Tại hội thảo, Giám đốc Sở Công thương TP Phạm Thành Kiên cho rằng: Trong quá trình hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới thông qua các Hiệp định thương mại song phương và đa phương, kinh tế Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng không còn phụ thuộc vào thị trường cụ thể nào và thị trường nội địa cũng không còn là “sân chơi” ưu thế của riêng DN Việt Nam. Tất cả DN phải cạnh tranh trên trường quốc tế, không phân biệt thị trường mục tiêu là trong nước hay xuất khẩu. Sự cạnh tranh giữa các DN cả trong và ngoài nước đã giúp cho các DN ý thức rõ hơn về vấn đề thương hiệu. Thực tế này đã đặt ra tính cấp thiết cho việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và DN trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập sâu rộng hiện nay.
Với lợi thế là một TP năng động, sáng tạo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, minh bạch, TPHCM là một địa phương tập trung đông đảo doanh nghiệp của cả nước. Tuy nhiên, số doanh nghiệp lớn, có thương hiệu chưa nhiều, trong khi đây được xem là yếu tố để góp phần thúc đẩy các ngành của TP phát triển và vươn ra quốc tế.
TPHCM có khoảng 300.000 doanh nghiệp, trong đó chỉ khoảng 700 doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 1.000 tỷ, còn lại là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Đáng nói, trong số các doanh nghiệp, sản phẩm tiêu biểu của TPHCM vẫn chưa có nhiều thương hiệu quốc gia và quốc tế.
Vì vậy, để tiếp tục thu hút vốn đầu tư, cũng như hình thành nên những tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô lớn tầm cỡ quốc tế, sức cạnh tranh cao, thì cần phải có những thương hiệu mạnh của TP. Đây cũng sẽ là những đầu tàu để kéo từng ngành phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế TP, xứng tầm là đầu tàu của cả nước.
Theo Giám đốc Sở Công thương TP Phạm Thành Kiên, thương hiệu không đơn thuần là thông điệp sản phẩm, hình ảnh của DN mà còn là hình ảnh của quốc gia, địa phương trong hội nhập. Muốn phát triển kinh tế bền vững, có năng lực cạnh tranh cao thì phải có các thương hiệu uy tín trên thị trường. Do đó, cần thiết phải xây dựng và phát triển được các thương hiệu đại diện của TPHCM.
Cũng tại hội thảo, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đưa ra đề xuất các bước thực hiện xây dựng thương hiệu sản phẩm TPHCM. Đó là đánh giá hiện trạng, xây dựng tiêu chí lựa chọn sản phẩm chủ lực; xác lập quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm mang thương hiệu TP; thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm thương hiệu TP. Cần xây dựng cơ sở pháp lý và khoa học phục vụ việc triển khai hoạt động quản lý, phát triển nhãn hiệu chứng nhận. Xây dựng được hệ thống công cụ, văn bản quản lý, các phương tiện khai thác và phát triển sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận. Cải thiện khả năng thương mại hóa cho các sản phẩm nhãn hiệu chứng nhận như hỗ trợ thiết kế sáng tạo và xây dựng các thương hiệu tiêu biểu. Nâng cao năng lực tiếp thị và kinh doanh cho DN, cơ sở kinh doanh. Thúc đẩy khả năng kết nối thị trường cho nhóm sản phẩm chủ lực mang thương hiệu TP.
Chia sẻ về vấn đề xây dựng thương hiệu, PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia thương hiệu, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng với mỗi thương hiệu bất kỳ, yếu tố cốt lõi luôn là sản phẩm với khả năng thoả mãn nhu cầu của khách hàng mục tiêu. Vấn đề được nhấn mạnh ở đây sẽ là chất lượng cảm nhận của sản phẩm, nghĩa là mức độ đáp ứng kỳ vọng của khách hàng qua sự cảm nhận của chính họ.
Tuy nhiên, có sản phẩm tốt thôi là chưa đủ để tạo dựng một thương hiệu. Để tạo dựng lòng tin và danh tiếng, uy tín, rất cần sự linh hoạt, hợp lý và trung thực trong cách thức cung ứng sản phẩm ra thị trường; cần thực hiện đầy đủ những cam kết với khách hàng và ngay cả với người lao động trong chính DN.
Đối với TPHCM, các chuyên gia cũng cho rằng, Thành phố cần xây dựng chiến lược phát triển của mình, trong đó xác định rõ ngành nào là ưu tiên, thị trường nào, công đoạn nào của chuỗi giá trị, kèm theo là kế hoạch về nguồn lực (ngân sách, nhân lực, công nghệ).
Theo đó, Thành phố nên thảo luận với DN để đề ra chiến lược, vì DN là người đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu và chiến lược của Thành phố. Hơn nữa, xây dựng thương hiệu mạnh là một sự đầu tư tốn kém và lâu dài (nhà xưởng, thiết bị, công nghệ, marketing…). Nếu không nằm trong chiến lược của Thành phố và không có sự cam kết đồng hành lâu dài thì DN sẽ dễ bị rủi ro khi Thành phố thay đổi định hướng, ngưng hỗ trợ.
Tại hội thảo, các chuyên gia, các doanh nghiệp đã cùng nhau chia sẻ những góc nhìn nhằm tìm ra những giải pháp phát triển thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp. Việc xây dựng các thương hiệu lớn, không chỉ tạo ra lợi thế về mặt thị trường, mà còn tạo lợi thế về phân phối, cạnh tranh, tăng giá trị, doanh thu. Vì vậy, việc bình chọn các sản phẩm thương hiệu của TP phải được dựa trên những tiêu chí cụ thể, minh bạch, sao cho vừa chọn được những sản phẩm, doanh nghiệp xứng tầm, vừa là động lực để các doanh nghiệp khác phấn đấu, từ đó tạo ra một cộng đồng các sản phẩm thương hiệu mạnh của TP, quảng bá về hình ảnh, lợi thế thương mại của TP trong và ngoài nước.
TPHCM kỳ vọng đến năm 2025 sẽ có những tập đoàn kinh tế mạnh, tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về lợi thế kinh tế. Hiện TP cũng đã dành quỹ đất 380 xây dựng khu công nghiệp mới để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển, xây dựng sản phẩm thương hiệu thế mạnh.
TP đã đề nghị các chuyên gia, doanh nghiệp cùng nhau thảo luận tập trung vào 3 nội dung chính. Thứ nhất, để xác định thương hiệu có uy tín, có khả năng lan tỏa, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế doanh nghiệp thì cần những tiêu chí gì. Cách thức tổ chức bình chọn như thế nào để việc công nhận bình chọn thực sự trở thành niềm tự hào của doanh nghiệp, huy động được sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp.
Thứ hai, hội thảo cần thảo luận về vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng, phát triển thương hiệu.
Thứ ba, phát triển thương hiệu không chỉ là vấn đề của doanh nghiệp mà các chính sách của nhà nước cũng giữ vai trò hết sức quan trọng, vậy các đại biểu có đề xuất giải pháp gì để chính quyền TP tạo điều kiện phát triển sản phẩm doanh nghiệp.
Theo Giám đốc Sở Công thương TP Phạm Thành Kiên, thương hiệu không đơn thuần là thông điệp sản phẩm, hình ảnh của doanh nghiệp mà còn là hình ảnh của quốc gia, địa phương trong hội nhập. Muốn phát triển kinh tế bền vững, có năng lực cạnh tranh cao thì phải có các thương hiệu uy tín trên thị trường. Do đó, cần thiết phải xây dựng và phát triển được các thương hiệu đại diện của TPHCM.
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng: Xây dựng giá trị thương hiệu một sản phẩm, một doanh nghiệp trên thị trường là mong muốn của tất cả doanh nghiệp. Chính quyền TP sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu; đặc biệt là những thương hiệu của doanh nghiệp đã có và sẽ có trong tương lai. Hàng năm, TPHCM sẽ nâng cao hơn nữa thương hiệu TP lên tầm quốc tế. Năm 2020, TP tổ chức bình chọn những doanh nghiệp, những sản phẩm đã có thương hiệu nhiều năm.
Cũng tại hội thảo lần này, các doanh nghiệp có thương hiệu uy tín lâu năm của TP cũng cùng nhau chia sẻ các góc nhìn trong việc làm xây dựng dựng thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp TP hiệu quả nhất.