Cửa khó của hàng Việt ở kênh bán lẻ ngoại

Cửa khó của hàng Việt ở kênh bán lẻ ngoại

Xuất hiện ở kênh bán lẻ ngoại là một hướng đi mới đưa hàng Việt từng bước vươn ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, hàng Việt gặp khá nhiều lực cản.


Theo thống kê, hiện nay tại Việt Nam đang có hơn 170 cơ sở bán lẻ thuộc các loại hình có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó có khoảng 110 cơ sở bán lẻ FDI có quy mô 500 m2 trở lên thuộc loại hình siêu thị, trung tâm thương mại của rất nhiều thương hiệu nổi tiếng như BigC, Lotte Mart, Aeon, Emart…

"Cửa hẹp" của hàng Việt

Từ đầu những năm 2000, thị trường phân phối tại Việt Nam bắt đầu được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Đến nay, các nhà đầu tư đến từ Thái Lan với 4 đại siêu thị được coi là lớn nhất Việt Nam, là Mega Market (tên gọi cũ là Metro) với 19 siêu thị, B’smart có 75 cửa hàng tiện lợi (định hướng mở 3.000 cửa hàng), Big C có 32 siêu thị, Robinson với chuỗi siêu thị thuộc DN Thái Lan, chưa kể Central Group nắm 49% cổ phần hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim…

Còn Nhật Bản thì có hệ thống đại siêu thị Aeon Mall, trung tâm thương mại Saigon Centre, hệ thống cửa hàng tiện ích như Family Mart, mới nhất là hệ thống 7-Eleven… Hàn Quốc thì gắn liền với tên tuổi của Lotte, Emart, mới đây nhất là SG25,....

Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam háo hức, muốn xuất khẩu hàng hóa thông qua hệ thống kênh phân phối này. Tuy nhiên, sau khi tham gia, số lượng doanh nghiệp và sản phẩm có thể đi vào các kênh phân phối này khá khiêm tốn. Một thực tế hiện hữu là các doanh nghiệp Việt có nhu cầu tham gia vào các kênh phân phối này chủ yếu là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Trong khi muốn đáp ứng được các quy định nghiêm ngặt của họ thì đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư lớn. Doanh nghiệp nhỏ dù chịu chi đậm cũng không “giành” lại các doanh nghiệp lớn.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh  Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) cho biết, cái khó nhất hiện nay là thiếu đội ngũ doanh nghiệp đủ mạnh để tiếp cận hệ thống phân phối nước ngoài. Hiện nay, lực lượng doanh nghiệp của nước ta chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn ít, năng lực cạnh tranh còn kém. Với hàng rào kỹ thuật cao, nhiều quy định đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư lớn, nếu không có sự đầu tư và cam kết lâu dài, doanh nghiệp không thể đáp ứng được đầy đủ ngay tức khắc yêu cầu của nhà phân phối.

Trả lời trên Pháp luật TPHCM, ông Quốc Bình, chủ cơ sở sản xuất cá khô TQ (Đồng Tháp), cho biết đã từng bán hàng vào một siêu thị từ cuối năm 2016 nhưng do có quá nhiều trở ngại nên từ tháng 3-2017 đến nay ông không bán nữa.

Đầu tiên, cơ sở phải mất hơn một năm liên hệ, siêu thị nhiều lần đến cơ sở kiểm tra sản phẩm có đạt tiêu chuẩn không mới đồng ý nhận hàng. Ông Bình đánh giá quy trình kiểm tra nghiêm ngặt như vậy hoàn toàn hợp lý nhưng thời gian một năm là quá lâu, hoàn toàn có thể rút ngắn. Chưa kể tới khi đưa hàng vào được siêu thị thì khó khăn bắt đầu nảy sinh, đó là thời gian thanh toán quá lâu.

Theo ông Quốc Bình, trong hợp đồng với siêu thị là “những đơn hàng bắt đầu từ ngày đầu tháng hoặc cuối tháng sẽ thanh toán vào ngày 12 của tháng tiếp theo”. Như vậy, nhà cung cấp không chỉ phải chuẩn bị một đồng vốn mà tới ba đồng vốn. Đó là vốn ban đầu, vốn nằm trong một tháng và vốn của 12 ngày tháng tiếp theo. “Các doanh nghiệp (DN) nhỏ, siêu nhỏ của các tỉnh thường bị hạn chế về tài chính, việc thanh toán chậm khiến họ khó khăn trong việc tái sản xuất mở rộng đầu tư” - ông Bình nói.

Ngoài ra, tại các siêu thị này, hàng hóa phải ra kệ riêng hoặc ra mặt tiền quầy kệ thì mới bán được hàng nhưng siêu thị dành hết vị trí ưu tiên cho doanh nghiệp lớn, doanh số cao.

Nếu hàng hóa bị đẩy vào vị trí khuất thì khách hàng không để ý, không đạt chỉ tiêu doanh số và bị loại ra. Dù có nhiều kết quả khả quan trong hoạt động xuất khẩu trực tiếp hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài nhưng thực tế cho thấy muốn đưa hàng Việt tiếp cận các hệ thống phân phối nước ngoài đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ.

"Cửa" nào cho hàng Việt?

Theo các doanh nghiệp trực tiếp cung ứng hàng cho siêu thị nước ngoài, trong mối quan hệ cung - cầu, nhà bán lẻ nắm đằng cán,doanh nghiệp cung ứng nắm đằng lưỡi. Nhà bán lẻ muốn quảng bá thương hiệu, thu hút khách nên cạnh tranh quyết liệt về giá, dịch vụ cộng thêm… và “siết” chiết khấu cao với doanh nghiệp, đẻ ra các hình thức thu khác để bù đắp chi phí.

Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ ngoại đều hướng tới lợi nhuận và gia tăng phân phối hàng hóa của họ về lâu dài. Nhiều doanh nghiệp khi đưa hàng hóa và các siêu thị nước ngoài đều cho biết các siêu thị trong nước áp dụng mức chiết khấu vẫn còn dễ thở, dưới 10% thì các siêu thị ngoại đòi chiết khấu cao ngất ngưởng, có khi lên đến 25% doanh thu.

Ngoài chiết khấu, doanh nghiệp còn phải chi thêm vài chục triệu đồng (nếu mở mã hàng mới) để đóng góp hỗ trợ các chương trình sinh nhật siêu thị, khuyến mãi giảm giá… của siêu thị. 

Trong kế hoạch năm 2018, Bộ Công Thương dự kiến triển khai trong khuôn khổ Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020” gồm 3 loại hình hoạt động, đó là các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và các tập đoàn phân phối nước ngoài thông qua các hội thảo, các đoàn xúc tiến thương mại hay các hoạt động xúc tiến thương mại khác; Tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực tiếp cận các hãng phân phối ở nước ngoài cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam; Tiếp tục hoàn thiện và cập nhật cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và các hàng phân phối nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Đỗ Thắng Hải khẳng định, từ nhiều năm nay, xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối hiện đại được coi là hình thức xuất khẩu hiệu quả, bền vững được nhiều doanh nghiệp theo đuổi. Tuy nhiên, để các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam thâm nhập được vào hệ thống phân phối của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, từ đó phục vụ người tiêu dùng trong nước cũng như có thể xuất khẩu ra nước ngoài, trước hết phải đảm bảo về chất lượng, mẫu mã cũng như thị hiếu.

Chính vì vậy, theo ông Hải, một trong những nội dung hết sức quan trọng của Đề án, đó là tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, hội thảo để các chuyên gia của các tập đoàn phân phối có thể hướng dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam những kiến thức về thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng. Đồng thời phải đáp ứng được các yêu cầu của các thị trường doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang muốn nhắm tới.

Một vấn đề quan trọng nữa khi đưa hàng vào hệ thống ngoại chính là chất lượng phải ổn định và bền vững, sau đó mới là giá cả. Thực tế cho thấy, sản phẩm Việt Nam mặc dù đã có thương hiệu lâu năm nhưng trong quá trình tiêu thụ vẫn còn nhiều hạn chế trong việc quảng bá, đảm bảo chất lượng.

Các nhà cung cấp Việt Nam cần chú trọng đến chất lượng hàng hóa, bởi đây là yếu tố quan trọng nhất để có chỗ đứng trên thị trường, sau đó mới là giá cả. Riêng đối với các mặt hàng như lương thực, thực phẩm thì yếu tố VSATTP phải rất được coi trọng.

Đồng thời, doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn cho bao bì, mẫu mã, nhãn mác và dịch vụ sau bán hàng.

Theo enternews

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang