hình thức nạp hoặc mua thẻ thông qua các ví điện tử.

Ở góc độ này, AirPay (ví điện tử của Sea Group và Công ty cổ phần Phát triển thể thao điện tử Việt Nam) cũng thu hút các game thủ với mức chiết khấu và ưu đãi cao, do đơn vị chủ quản là nhà phát hành game online lớn tại Việt Nam. Ví Appota - sản phẩm của Công ty cổ phần Appota, tuy đang chờ được cấp phép sử dụng, nhưng đã được nhiều game thủ trải nghiệm. Với lợi thế là một công ty công nghệ, Appota cũng đang bành trướng sang lĩnh vực giải trí và thanh toán.

Trong bối cảnh hiện nay, có thể thấy, muốn đáp ứng được những nhu cầu đa dạng của khách hàng, việc liên kết ví điện tử với thẻ ngân hàng là yếu tố quan trọng để người dùng lựa chọn ví điện tử nào phù hợp với thẻ ngân hàng hiện tại của họ, để tránh việc phải đăng ký thêm một thẻ ngân hàng khác.

Các sản phẩm ví điện tử nở rộ sẽ tạo ra sự cạnh tranh khắc nghiệt giữa các đối thủ, nhưng cũng có thể khiến khách hàng trở thành thượng đế.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang