Tại hội thảo, các chuyên gia ATTT, doanh nghiệp CNTT… nhận định rằng cần có quy trình đánh giá/nhận định rủi ro, thành lập trung tâm xử lý các sự cố an ninh mạng tập trung… Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành các tiêu chuẩn về ATTT thích hợp với hoạt động của các hệ thống thông tin hoạt động trong đô thị thông minh.

Các đại biểu tham gia hội thảo ATTT cho đô thị thông minh.

Đại diện Cục ATTT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết: Hiện tại, bản thân Cục ATTT đã xây dựng mô hình trung tâm xử lý tấn công mạng nhằm đảm bảo về an toàn mạng. Trung tâm này có nhiệm vụ theo dõi, cảnh báo các nguy cơ tấn công mạng, kết nối các đầu mối xử lý các sự cố mất ATTT.

Hiện nay, công tác ATTT cho đô thị thông minh tại Việt Nam còn nhiều khó khăn, bất cập như thiếu hoặc các cơ sở pháp lý về những nội dung ATTT; nguồn nhân lực ATTT còn thiếu và yếu, thiếu chuyên gia giỏi, lành nghề; nguồn lực tài chính cho công tác đảm bảo ATTT chưa đầy đủ; thiếu cơ chế hợp tác có hiệu quả trong quan hệ hợp tác quốc tế, hợp tác công tư để chia sẻ tri thức và kinh nghiệm về ATTT cho đô thị thông minh; các trung tâm điều hành an toàn mạng (SOC) chưa được đưa vào hoạt động.

Ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch Chi hội ATTT phía Nam nhận xét về vai trò của ATTT trong đô thị thông minh: Một đô thị thông minh cần phải xử lý các vấn đề theo thời gian thực và đòi hỏi phải liên tục kết nối với các thiết bị CNTT, di động khác nhau qua internet. Do đó, cần có một quy trình đảm bảo ATTT giúp việc kết nối mọi người dễ dàng nhưng phải bảo vệ an toàn dữ liệu của người dùng, doanh nghiệp…

Ông Đồng cho rằng trong thời đại Internet kết nối vạn vật (Internet of Things), mọi thiết bị cũng như mọi người dùng sẽ thuận tiện khi kết nối với nhau, nhưng điều này cũng dẫn tới nguy cơ mất ATTT.

Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Phó cục trưởng Cục ATTT, cần tiến hành xác định danh mục những lĩnh vực hạ tầng thông tin quan trọng; các dữ liệu có giá trị thông tin cao sẽ được ưu tiên đảm bảo ATTT để bảo vệ hệ thống một cách trọng tâm, trọng điểm.

Về nguyên tắc, các đơn vị chuyên trách về đảm bảo ATTT ở các địa phương, cơ quan nhà nước… sẽ tiến hành đánh giá, phân loại dữ liệu và hệ thống thông tin để có thể đầu tư về đảm bảo ATTT ở mức độ thích hợp. Điều này sẽ giúp các đơn vị này tránh việc đầu tư dàn trải, đầu tư quá lớn cho các dữ liệu hoặc hệ thống thông tin ít giá trị…

Ngoài ra, theo các chuyên gia ATTT, ở các đô thị thông minh, người dùng khi kết nối mạng sẽ phải cung cấp dữ liệu; bị giám sát bởi các hệ thống ứng dụng thông minh. Do đó, việc kết nối thiết bị, chia sẻ dữ liệu… của các hệ thống trong đô thị thông minh sẽ cần có tới quy trình, tiêu chuẩn… giúp bảo vệ quyền riêng tư của người dùng; bảo vệ thông tin cá nhân khi kết nối mạng…

Xây dựng đô thị thông minh là một xu hướng tất yếu của các đô thị trên toàn thế giới trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và cũng là mối quan tâm của các đô thị lớn tại Việt Nam như TPHCM, Bình Dương, Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành khác. Xuất phát từ nhu cầu này, các địa phương sẽ phải xây dựng ngay một hệ thống đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho hoạt động vận hành đô thị thông minh. Một số địa phương đã bắt đầu xây dựng, triển khai mô hình trung tâm ứng cứu khẩn cấp hoặc vận hành giám sát an ninh mạng tập trung nhằm đảm bảo ATTT cho các cơ sở hạ tầng trọng yếu, trung tâm dữ liệu dùng chung, hệ thống giám sát an ninh và truyền dẫn dữ liệu từ các camera, các thiết bị kết nối internet trên diện rộng…

BCSI
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang