Chiến lược “sao chép” của nhà bán lẻ lớn thứ 3 Nhật Bản

Chiến lược “sao chép” của nhà bán lẻ lớn thứ 3 Nhật Bản

Nitori Holdings - nhà bán lẻ lớn thứ 3 của Nhật - đã làm được một điều mà không có công ty đại chúng nào ở Nhật từng làm trước đó: báo cáo mức tăng trưởng lợi nhuận suốt 30 năm liên tiếp.


Triết lý của người chủ Nitori là vay mượn ý tưởng của các sản phẩm tốt nhất thế giới và kiểm soát sản xuất, kinh doanh tốt hơn để có được món hàng nội thất “trong mơ”.

“Sao chép” và làm tốt hơn

Akio Nitori đã ngộ ra một chân lý trong chuyến đi vào năm 1972 đến bang California, Mỹ. Khi đó, Nitori chỉ là một nhà kinh doanh trẻ tuổi đang điều hành một vài cửa hiệu tại Nhật. Trong chuyến đi năm ấy, ông đã bỏ ra 1 tuần lễ để đi ngắm nghía các trung tâm thương mại tổng hợp của Sears cũng như các cửa hàng nội thất của Levitz Furniture. Ông đã rất kinh ngạc trước các kiểu dáng thiết kế rất thanh lịch và đầy phong cách, sự phối hợp màu sắc ấn tượng cũng như chất lượng các sản phẩm nội thất trong các cửa hàng này. Điều ông ngạc nhiên hơn là chất lượng như thế mà giá bán chỉ bằng 1/3 giá các mặt hàng nội thất của Nhật.

Tôi muốn người Nhật cũng có sản phẩm tốt như người Mỹ. Tôi không kham nổi chuyện tăng gấp 3 lần mức lương cho công nhân của mình, nhưng tôi nghĩ mình có thể giảm giá bán sao cho khách hàng của tôi chỉ phải trả tối đa 1/3 như thế”, ông cho biết.

Làm điều đó có nghĩa là phải đi đường vòng, tránh né các nhà bán buôn trong nước, một chuyện cực kỳ khó khăn ở nước Nhật khi đó, vì theo như Nitori chia sẻ, các nhà phân phối thỉnh thoảng cũng có móc nối với mafia Nhật. Vì thế, Nitori đã chọn cách gặp trực tiếp các ông chủ nhà máy giữa đêm khuya để tránh không bị nhìn thấy.

Các chiến thuật đối phó “không chính thống” của Nitori cùng việc không ngại vay mượn ý tưởng từ các nhà bán lẻ trên khắp thế giới (như việc Nitori đi sang Mỹ học cách làm của Sears và Levitz) đã đưa Nitori Holdings Co. trở thành nhà bán lẻ đồ nội thất lớn nhất nước Nhật. “Người ta muốn món hàng không đắt, dù cũng không thể rẻ”, Nitori cho biết.

Trong 12 tháng kết thúc vào ngày 20/2/2017, Nitori Holdings đã làm được một điều mà không công ty đại chúng nào tại Nhật từng làm trước đó: báo cáo mức tăng trưởng lợi nhuận suốt 30 năm liên tiếp cùng với tốc độ tăng trưởng doanh số bán chưa bao giờ dừng lại. 

Trong khi tình trạng giảm phát tại Nhật đã kéo doanh số bán hàng ở phân khúc trung tâm thương mại tổng hợp giảm hàng năm (chỉ ngoại trừ 1 năm) kể từ năm 1998 thì Nitori Holdings vẫn không ngừng phát triển nhờ áp dụng các mức giá mềm cho tầng lớp trung lưu, vốn ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề giá cả qua mỗi đợt kinh tế suy giảm.

Hàng không phong cách lắm, nhưng không đắt đỏ và chất lượng thực sự rất tốt”, Kaoru Uminuma nói trong khi đang đi mua sắm tại một cửa hàng Nitori ở gần Tokyo.

Học hỏi và luôn tiến về phía trước

Hiện Nitori Holdings có 488 điểm bán hàng, chủ yếu tại Nhật. Năm nay, công ty đã mở trung bình khoảng 4 cửa hàng mỗi tháng, bán các sản phẩm như: ghế trường kỷ, kệ sách, khăn tắm, đồ chén bát…

Trong năm tài chính gần đây nhất, doanh thu của Nitori Holdings đã tăng 12%, đạt 513 tỷ yen (tương đương 4,7 tỷ USD). Giá cổ phiếu của công ty cũng đã tăng hơn 20% kể từ tháng 1/2017 sau khi tăng gấp 4 lần kể từ cuối năm 2012, đưa Nitori Holdings trở thành nhà bán lẻ có giá trị thị trường đứng hàng thứ 3 nước Nhật. Tình hình kinh doanh khả quan cũng giúp tăng giá trị tài sản cá nhân của Akio Nitori lên tới 3,5 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index (Akio Nitori hiện vẫn là cổ đông lớn nhất của Nitori Holdings), đưa ông trở thành một trong những người giàu nhất nước Nhật.

Vào thập niên 1980, vì theo đuổi chiến lược giá thấp, Nitori Holdings đã tận dụng các nhà máy sản xuất tại Đài Loan. Đến khoảng năm 2000, hầu hết các mặt hàng nội thất của công ty đều được sản xuất tại Trung Quốc hoặc các quốc gia châu Á có chi phí rẻ khác. Hiện công ty cũng sở hữu các nhà máy tại Indonesia và Việt Nam.

Một điều đặc biệt ở các nhà máy của Nitori là công ty tuyển dụng một nhóm kỹ sư ngành ô tô để làm một nhiệm vụ quan trọng: phụ trách khâu kiểm nghiệm và kiểm soát chất lượng. Có thể thấy, mỗi sản phẩm của Nitori đều phải “sống sót” qua một khâu kiểm tra với những thử thách ngặt nghèo trước khi chúng tới được phòng trưng bày. Chẳng hạn, lưng ghế được thử thách độ chịu đựng bằng máy nén thủy lực. Khăn tắm thì bị “quăng” vào máy ly tâm để kiểm tra xem chúng có bị kéo giãn ra hay không…

Những cách làm độc lạ như vậy được Nitori rút ra qua những chuyến đi khảo nghiệm và khám phá từ khắp nơi. “Chìa khóa mở ra tất cả chính là chúng tôi tiếp thu ý tưởng đến đâu”, Nitori nói.

Hiện tại, công ty vẫn dõi theo cách làm của các nhà bán lẻ khác để học hỏi ý tưởng. Nitori đã sẵn sàng học hỏi vào năm 2006 khi IKEA của Thụy Điển mở địa điểm đầu tiên trong tổng số chuỗi 8 cửa hàng tại Nhật của thương hiệu nội thất này. Mỗi năm ông cũng đã gửi hàng trăm nhân viên sang nghiên cứu các cửa hàng của IKEA ở bang California, trang bị cho họ máy camera và sổ ghi chép.

Họ đã nghiên cứu tỷ mỉ từng chút một hoạt động của chúng tôi”, Tommy Kullberg, Chủ tịch bộ phận Nhật của IKEA vào lúc đó cho biết. Những ngày này, Nitori vẫn tiếp tục gửi rất nhiều nhân viên sang Mỹ để ghé thăm các cửa hàng của Walmart Stores Inc. và Target Corp.

Ở tuổi 73, Akio Nitori giờ dành phần lớn thời gian vạch kế hoạch bành trướng ở những quốc gia như Trung Quốc, thị trường mà ông đã mở 11 cửa hàng kể từ năm 2014 và dự kiến sẽ tăng gấp đôi con số ấy trong năm nay.

Việc này sẽ khó khăn hơn ông tưởng”, Shaun Rein, nhà sáng lập hãng tư vấn China Market Research Group ở Thượng Hải nhận xét. Rein đã dẫn ra khó khăn mà IKEA đã vấp phải khi thâm nhập thị trường này. Các cửa hàng của IKEA luôn chật ních người tới, nhưng nhiều người đến chỉ để chợp mắt vào giờ trưa trên các giường nằm ở phòng trưng bày và tận hưởng một chút hơi lạnh từ máy điều hòa ở đó, thay vì bỏ tiền ra mua chúng.

Đối với Nitori, thách thức sẽ là làm sao tạo dựng được nét đặc sắc cho thương hiệu, theo Rein. “Bạn không thể cạnh tranh về giá ở Trung Quốc được”. Tuy nhiên, Nitori đang đặt cược rằng, ông hoàn toàn có thể lặp lại thành công của mình ở thị trường đông dân nhất thế giới, một thị trường có quy mô gấp 10 lần Nhật. Nó là thị trường quan trọng và chủ chốt giúp ông đạt được mục tiêu hiện nay của mình: mở 3.000 cửa hàng vào năm 2032.

Tôi hoàn toàn tự tin chúng tôi sẽ làm được điều đó, miễn là bạn đừng bó buộc tôi vào một hạn chót nào cả. Nhu cầu là vô tận”, ông khẳng định.

Theo Enternews/Bloomberg

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang